Chương trình phổ thông mới: Không thể tùy tiện cắt xén để giảm tải

Chương trình giáo dục phổ thông mới đang được cả xã hội chờ đợi. Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết đang hoàn thiện và sớm ban hành thông tư ban hành chương trình này

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới bám sát yêu cầu của Nghị quyết số 88/2014/QH13 là "Chuyển nền giáo dục nặng về trang bị kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức - trí - thể - mỹ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh".

Tăng kỹ năng sống

Trong báo cáo gửi Quốc hội giải trình những vấn đề cử tri quan tâm, Bộ GD-ĐT cho hay chương trình GDPT mới được thiết kế theo định hướng "tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học trên".

Tuy nhiên, chương trình GDPT mới đã giảm tải so với chương trình hiện hành ở cả số môn học, số giờ học, chọn lọc nội dung giáo dục thiết thực, đổi mới phương pháp giáo dục, tạo điều kiện để học sinh được lựa chọn môn học, chủ đề học tập và tăng cường các hoạt động thực hành. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên chủ động, sáng tạo lựa chọn phương pháp phù hợp để tổ chức dạy học, đánh giá học sinh. Cụ thể, ở chương trình - sách giáo khoa (SGK) mới, bậc tiểu học còn 7 môn học ở lớp 1 và lớp 2; 9 môn học ở lớp 3; 10 môn học ở lớp 4 và lớp 5. Trong khi đó, chương trình hiện hành lớp 1, lớp 2 và lớp 3 có 10 môn; ở lớp 4 và lớp 5 có 11 môn học.

Ở bậc THCS, các lớp đều có 12 môn học. Theo chương trình hiện hành, lớp 6 và lớp 7 có 16 môn, lớp 8 và lớp 9 có 17 môn. Đến cấp THPT, theo chương trình GDPT mới, các lớp đều có 13 môn học. Trong khi chương trình hiện hành, lớp 10 và lớp 11 có 16 môn, lớp 12 có 17 môn học.

Về thời lượng, ở bậc tiểu học sắp tới, học sinh sẽ học chương trình với 2.838 giờ (còn chương trình hiện hành là 2.353 giờ). Giải thích cho số giờ tăng này, Bộ GD-ĐT cho hay chương trình GDPT mới là chương trình học 2 buổi/ngày (9 buổi/tuần), tính trung bình học sinh học 1,8 giờ/lớp/buổi học. Còn chương trình hiện hành là chương trình học 1 buổi/ngày (5 buổi/tuần), tính trung bình, học sinh học 2,7 giờ/lớp/buổi học. Ở bậc THCS, học sinh học 3.070 giờ; giảm 54 giờ so với chương trình hiện hành. Ở THPT, học sinh học 2.284 giờ; giảm 262 giờ so với chương trình Ban cơ bản hiện hành; giảm 315 giờ so với chương trình Ban A, Ban C hiện hành.

Chương trình GDPT mới cũng tăng nội dung dạy đạo đức và kỹ năng sống (dạy làm người) cho học sinh để đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện đức - trí - thể - mỹ, có tinh thần dân tộc, có lòng yêu nước, ý thức công dân toàn cầu; khuyến khích sáng tạo và phát triển năng lực của học sinh và giáo viên...

Chương trình giáo dục phổ thông mới được kỳ vọng sẽ giảm tải hơn so với chương trình hiện hành. Ảnh: TẤN THẠNH

Chương trình giáo dục phổ thông mới được kỳ vọng sẽ giảm tải hơn so với chương trình hiện hành. Ảnh: TẤN THẠNH

Cần thực hiện linh hoạt

Chương trình GDPT mới từng được đưa vào thực nghiệm trong 1 tháng tại 6 tỉnh với hơn 6.000 tiết dạy, kết quả là nhiều nội dung trong được phản ánh là vẫn quá tải, tăng áp lực và chưa phù hợp với độ tuổi học sinh. GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên chương trình GDTP mới, thừa nhận trong nội dung có một số yêu cầu cần đạt còn cao hơn so với trình độ học sinh, nội dung một số bài thực nghiệm tương đối khó, một số bài vẫn còn nặng về trang bị kiến thức, dung lượng của một số bài chưa phù hợp với thời lượng dạy...

TS Nguyễn Tùng Lâm - Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) - cho rằng nguyên nhân quá tải của chương trình GDPT hiện nay đang là thừa cái không cần, thiếu cái cần, cơ sở vật chất không đủ, chất lượng giáo viên hạn chế...

Vì vậy, TS Lâm đề nghị chương trình phổ thông mới khi cắt giảm kiến thức để giảm tải thì cần xem xét thận trọng để lựa chọn được những khối kiến thức cần thiết, bổ ích chứ không thể học ít đi mà lại giỏi hơn.

Nhà giáo Nhân dân Trần Tiến Dũng - Hiệu trưởng THCS-THPT Thăng Long (Hà Nội) - nhìn nhận tình trạng quá tải chương trình học hiện nay có nguyên nhân sâu xa là không đủ thời gian dạy. Vì vậy, việc thực hiện chương trình GDPT mới cần linh hoạt, nơi nào có điều kiện thì học theo chuẩn, nơi không có điều kiện thì phải học thêm thứ bảy chứ không vì yêu cầu giảm tải mà cắt xén tùy tiện.

Liên quan đến dạy học tích hợp và phân hóa, GS Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội Các ngành sinh học Việt Nam, đánh giá việc tích hợp lý, hóa, sinh trong môn khoa học tự nhiên ở bậc THCS là quá khó. Theo GS Nguyễn Lân Dũng, có những nước tích hợp nhưng nhiều nước không tích hợp, môn sinh học riêng. Ngay cả ở những nước tích hợp thì họ để khối sinh học riêng, không phải giờ này học môn sinh, giờ sau sang môn lý. Các trường sư phạm sẽ rất khó để đào tạo được giáo viên dạy cả 3 môn theo nguyên tắc là biết 10 dạy 1. Giáo viên chỉ có thể dạy 2 môn hóa và sinh hoặc lý và hóa, chứ dạy cả lý, hóa, sinh thì không thể dạy giỏi được.

GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, nhận định mất 4 năm để đào tạo được một giáo viên dạy một môn, giờ bồi dưỡng giáo viên để dạy nhiều môn một lúc là khó khả thi.

Đề xuất tách xuất bản SGK khỏi Bộ GD-ĐT

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội vừa có đề xuất với Quốc hội xem xét tách việc biên soạn, xuất bản SGK GDPT ra khỏi chức năng quản lý nhà nước về giáo dục của Bộ GD-ĐT.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - bà Hoàng Thị Hoa, vừa qua, dư luận rất băn khoăn cho rằng việc Bộ GD-ĐT vừa tổ chức biên soạn vừa tổ chức thẩm định, phê duyệt, chỉ đạo việc xuất bản, in và phát hành SGK đã tạo ra thế độc quyền khép kín trong tất cả các khâu của quy trình từ biên soạn đến phát hành. Việc giao Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn, phê duyệt, xuất bản SGK cũng được đánh giá là không phù hợp với Luật Xuất bản 2012 và xu hướng phổ biến trên thế giới hiện nay là cơ quan quản lý nhà nước không tham gia biên soạn, xuất bản mà chỉ tổ chức kiểm duyệt, thẩm định SGK.

Yến Anh

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/chuong-trinh-pho-thong-moi-khong-the-tuy-tien-cat-xen-de-giam-tai-2018102321332155.htm