Chương trình SGK lớp 1 ở Điện Biên: Lựa theo 'sức' của trò
Hơn 1 tháng giảng dạy theo chương trình giáo dục phổ thông mới, tuy còn nhiều khó khăn song tỉnh Điện Biên đã có nhiều nỗ lực thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ GD&ĐT.
Cần nhiều thời gian
Sau 1 tháng triển khai dạy học lớp 1, ngành GD&ĐT thành phố Điện Biên Phủ (Điện Biên) tổ chức đánh giá, thảo luận về chương trình dạy học lớp 1 năm học 2020 - 2021. Nhiều nội dung liên quan đến tiết dạy, kiến thức… được hơn 100 cán bộ quản lý và GV trao đổi, bàn bạc và thống nhất hướng triển khai phù hợp và hiệu quả.
Ông Vũ Minh Trung - Phó trưởng Phòng GD&ĐT thành phố Điện Biên Phủ cho rằng: Dạy học theo Chương trình, SGK lớp 1 được triển khai thuận lợi với các trường thuộc trung tâm thành phố. Tuy nhiên, các trường khác cần từng bước tháo gỡ. Nguyên nhân do, học sinh phải nghỉ học nhiều nên kiến thức có phần “rơi rớt” trước khi vào lớp 1. Trong khi đó, việc quan tâm của các bậc phụ huynh đến việc học của con em mình hạn chế nên chất lượng đầu vào chưa cao như mặt bằng chung toàn thành phố. Vì thế, chất lượng giảng dạy có những ảnh hưởng nhất định.
“Nà Tấu, Nà Nhạn, Mường Phăng và Pá Khoang là những xã nông thôn mới được sáp nhập. Đây là địa bàn có đông con em đồng bào dân tộc thiểu số theo học. Bố mẹ bận công việc đồng áng, không hỗ trợ, bảo ban các cháu trong việc dạy học khi ở nhà, hầu hết đều phó thác cho giáo viên. Vì thế khi vào lớp, nhiều em còn chưa nhận được mặt chữ, tô hình chưa tốt. Luyện viết chữ với các cháu rất khó và cần phải có thời gian để rèn luyện”, ông Vũ Minh Trung chia sẻ.
Các cháu vào lớp 1 nhưng chưa biết hết bảng chữ cái nên nắm bắt nội dung còn chậm. Nhận thức không đồng đều như các trường vùng thuận lợi”, cô Nguyễn Thị Mai, giáo viên Trường Tiểu học số 2 Nà Tấu, xã Nà Tấu, Tp. Điện Biên Phủ cho biết.
Chủ động phương pháp, nội dung
Ghi nhận ý kiến người trực tiếp tham gia dạy lớp 1, một số giáo viên cho rằng ngoài những ưu điểm của bộ SGK 1 mới còn một số bất cập, đó là lượng kiến thức phân phối đối với một số bài giảng khá “nặng” với học sinh miền núi.
“Môn Tiếng Việt bố trí khá hợp lý về mặt kiến thức. Tuy nhiên, những bài 2 âm/1 bài, học sinh thành phố có thể theo kịp nhưng nặng so với trẻ dân tộc. Hay như môn Toán, Chương trình cũ có 140 tiết/1 năm, chương trình mới còn 135 tiết. Nhưng quá trình giảng dạy, chúng tôi đã phải dồn: Trước bài số “0”, “1” một bài riêng. Nhưng bây giờ trong một tiết sẽ phải dạy từ số “0 - 5”, cô Hà Thị Diên, Trường Tiểu học Noong Bua, thành phố Điện Biên Phủ cho biết.
Liên quan đến vấn đề trên, ông Vũ Minh Trung cho biết: Phòng GD&ĐT Tp. Điện Biên Phủ đã có hướng điều chỉnh phù hợp. Qua buổi hội thảo giữa sở, phòng và các trường tiểu học, chúng tôi ghi nhận những vấn đề thuận lợi và khó khăn trong quá trình triển khai dạy học lớp 1. Trên cơ sở đề xuất của các đơn vị, chúng tôi giao các trường xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp với năng lực tiếp nhận HS.
Cụ thể, trường cho rằng tiết học Tiếng Việt với 2 âm tiết là nhiều sẽ phải cân đối lại cho phù hợp. Nếu như bài 1 tiết chưa giải quyết được sẽ bố trí thành 1,5 tiết hoặc 2 tiết. Làm sao để theo đúng khung chương trình và bảo đảm chất lượng dạy - học nhưng không gâp áp lực cho HS và GV.