Chương trình giáo dục phổ thông mới: Mong muốn tăng thời gian thực hành

'Trong giáo dục có rất nhiều phương pháp, có những phương pháp hướng dẫn học sinh tiếp cận một tình huống thực tế, giải quyết tình huống thực tế rồi mới lĩnh hội được kiến thức. Đó là cách làm hiệu quả và khoa học. Tôi rất ủng hộ nhưng chỉ lo không đủ thời gian để làm' - thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên môn Toán Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) chia sẻ với phóng viên báo Đại Đoàn Kết.

Thầy giáo Trần Mạnh Tùng.

Thầy giáo Trần Mạnh Tùng.

PV: Vừa rồi, toàn bộ học sinh lớp 9 của quận Thanh Xuân Hà Nội đã thi lại môn Toán của kỳ thi học kỳ I. Nguyên nhân là phần lớn kết quả bài thi của học sinh dưới trung bình do đề khó và mới lạ. Là một giáo viên dạy môn Toán trong trường phổ thông, theo thầy, việc đổi mới kỳ thi cần đảm bảo những nguyên tắc gì?

Thầy giáo Trần Mạnh Tùng: Tôi xin không bàn trực tiếp đến đề thi của quận Thanh Xuân. Nhìn từ thực tế thì hiện nay một số địa phương đã có những đổi mới trong thi cử. Đơn cử như câu chuyện đề thi Toán vào lớp 10 của TPHCM năm vừa rồi được đánh giá là có tính sáng tạo và ứng dụng thực tế. Về lâu dài, tôi cho rằng đó là chủ trương đúng đắn và hoàn toàn ủng hộ.

Tuy nhiên trong một khoảng thời gian ngắn và gấp gáp, tôi cho rằng Hà Nội chưa nên đi theo cách ra đề như vậy. Nên giữ đúng cấu trúc đề thi những năm gần đây, tránh gây xáo trộn và khó khăn cho việc học của học sinh, việc ôn luyện của thầy và trò. Đặc biệt đối với những em lớp 9, dư luận cũng đã nói nhiều đến áp lực của của những học sinh cuối cấp. Kỳ thi vào lớp 10 thậm chí còn được ví áp lực hơn thi vào đại học. Có đặt mình vào cương vị của các em mới hiểu được. Nếu chúng ta chỉ nghĩ một chiều theo kiểu thích sáng tạo, thích tạo ra cái mới mà không quan tâm đến cảm nhận của các em, quan tâm đến người học nói chung thì đó không thể là phương pháp hiệu quả và không nên làm. Đặc biệt với giáo dục, đối tượng hướng tới là con người đòi hỏi chúng ta phải hết sức cân nhắc. Vì vậy, cá nhân tôi không đồng tình với việc có những thay đổi trong một thời gian ngắn.

Đổi mới cũng cần có lộ trình, ít nhất là 1 năm, thậm chí là từ 2-3 năm… Sở GDĐT có thể công bố trước khi vào năm học mới và giới thiệu các đề thi mẫu, đề thi minh họa và hướng dẫn chi tiết.

Chúng ta biết những kì thi cấp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế chẳng hạn, cấu trúc đề thi giữ nguyên một thời gian rất dài, luật thi cũng rất rõ ràng, công khai để tất cả mọi người theo dõi. Nếu chúng ta có những thay đổi nhanh quá trong một thời gian ngắn thì học sinh sẽ không đáp ứng được. Như vậy thì lợi bất cập hại.

Như thầy nói về lâu dài việc dạy và học, ôn tập của thầy và trò cũng cần thay đổi để đáp ứng những thay đổi về thi cử trong tương lai?

- Hiện nay chúng ta đứng trước những thay đổi về chương trình GDPT mới. Các nhà trường mới triển khai ở lớp 1, các giáo viên tiểu học đang được tập huấn. Năm sau nữa mới triển khai ở lớp 2 và lớp 6, các giáo viên THCS mới được tiếp cận. Tiếp nữa mới đến cấp THPT.

Trong bối cảnh của năm học này, chắc chắn các trường THCS cũng chưa có “động tĩnh” gì về sự đổi mới vì còn chờ nội dung chương trình, tài liệu, hướng dẫn. Khi đó, hướng đi mới chính xác. Tôi nghĩ đó là cách làm thận trọng và đúng đắn. Phải chờ có Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới, trong đó bao gồm cả kiểm tra và đánh giá, lúc đó mới có cơ sở đổi mới. Còn bây giờ chúng ta có mỗi tài liệu sơ sài của chương trình GDPT rút gọn để tham khảo nên cũng chưa đủ căn cứ để thay đổi về thi cử. Các trường cấp 2 theo tôi vẫn nên bám sát vào nội dung của các đề thi vào lớp 10 mấy năm gần đây để dạy và học, không nên có xáo trộn gì cả.

Mọi sự chuẩn bị không bao giờ là sớm. Vẫn cần có những bước chuẩn bị dài hơi để tiến tới những kỳ thi đổi mới mà không bỡ ngỡ, thậm chí bất ngờ, thưa thầy?

- Trở lại với TPHCM, tôi có theo dõi trong 2 năm vừa rồi thì có gần 50% điểm bài thi môn Toán dưới trung bình. Như năm 2019 có 126 bài thi điểm 0… Tôi cho rằng các nhà quản lý cũng lường trước được điều này. Cái gì cũng có hai mặt. Họ kiên trì đi theo con đường này và chấp nhận trong 2, 3, 4 năm đầu kết quả chưa được như mong muốn… Tuy nhiên, là một giáo viên dạy Toán, tôi không hoàn toàn đồng tình với cách làm như vậy vì hiện nay chúng ta vẫn dạy các em theo sách giáo khoa (SGK) hiện hành. Và sách này cũng không thực sự thuận lợi theo cái cách họ đang làm.

Tức là học một kiểu và ra đề một kiểu?

- Chính xác. Khó có thể triển khai được vì thời gian chỉ đủ để dạy và học theo cách truyền thống .Với các hoạt động rõ ràng hơn với nhiều trải nghiệm hơn, điều đó cần quỹ thời gian nhiều hơn...

Điều tôi lo lắng đó là chúng ta không đủ thời gian! Trong giáo dục có rất nhiều phương pháp, có những phương pháp chúng ta tiếp cận một tình huống thực tế, giải quyết tình huống thực tế rồi mới lĩnh hội được kiến thức. Đó là cách làm hiệu quả và khoa học. Tôi rất ủng hộ nhưng chỉ lo không đủ thời gian để làm.

Thực tế lâu nay chúng tôi vẫn bố trí cho các em trải nghiệm thực hành rồi lĩnh hội kiến thức nhưng không thường xuyên, chỉ mang tính chất điểm nhấn, điểm nhá thôi… Bởi trong môn Toán ở chương trình hiện hành, tiết thực hành chỉ gói gọn trong 1-2 tiết ở mỗi chương.
Trân trọng cảm ơn thầy!

Thu Hương (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giao-duc/chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-moi-mong-muon-tang-thoi-gian-thuc-hanh-tintuc455434