Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào Dân tộc thiểu số và miền núi: Những thanh niên, người có uy tín tiêu biểu trong phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Nhiều tấm gương đoàn viên, thanh niên, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) không chỉ làm tốt vai trò tuyên truyền, vận động đồng bào trong phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) mà còn là những tấm gương tiêu biểu, đi đầu trong phát triển kinh tế gia đình, làm giàu cho quê hương.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Khu Văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS&MN tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2023.

Thúc đẩy thanh niên vùng miền núi khởi nghiệp, lập nghiệp

Lên huyện vùng cao Bá Thước, tôi khá ấn tượng với Hà Văn Dũng, Phó Bí thư Đoàn xã Thành Sơn. Dũng không chỉ là “thủ lĩnh” đoàn tiêu biểu mà anh còn là những người trẻ tiên phong khởi nghiệp trên mảnh đất quê hương. Sau khi tốt nghiệp Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam anh trở về quê hương. Không chỉ tích cực trong hoạt động đoàn, Dũng còn mạnh dạn đầu tư mở trang trại chăn nuôi giống gà mía thuần Sơn Tây với quy mô hơn 1.000 con/lứa. Vừa học, vừa làm và tìm đầu ra cho sản phẩm, mỗi năm Dũng xuất 3 lứa gà ra thị trường, nhất là khu vực Pù Luông phục vụ khách du lịch và xuất bán đi các tỉnh.

Ở huyện vùng cao Mường Lát, thanh niên Vi Văn Đợi, dân tộc Thái ở khu phố Buốn, thị trấn Mường Lát được nhiều đoàn viên, thanh niên ngưỡng mộ vì tinh thần dám nghĩ, dám làm, tiên phong khởi nghiệp, lập nghiệp trên vùng đất khó. Từ năm 2020 Vi Văn Đợi được Huyện đoàn Mường Lát tư vấn về phát triển kinh tế rừng kết hợp chăn nuôi. Anh trồng các loại cây như xoan, luồng, lát, keo, măng bát độ, ngô, sắn, chuối, đồng thời đầu tư mua bò, lợn, gà để kết hợp chăn nuôi dưới tán rừng với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”. Cùng với việc mở rộng sản xuất, Vi Văn Đợi còn đứng ra bao tiêu sản phẩm như cây ngô, cây sắn cho người dân địa phương. Trong các loại cây, con nuôi trong gia đình, Vi Văn Đợi tập trung vào trồng sắn và chăn nuôi bò. Anh đã đầu tư chuồng trại, mua bò lai sind sinh sản cung cấp cho bà con và nuôi bò thịt vỗ béo. Hiện trong chuồng trại của gia đình luôn duy trì từ 40 đến 50 con bò. Bên cạnh đó, anh còn đầu tư ao nuôi thả cá. Với việc triển khai hiệu quả mô hình kinh tế đã mang lại thu nhập cho gia đình anh khoảng 300 đến 400 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 15 lao động địa phương với mức lương khoảng 4 triệu đồng/người/tháng. Không chỉ làm kinh tế giỏi, Vi Văn Đợi còn được biết đến với vai trò là bí thư chi đoàn khu phố Buốn. Anh tích cực chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ, giúp đỡ một số hộ gia đình thanh niên có hoàn cảnh khó khăn cùng phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Ở huyện miền núi Ngọc Lặc, chàng thanh niên Hà Minh Châu, dân tộc Mường ở thôn Thọ Phú, xã Kiên Thọ đã và đang thành công trong chuyển đổi cây trồng, đưa loại dưa Kim Hoàng hậu trồng trên đồng đất, mang hiệu quả kinh tế. Năm 2018, sau một thời gian làm việc ở các tỉnh ngoài, Châu quyết định trở về quê hương. Nhận thấy gia đình có quỹ đất rộng, thích hợp với trồng cây ăn quả, anh đã bàn bạc với gia đình chuyển đổi 10.000m2 đất trồng cây keo, để xây dựng nhà màng, trồng dưa vàng Kim Hoàng hậu. Lứa dưa đầu tiên, anh có lợi nhuận trên 600 triệu đồng. Sau đó anh tiếp tục mở rộng thêm 10.000m2 để trồng dưa. Ngoài ra, anh còn phát triển thêm nghề nuôi ong lấy mật và sản phẩm mật ong đã được xếp hạng OCOP 3 sao. Hiện mô hình trồng dưa vàng và nuôi ong lấy mật của gia đình anh Hà Minh Châu không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động, với mức thu nhập 5 - 7 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh làm kinh tế giỏi, Hà Minh Châu còn thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật, cách xây dựng mô hình phát triển kinh tế cho các hộ gia đình trong thôn, trong xã; tích cực tham gia các cuộc vận động, phong trào do tổ chức đoàn và địa phương phát động; đóng góp xây dựng đường giao thông, nhà văn hóa, quỹ khuyến học của địa phương.

Những năm qua, nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, Thanh Hóa đã có các nguồn vốn hỗ trợ thanh niên. Tỉnh đoàn phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh thực hiện nguồn vốn vay quỹ tín dụng ưu đãi hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp cho thanh niên. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho thanh niên, nhất là khu vực miền núi như tổ chức diễn đàn “Thanh niên khởi nghiệp”, “Đối thoại với thanh niên”, tập huấn kiến thức về khoa học - công nghệ... Đặc biệt, dự án khởi nghiệp trong đoàn viên, thanh niên tỉnh Thanh Hóa đã thu hút ngày càng nhiều ý tưởng của thanh niên miền núi, trong đó có những ý tưởng đạt giải cao và có giá trị thực tiễn. Đồng thời, các cấp bộ đoàn tích cực thực hiện các giải pháp để hỗ trợ thanh niên xây dựng sản phẩm OCOP, đưa các sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, kết nối, tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm.

Tỉnh Thanh Hóa cũng đang triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ 2021-2025 (gọi tắt Chương trình 1719). Nhiều dự án, tiểu dự án của chương trình mục tiêu quốc gia đã và đang “tạo đà” cho thanh niên, đồng bào DTTS&MN có cơ hội hiện thực hóa những ý tưởng trong phát triển kinh tế. Trong đó có nội dung số 3 thuộc tiểu dự án 2, dự án 3: Thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN thuộc Chương trình 1719 trên địa bàn Thanh Hóa.

Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lê Minh Hành cho biết: Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025, Ban Dân tộc tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án, trong đó có nội dung số 3 thuộc tiểu dự án 2, dự án 3 về “Thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2023-2025”. Dự án nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng cho đồng bào vùng DTTS&MN về khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, tiềm năng sáng tạo của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn miền núi. Thúc đẩy, cổ vũ, khuyến khích và xây dựng tinh thần khởi nghiệp; kích thích sáng tạo, tư duy năng động, truyền cảm hứng kinh doanh, khơi dậy những ý tưởng khởi nghiệp, đam mê, khát vọng làm giàu trong đồng bào DTTS&MN, nhất là đoàn viên, thanh niên; xây dựng được nhiều mô hình sản xuất mới hiệu quả ở vùng đồng bào DTTS&MN của tỉnh. Từ đó, thu hút nguồn đầu tư vào khu vực miền núi. Nhằm triển khai hiệu quả tiểu dự án 2, dự án 3 của Chương trình 1719, Ban Dân tộc đã ban hành kế hoạch và phối hợp với các sở, ngành liên quan, các huyện, thị xã vùng đồng bào DTTS&MN thực hiện một số nội dung, phần việc trong năm 2024. Trong đó, sẽ tổ chức “Hội nghị biểu dương thanh niên, sinh viên tiêu biểu và tấm gương khởi nghiệp thành công trong đồng bào DTTS&MN; Diễn đàn thanh niên khởi nghiệp trong vùng đồng bào DTTS &MN”.

Những tấm gương người có uy tín tiêu biểu

Nếu như đoàn viên, thanh niên dùng sức trẻ, lòng nhiệt huyết để khởi nghiệp, lập nghiệp, thì những người có uy tín trong đồng bào DTTS&MN đã và đang dùng kinh nghiệm, uy tín của mình là cầu nối chuyển tải tâm tư, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc đến với các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp. Đồng thời là tấm gương tiêu biểu trên các lĩnh vực, trong đó có thể kể đến phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình, thôn, bản...

Phó Bí thư Đoàn xã Thành Sơn (Bá Thước) Hà Văn Dũng với mô hình chăn nuôi gà.

Tại huyện miền núi Thường Xuân ông Vi Văn Thìn, dân tộc Thái ở thôn Lùm Nưa, xã Vạn Xuân là Giám đốc Công ty TNHH TT88 may túi siêu thị xuất khẩu, giải quyết việc làm cho 30 người địa phương với mức lương từ 5 - 7 triệu đồng/tháng. Ông Lang Sơn Hải, dân tộc Thái ở thôn Chiềng, xã Yên Nhân là chủ hộ sản xuất, kinh doanh, từ hộ nghèo, với sự cần cù, chịu khó lao động, tiết kiệm chi tiêu, lựa chọn phương án đầu tư đúng, đến nay gia đình đã vươn lên thành hộ khá giả, thu nhập hàng năm trên 250 triệu đồng. Bà Lò Thị Thanh, dân tộc Thái ở thôn Thành Lãm, xã Tân Thành, là chủ hộ sản xuất, kinh doanh, đi đầu trong phát triển lâm nghiệp, chăn nuôi, hàng năm có thu nhập trên 200 triệu đồng, tạo thu nhập ổn định cho 6 lao động địa phương. Ở thôn Đôn, xã Thành Lâm (Bá Thước), ông Hà Huy Giáp (sinh năm 1959) là người có uy tín, trưởng thôn, bí thư chi bộ thôn Đôn. Ông Giáp đã bắt tay vào phát triển kinh tế hộ gia đình theo hướng dịch vụ lưu trú Homestay. Đồng thời tuyên truyền các hộ dân trong bản làm du lịch cộng đồng. Hiện nay, gia đình ông Giáp đã vận hành dịch vụ lưu trú khách du lịch, đảm bảo đáp ứng được các điều kiện ăn, ngủ, nghỉ, tham quan... và tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động là người địa phương, mang lại thu nhập bình quân 46 - 50 triệu/tháng...

Giai đoạn 2021-2023 trên địa bàn tỉnh có tổng cộng 3.899 lượt người có uy tín trong cộng đồng DTTS. Riêng năm 2023 có 1.282 người có uy tín (bao gồm già làng, trưởng dòng họ, bí thư chi bộ, trưởng thôn bản, người sản xuất, kinh doanh giỏi)... Trong những năm qua, người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS và đội ngũ nhân sĩ, trí thức, doanh nhân người DTTS đã trở thành lực lượng có vai trò và vị trí quan trọng, đóng góp ngày càng nhiều cho sự phát triển chung của tỉnh và cộng đồng các DTTS trên địa bàn. Người có uy tín đã và đang góp sức trên tất cả các lĩnh vực như chính trị, KT-XH, quốc phòng - an ninh, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, giải quyết vấn đề về dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc. Những việc làm đó đã trực tiếp góp phần vào sự phát triển của khu vực miền núi và vùng đồng bào các DTTS trong tỉnh.

Bài và ảnh: Ngọc Huấn

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/xay-dung-dang/chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-va-mien-nui-nhung-thanh-nien-nguoi-co-uy-tin-tieu-bieu-trong-phat-trien-kinh-te-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so/209874.htm