Chương trình OCOP thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế khu vực nông thôn Lâm Đồng những năm gần đây. Nhờ đó, đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh của tỉnh trong việc phát triển sản phẩm đặc trưng chủ lực của mình mà trọng tâm là phát triển sản phẩm nông nghiệp có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị.

Bài 1: Xây dựng vùng nguyên liệu gắn với phát triển sản phẩm

Lâm Đồng là một trong số các tỉnh, thành phố được Chính phủ chọn, chỉ đạo việc triển khai thực hiện OCOP giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030. Qua 3 năm thực hiện, địa phương đã có nhiều sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 5 sao, 4 sao và 3 sao cấp tỉnh, cấp quốc gia. Kết quả này là sự nỗ lực lớn của tỉnh trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập, đời sống người dân.

 Xây dựng vùng nguyên liệu cho sản phẩm OCOP theo hướng đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất để nâng cao giá trị sản phẩm trên một diện tích

Xây dựng vùng nguyên liệu cho sản phẩm OCOP theo hướng đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất để nâng cao giá trị sản phẩm trên một diện tích

Phát huy thế mạnh nông sản địa phương

Chương trình OCOP đã từng bước chuyển đổi sản xuất quy mô nhỏ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị khép kín, đặc biệt là gắn với vai trò của các HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Qua đó, nhiều đơn vị sản xuất đã mạnh dạn đầu tư nâng cấp nhà xưởng, máy móc, hoàn thiện quy trình sản xuất, nâng cấp bao bì, tem nhãn sản phẩm để chế biến, xuất khẩu nông sản.

Công ty TNHH Cà phê nguyên chất Thái Châu chuyên sản xuất và kinh doanh các loại cà phê rang xay nguyên chất Lâm Đồng; đặc biệt là chế biến chuyên sâu và liên kết bà con nông dân cùng phát triển các vùng chuyên canh cà phê Arabica (Cầu Đất Đà Lạt), Robusta (Di Linh, Bảo Lộc, Bảo Lâm, Lâm Hà), Cherry (Đức Trọng). Sản xuất và cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu các loại cà phê chất lượng của Lâm Đồng. Hiện nay, công ty liên kết với rất nhiều hộ nông dân tại địa phương, tạo ra chuỗi liên kết bền vững.

Bà Trương Thị Minh Phương, Giám đốc Công ty TNHH Cà phê nguyên chất Thái Châu cho biết, Lâm Đồng là tỉnh có diện tích Robusta lớn thứ nhì trên cả nước, là nơi có nguồn nguyên liệu Arabica Cầu Đất ngon nhất Việt Nam. Đây chính là lợi thế quan trọng cho doanh nghiệp phát triển sản phẩm cà phê nguyên chất của mình. Công ty đã tiến hành đầu tư công nghệ, để sản xuất cho ra nhiều dòng sản phẩm chất lượng cung ứng trên thị trường. Vừa qua, công ty đã tham gia chương trình sản phẩm OCOP, may mắn, cà phê Arabica Cầu Đất của công ty đã đạt OCOP 4 sao. Đây là sự nỗ lực, bền bỉ của công ty trong quá trình sản xuất và kinh doanh. Tuy nhiên, để có được vị thế trong lòng người tiêu dùng như ngày hôm nay phải kể đến sự hỗ trợ về mọi mặt của Nhà nước, các ban, ngành, địa phương như Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Sở Công thương, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch, Trung tâm Khuyến công Lâm Đồng...

Cùng với cà phê, thì mắc ca hiện là lợi thế của Lâm Đồng, điển hình là dự án liên kết tổ chức sản xuất, chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm mắc ca tại Công ty TNHH Hoàng Anh Maca và các hộ liên kết tại các huyện Di Linh, Lâm Hà, Đức Trọng, Đam Rông. Qua đó, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh đã công nhận vùng sản xuất nguyên liệu mắc ca theo tiêu chuẩn GlobalGAP của công ty. Hiện sản phẩm đã đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao, đang chuẩn hóa và nâng cao chuẩn xếp hạng cho sản phẩm hạt mắc ca sấy huyện Lâm Hà đủ điều kiện xem xét công nhận đạt chuẩn sản phẩm OCOP quốc gia.

Hiện Lâm Đồng có rất nhiều thế mạnh về nông nghiệp như rau, củ, quả, cây công nghiệp, cây ăn quả, cây lương thực,... Qua đó, phải xây dựng vùng nguyên liệu cho sản phẩm OCOP theo hướng đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất để nâng cao giá trị sản phẩm trên một diện tích.

Ngoài ra, để phát triển sản phẩm OCOP, cần gắn với xây dựng vùng nguyên liệu nông sản, dược liệu đặc trưng, góp phần bảo tồn, duy trì cảnh quan nông thôn và bảo vệ môi trường sinh thái. Mặt khác, chuẩn hóa và phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế về điều kiện sản xuất và yêu cầu thị trường, chuẩn hóa sản phẩm gắn với lợi thế và điều kiện của từng địa phương.

Tăng nhanh các sản phẩm

Sau 3 năm triển khai, sản phẩm OCOP tăng nhanh về số lượng cũng như chất lượng, đã xây dựng được 123 sản phẩm. Trong đó, có 51 sản phẩm được công nhận 3 sao, 65 sản phẩm được công nhận 4 sao, 7 sản phẩm tiềm năng được công nhận 5 sao (Đã trình cho Hội đồng đánh giá sản phẩm OCOP Trung ương công nhận). Trong đó, 77 chủ thể có sản phẩm được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP như sau: 20 chủ thể là hợp tác xã, 44 chủ thể là doanh nghiệp, 12 chủ thể là cơ sở, hộ cá thể và 1 chủ thể là tổ hợp tác.

Nhiều sản phẩm phát triển dựa trên hoạt động sản xuất sẵn có, phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng của mỗi địa phương, như: Mắc ca Lâm Hà, Trà Ôlong, Rau củ quả Đà Lạt, Lúa nếp Quýt Đạ Tẻh, Hạt Ngọc Cát Tiên... Sau khi triển khai theo hướng sản xuất tập trung, phần lớn các sản phẩm đảm bảo đủ điều kiện phát triển thành hàng hóa với sản lượng lớn. Chính vì vậy, hiệu quả bước đầu khá tích cực, góp phần gia tăng giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập, phục vụ đời sống người dân. Qua đó, làm thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, hướng người dân vào thị trường với sự chủ động, sáng tạo trong sản xuất kinh doanh, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ có chất lượng phục vụ phát triển du lịch của tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho biết, hiện nay các địa phương đang đẩy mạnh đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức, liên kết sản xuất, trọng tâm là thực hiện phát triển các chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ; đẩy mạnh phát triển thương hiệu sản phẩm, thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” và thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP. Theo thống kê, trong 3 năm triển khai chương trình, Lâm Đồng đã huy động gần 23 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương hơn 12,5 tỷ đồng, địa phương hơn 750 triệu đồng và huy động từ chủ thể, người dân là trên 9,5 tỷ đồng.

Các địa phương đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và chế biến các sản phẩm OCOP theo hướng chuyên sâu, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích canh tác lên gấp nhiều lần so với trước. Thời gian tới, Lâm Đồng sẽ đẩy mạnh sản xuất hơn nữa các sản phẩm có tiềm năng, được xem là lợi thế của địa phương và động viên người dân, doanh nghiệp kết nối thành chuỗi, nhằm tạo nên sản phẩm đủ tiêu chuẩn công nhận OCOP. Kết hợp phát triển mô hình du lịch canh nông để phát triển kinh tế.

(CÒN NỮA)

HOÀNG YÊN

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202106/chuong-trinh-ocop-thuc-day-phat-trien-kinh-te-nong-thon-3061636/