Các cuộc tấn công gần đây vào UAE bằng tên lửa và máy bay không người lái của phiến quân Houthi Yemen đã làm nổi bật tính dễ bị tổn thương nền kinh tế vốn phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng năng lượng, các sân bay quốc tế và lực lượng lao động phần lớn là người nước ngoài.
UAE, thành viên liên minh quân sự do Saudi Arabia dẫn đầu chiến đấu chống lại quân Houthis ở Yemen, đã có một trong những hệ thống phòng không mạnh nhất trong khu vực
Hệ thống này chủ yếu dựa vào vũ khí do Mỹ sản xuất như tên lửa HAWK, Patriot PAC và mới nhất là hệ thống phòng không THAAD lần đầu tiên được sử dụng trong chiến đấu trong năm nay
Các khẩu đội tên lửa này đóng tại các điểm chiến lược, bảo vệ các sân bay, cơ sở dầu khí và các căn cứ quân sự. Tuy vậy, phiến quân Houthi vẫn có thể tấn công vào Abu Dhabi, làm hư hại sân bay và kho nhiên liệu đồng thời có cả người thiệt mạng
Trước các cuộc tấn công của Houthi, UAE hiện đã khởi động một chương trình để tăng cường hệ thống phòng thủ bằng nhiều loại vũ khí mới với hy vọng tránh được tình trạng thiếu hụt nguồn cung
Vì phải đẩy lùi rất nhiều cuộc tấn công bằng tên lửa của Houthi trong năm qua, UAE đã thiếu hụt rất nhiều tên lửa Patriot. Ngay cả những đơn đặt hàng cấp tốc từ Mỹ cũng có thể không lấp đầy khoảng trống. Vậy họ khắc phục thế nào?
Tập trung vào hệ thống phòng không nhiều lớp, UAE chủ yếu chọn mua tên lửa của Hàn Quốc và Israel, cũng như giữ phần lớn vũ khí do Mỹ sản xuất.
Trong thương vụ xuất khẩu vũ khí lớn nhất trong lịch sử, Hàn Quốc đã đồng ý bán cho UAE lượng lớn tên lửa đất đối không tầm trung Cheongung 2 trị giá 3,5 tỷ USD, cùng với các radar đi kèm.
Tên lửa Cheongung 2 có khả năng tấn công mạnh, tấn công nhiều mục tiêu cùng lúc với tầm bắn 40km. Nó cũng có khả năng chống nhiễu điện tử cao.
Nhưng quy mô thỏa thuận với Hàn Quốc cũng có thể bị Israel đánh bại trong chương trình mua sắm vũ khí của UAE. Quốc gia vùng Vịnh này đã thảo luận với Israel về việc mua hệ thống tên lửa phòng không Barak 8 hoặc Spyder cho bước tiếp theo
Tên lửa Barak 8 có tầm bắn xa hơn so với đối thủ Hàn Quốc và cũng có thể tiêu diệt nhiều mục tiêu cùng lúc.
Phần lớn các tên lửa đạn đạo của Houthi đã bị đánh chặn thành công, nhưng nhiều máy bay không người lái chứa đầy chất nổ của chúng vẫn có thể vượt qua và tấn công mục tiêu.
Để lấp lỗ hổng quan trọng, UAE cũng đang thảo luận với Israel để mua hệ thống phòng không Vòm Sắt - lớp phòng thủ chống lại các máy bay không người lái và tên lửa hành trình
Không chỉ hướng đến các quốc gia khác để tìm giải pháp, UAE cũng đã và đang thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng trong nước với hàng tỷ USD được đầu tư vào các chương trình nghiên cứu và phát triển.
Vào năm 2021, Halcon, nhà cung cấp vũ khí dẫn đường chính xác có trụ sở tại Abu Dhabi, đã công bố SkyKnight, hệ thống phòng không mới được thiết kế để tiêu diệt trực thăng, máy bay không người lái (UAV) và tên lửa.
SkyKnight có tầm bắn ngắn và được thiết kế để đánh chặn các mục tiêu trong phạm vi 10km. Ngoài Vòm Sắt và hệ thống phòng không Pantsir hiện có của Nga, mạng lưới phòng thủ nhiều lớp mới này ngày càng tỏ ra đáng gờm.
Ngoài những hệ thống phòng không tiên tiến nhất trong khu vực Vùng Vịnh, UAE cũng hợp tác chia sẻ thông tin từ các đồng minh Saudi Arabia, Mỹ và Israel để phát hiện sớm hơn các nguy cơ xâm nhập từ bên ngoài
Bên cạnh đó, lực lượng không quân nhỏ nhưng được đào tạo bài bản của nước này sẽ có bước tiến mạnh mẽ, vì vào tháng 12, Pháp và UAE đã thông báo về việc mua 80 máy bay chiến đấu đa năng Rafale tiên tiến. Với giá 18 tỷ USD, đây là thương vụ xuất khẩu vũ khí lớn nhất từ trước đến nay của Pháp.
Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế IISS, UAE có 156 máy bay chiến đấu. Việc bổ sung 80 chiếc Rafale sẽ giúp UAE tăng thêm đáng kể sức mạnh chiến đấu, giành lợi thế trong cán cân quyền lực tại khu vực.
Mua sắm vũ khí kiểu “nhà giàu” để đảm bảo an toàn cho các địa điểm, thành phố và sân bay… trước các cuộc tấn công của Houthi, UAE có thể tiếp tục theo đuổi chính sách đối ngoại mạnh mẽ của mình
Hải Yến