Chương trình mới lớp 10: Nửa học kỳ, thầy trò vẫn còn lúng túng

Từ năm học 2022-2023, học sinh lớp 10 chính thức học chương trình Giáo dục phổ thông mới - chương trình được xây dựng theo hướng phân hóa và gần với định hướng nghề nghiệp của người học.

Dù đã được phổ biến và chuẩn bị từ trước, song nhiều học sinh, thậm chí cả giáo viên đến nay vẫn chưa hết lúng túng, khi học kỳ đầu tiên đã đi qua được một nửa.

Vừa trải qua kỳ kiểm tra giữa kỳ, em Đỗ Thục Quyên, lớp 10, trường THPT Trần Hưng Đạo, quận Thanh Xuân, Hà Nội vẫn chưa hết bỡ ngỡ khi yêu cầu bài kiểm tra khác hẳn kiến thức được học. Vốn học ban D, đã được thầy cô giáo hướng dẫn cách đọc tài liệu, làm bài thi, song Thục Quyên vẫn có phần băn khoăn.

"Học chương trình mới thì cách giảng dạy của thầy cô cũng sẽ khác. Do đó, cũng có một số kiến thức cháu cũng không thể nắm bắt một cách triệt để. Ví dụ như sách giáo khoa Văn mới, như hồi trước sẽ thi theo những văn bản có trong sách, còn bây giờ chỉ được học những kỹ năng thông qua những văn bản đó và thi thì sẽ thi một văn bản khác".

Tương tự, em Nguyễn Hoàng Uyên San, học sinh lớp 10, ban D, trường THPT Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm, Hà Nội vẫn đang loay hoay với cách học mới khi thầy cô chủ yếu hướng dẫn cách học, cách tìm tài liệu, khác hẳn với cách học trước đây: "Cháu vẫn chưa quen với cách dạy năm nay tại vì học sinh sẽ học nhiều, còn giáo viên sẽ chủ yếu đưa bài tập và chấm điểm. Như vậy, ở trên lớp cháu sẽ phải chăm chú nghe bài hơn, còn ở nhà sẽ phải xem bài mới và ôn lại những bài chưa hiểu, nhất là môn Toán và Vật lý, vì 2 môn đó cháu cũng yếu".

Để có kiến thức mới, thầy cô phải bắt đầu từ thực tế, dẫn đến tình huống để giúp học sinh lĩnh hội kiến thức mới, nên cả thầy lẫn trò còn lúng túng trong thay đổi cách dạy, cách học.

Để có kiến thức mới, thầy cô phải bắt đầu từ thực tế, dẫn đến tình huống để giúp học sinh lĩnh hội kiến thức mới, nên cả thầy lẫn trò còn lúng túng trong thay đổi cách dạy, cách học.

Không chỉ học sinh, mà một số giáo viên cũng lo lắng khi giảng dạy chương trình sách giáo khoa mới. Cô Nguyễn Thu Thủy, một giáo viên trên địa bàn quận Hà Đông chia sẻ, ở chương trình cũ, thầy cô vào kiến thức mới ngay mà không cần dẫn dắt gì cả...

Còn hiện tại, để có kiến thức mới, thầy cô phải bắt đầu từ thực tế, dẫn đến tình huống để giúp học sinh lĩnh hội kiến thức mới, nên cả thầy lẫn trò còn lúng túng trong thay đổi cách dạy, cách học.

"Ví dụ phần kinh tế là kiến thức phần tín dụng, về thuế là những kiến thức mới, đòi hỏi người giáo viên chúng tôi phải đi tìm rất nhiều nguồn tài liệu để tham khảo, nghiên cứu thì mới có thể truyền tải, hướng dẫn các em học sinh được".

Đối với nhà trường, dù đã được quán triệt từ trước, song cũng có trường hợp giữa học kỳ, phụ huynh vẫn chưa nắm được chủ trương phân ban học theo định hướng nghề nghiệp.

Thầy giáo Nguyễn Văn Bắc, Phó Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội) cho biết: "Ban Tuyển sinh phải hướng dẫn rõ cái này là theo chương trình chung của Bộ Giáo dục thì phụ huynh phải xác định học như thế nào thì lựa chọn. Nó là định hướng nghề nghiệp mà. Phải giải thích rõ cho phụ huynh, học sinh, phải nắm rõ tinh thần ấy, không người ta học nửa chừng lại đổi sang cái khác thì không học nổi".

Theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018, học sinh sẽ có 7 môn học và hoạt động bắt buộc (toán, ngữ văn, ngoại ngữ, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng và an ninh, hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, nội dung giáo dục của địa phương) và 5 môn học tự chọn được chọn từ 3 nhóm: Nhóm khoa học xã hội; khoa học tự nhiên; công nghệ và nghệ thuật.

Lý giải về việc phân ban, đặt học sinh vừa vào lớp 10 lựa chọn môn học theo sở thích, sở trường, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông mới cho biết, việc thực hiện giáo dục phân hóa ngay từ lớp 10 để học sinh không phải học quá nhiều môn học, tập trung thời gian cho những môn học phù hợp với định hướng nghề nghiệp của các em.

"Phân ban mềm, tức là phân hóa và tạo quyền cho người học được chủ động chọn môn học cần thiết. Tức là không phải mình định ra một ban bắt buộc học sinh vào ban này hoặc vào ban kia, mà bây giờ cho phép học sinh chọn học những môn nhất định, phục vụ nghề nghiệp tương lai của các em".

Về vấn đề trường có thể thiếu giáo viên dạy môn nghệ thuật, hoặc các môn tự chọn, GS Nguyễn Minh Thuyết gợi ý, cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương có thể điều động hoặc ký hợp đồng giảng dạy với giáo viên có đủ điều kiện giảng dạy những môn học này từ các cấp học khác, các trường chuyên nghiệp.

Ngoài ra, cũng có thể cho phép học sinh học những môn này ở các trường khác trên địa bàn, công nhận kết quả học tập của các em như đối với các môn học ở trường THPT./.

Quách Đồng/VOV Giao Thông

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/chuong-trinh-moi-lop-10-nua-hoc-ky-thay-tro-van-con-lung-tung-post983012.vov