Chương trình Mục tiêu Quốc gia về văn hóa: Vượt qua 'tư duy nhiệm kỳ'
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang xây dựng Chương trình Mục tiêu Quốc gia về chấn hưng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam với 9 dự án thành phần.
Chiều 7/11, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng một lần nữa nhắc đến tầm quan trọng của Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Phát triển văn hóa.
Ông Hùng khẳng định xây dựng chương trình này là nhiệm vụ vượt qua “tư duy nhiệm kỳ” – làm cho nhiệm kỳ sau chứ không chỉ lo cho nhiệm kỳ này.
Tại phiên họp, đại biểu Trần Thị Thu Hằng (tỉnh Đắk Nông) dẫn báo cáo của Tổng Thư ký Quốc hội về kết quả rà soát thực hiện các nghị quyết của Quốc hội đã nêu, trong đó nguồn lực cho công tác Văn hóa, Thể thao và Du lịch chưa đáp ứng được yêu cầu. Do đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp để khắc phục tình trạng trên.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho hay bộ đang có hai cách tiếp cận nguồn lực cho lĩnh vực văn hóa.
Cách tiếp cận thứ nhất là nguồn lực theo nghĩa rộng. Trong nhiệm kỳ này, Đảng, Nhà nước, Quốc hội rất quan tâm đến lĩnh vực văn hóa, đặt tầm quan trọng của văn hóa lên ngang bằng với kinh tế, chính trị.
Theo đó, Hội nghị Văn hóa Toàn quốc năm 2021, Hội thảo “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” năm 2022 cùng các hội thảo khác đã làm rõ những nội hàm, giá trị, hệ giá trị giúp cho nền văn hóa có niềm tin mới, nguồn lực mới, động lực mới để tập trung cho phát triển văn hóa theo tinh thần Nghị quyết của Đảng.
Nếu coi nguồn lực ở nghĩa hẹp là tài chính, Bộ trưởng cho biết đây cũng là vấn đề Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm.
Ngày 20/7/2004, Bộ Chính trị đã có quyết nghị phải chi ngân sách Nhà nước cho văn hóa đạt ít nhất 1,8%, nhưng kết thúc nhiệm kỳ khóa XIV, báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội cho thấy tổng chi ngân sách Nhà nước cho văn hóa chỉ đạt 1,7%. Nhiệm kỳ này, Chính phủ đặt ra mục tiêu chi 2% ngân sách nhà nước cho văn hóa.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, thời gian qua, Chính phủ có quyết định đầu tư 1.428 tỷ đồng để trùng tu, tôn tạo di tích tại 17 địa phương (ủy ban nhân dân tỉnh làm chủ đầu tư). Các địa phương khác đã bắt đầu tăng định mức chi cho lĩnh vực văn hóa như Vĩnh Phúc đầu tư cho Làng Văn hóa kiểu mẫu trên 2.600 tỷ đồng.
Để có giải pháp căn cơ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang xây dựng Chương trình Mục tiêu Quốc gia về chấn hưng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, trong đó có 9 dự án thành phần: Phát triển nhân cách văn hóa con người Việt Nam; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; nâng cao hiệu quả thông tin tuyên truyền và giáo dục văn hóa; bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc; thúc đẩy sự phát triển văn học nghệ thuật; phát triển công nghiệp văn hóa; đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng các thành tựu khoa học-công nghệ trong lĩnh vực văn hóa; phát triển nguồn nhân lực văn hóa; hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, việc xây dựng và triển khai thành công chương trình sẽ tạo ra sự chuyển biến căn bản, to lớn trong sự nghiệp phát triển văn hóa và xây dựng con người Việt Nam, đóng góp quan trọng vào việc bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Nhấn mạnh rằng nguồn lực phải bắt nguồn từ cơ chế, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết Bộ sẽ phối hợp cùng các bộ, ngành để rà soát các bộ luật, sửa đổi theo hướng không chỉ quản lý, mà còn kiến tạo, sửa đổi các quy định của pháp luật liên quan như Luật Đầu tư, Luật Hợp tác công tư, Luật Thuế… để tạo ra một cơ chế khơi thông nguồn lực, lấy đầu tư công và nguồn lực xã hội để bổ sung cho nguồn lực văn hóa./.