Chương trình nghệ thuật 'Cho muôn đời sau': Bản giao hưởng Hoàng Vân
Chương trình nghệ thuật 'Cho muôn đời sau' giới thiệu những tác phẩm tiêu biểu để vinh danh di sản nghệ thuật gồm hơn 700 tác phẩm và chào mừng bằng Di sản tư liệu thế giới của UNESCO cho bộ Sưu tập của nhạc sĩ Hoàng Vân đã diễn ra tối 24/7, tại Nhà hát Hồ Gươm, Hà Nội.
Chương trình nghệ thuật “Cho muôn đời sau” quy tụ hơn 200 nghệ sĩ, với sự tham gia của các nghệ sĩ tên tuổi, các dàn nhạc và hợp xướng chuyên nghiệp, cùng nhiều thế hệ học trò và cộng sự của nhạc sĩ Hoàng Vân như: NSND Cồ Huy Hùng (đàn nguyệt), NSND Xuân Bình (đàn bầu), NSND Vương Hà (ngâm thơ), NSƯT Đăng Dương; ca sĩ Trọng Tấn, Đào Tố Loan, Thành Lê, Bùi Trang, Trần Trang, Trường Linh; nghệ sĩ Trinh Hương (piano), Thư Hương (flute), Ánh Linh (sáo trúc), Quyền Thiện Đắc (saxophone), Nguyễn Minh Tân (accordion), Bình Sơn (piano), nhóm Oplus… nhằm tôn vinh sự nghiệp đồ sộ và di sản nghệ thuật đặc biệt của một trong những cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam hiện đại.

Lễ trao bằng Di sản tư liệu thế giới của UNESCO cho bộ Sưu tập của nhạc sĩ Hoàng Vân trước khi khai mạc Chương trình nghệ thuật "Cho muôn đời sau".
Tại lễ trao bằng Di sản tư liệu thế giới của UNESCO ở đầu chương trình, TS Lê Y Linh, con gái nhạc sĩ Hoàng Vân, đại diện gia đình chia sẻ: Cùng với niềm tự hào và xúc động, chúng tôi nhận thức được nhiệm vụ của mình trong việc tiếp tục tăng cường bảo vệ và phát huy giá trị của bộ Sưu tập theo các tiêu chí của UNESCO. Việc ghi danh cũng khuyến khích tôi tiếp tục công trình nghiên cứu của mình về những tác phẩm của các nhà soạn nhạc khác cùng thời với cha chúng tôi, những người đã góp phần kiến tạo nên nền âm nhạc hàn lâm Việt Nam vào nửa cuối của thế kỷ XX.

Nhạc sĩ Hoàng Vân. (Ảnh: Gia đình nhân vật cung cấp)
Nhạc sĩ Hoàng Vân (1930 -2015) là một trong những tên tuổi lớn của âm nhạc Việt Nam. Ông để lại hơn 700 tác phẩm đa dạng ở hình thức, thể loại và hình thức: ca khúc, hợp xướng, nhạc phim, giao hưởng, khí nhạc, nhạc thiếu nhi..., một di sản phong phú trong đó có nhiều tác phẩm trở thành biểu tượng văn hóa, song hành cùng đất nước. Với vốn kiến thức âm nhạc sâu rộng, tinh thần lao động nghệ thuật nghiêm túc và lòng yêu nước mãnh liệt, Hoàng Vân đã tạo nên những tác phẩm có sức sống trường tồn trong lòng công chúng. Tháng 4/2025, bộ sưu tập tác phẩm của ông được UNESCO ghi danh là Di sản tư liệu thế giới.
Chương trình được cấu trúc như một Bản giao hưởng Hoàng Vân gồm 2 chương:
Chương I: “Hồi tưởng” là những tác phẩm chọn lọc, gợi lại những dấu mốc lịch sử đến khát vọng tương lai được ghi bằng âm thanh cuộc đời của chính nhạc sĩ. Khán giả sẽ có cơ hội thưởng thức: “Giao hưởng số II”, “Tưởng niệm (Chương I)”, bản phổ nhạc bài thơ “Cảnh khuya” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, và những ca khúc cách mạng đi cùng năm tháng như: “Tôi là người thợ lò”, “Người chiến sĩ ấy”, “Bài ca giao thông vận tải” và riêng tác phẩm “Quảng Bình quê ta ơi” được làm mới với sự kết hợp giữa tiếng đàn nguyệt của NSND Cồ Huy Hùng cùng Dàn nhạc Giao hưởng, đây là sự kết hợp đầy sáng tạo giữa truyền thống và hiện đại.

Chương trình nghệ thuật “Cho muôn đời sau” quy tụ hơn 200 nghệ sĩ, với sự tham gia của các nghệ sĩ tên tuổi, các dàn nhạc và hợp xướng chuyên nghiệp.

Tác phẩm "Quảng Bình quê ta ơi" được làm mới với sự kết hợp giữa tiếng đàn nguyệt của NSND Cồ Huy Hùng cùng Dàn nhạc Giao hưởng.

Tác phẩm "Hồi tưởng" do Hợp xướng thiếu nhi và Dàn nhạc Giao hưởng thể hiện. Lĩnh xướng, ca sĩ Trọng Tấn.

Bản phổ nhạc bài thơ “Cảnh khuya” của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Chương II: “Cho muôn đời sau” mở ra một không gian tươi sáng và giàu sức sống, thể hiện tinh thần kiến thiết và vẻ đẹp của đất nước thanh bình. Từ điểm chuyển giao xúc động qua tác phẩm “Hát ru trong đêm pháo hoa”, chương trình đưa người xem đến với ký ức tuổi thơ qua Tổ khúc dành cho thiếu nhi: “Em yêu trường em”, “Con chim vành khuyên”, “Mùa hoa phượng nở”. Cùng với đó là những giai điệu trải dài qua những miền quê hương đất nước như: “Tình ca Tây Nguyên”, “Khúc tâm tình người thủy thủ”, “Hát về cây lúa hôm nay”, “Bài ca người Giáo viên nhân dân”... Chương trình được khép lại bằng bản mashup “Cho ngày nay, cho ngày mai, cho muôn đời sau”, như một khúc hoan ca, ngợi ca hòa bình, tình yêu và khát vọng trường tồn của dân tộc Việt Nam.

Tác phẩm "Hát về cây lúa hôm nay" do ca sĩ Trọng Tấn và Nhóm nhạc dân tộc, Dàn nhạc Giao hưởng thể hiện.

Tác phẩm "Tôi là người thợ lò" do NSƯT Đăng Dương và Dàn nhạc Giao hưởng thể hiện.
Đúng như tên gọi “Cho muôn đời sau”, chương trình không chỉ là không gian tôn vinh âm nhạc của nhạc sĩ Hoàng Vân mà còn là minh chứng cho sức sống lâu bền của những tác phẩm đi cùng năm tháng có giá trị nghệ thuật và sức lan tỏa trong lòng công chúng yêu nhạc nhiều thế hệ trong nước và ở nước ngoài.

Tổ khúc dành cho thiếu nhi: “Em yêu trường em”, “Con chim vành khuyên”, “Mùa hoa phượng nở”.

Nhóm Oplus và dàn nhạc giao hưởng thể hiện Tổ khúc "Bài ca xây dựng".
Chương trình nghệ thuật “Cho muôn đời sau” cũng hướng tới kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước trong năm nay như 80 năm Quốc khánh 2/9; 80 năm Ngày thành lập ngành Công an nhân dân; 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước và 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khán giả sẽ được thưởng thức buổi thứ 2 của Chương trình nghệ thuật “Cho muôn đời sau” vào tối 25/7 tại Nhà hát Hồ Gươm, Hà Nội.