Chương trình tích hợp không làm khó cho giáo viên?
Theo các giáo viên Thái Bình phản ánh với Đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong chuyến công tác tại địa phương thì việc thực hiện chương trình phổ thông mới rất thuận lợi.
Tuần qua, Đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo làm việc tại tỉnh Thái Bình. Tại đây, chia sẻ về cách triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 6 với Đoàn công tác của Bộ, Hiệu trưởng Trường THCS Hợp Hưng (huyện Đông Hưng) Phạm Quỳnh Hương cho biết, nhà trường phân công riêng một phó hiệu trưởng trực tiếp phụ trách lớp 6 để bám sát các hoạt động giáo dục và hỗ trợ giáo viên.
Tổ chuyên môn thường xuyên trao đổi và chú trọng việc dạy thực nghiệm các kỹ thuật, phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá đối với từng môn học.
Chương trình tích hợp đang được dạy học ở lớp 6.
“Các môn học mới, nhà trường bố trí một giáo viên phụ trách chính. Trong đó, môn Lịch sử và Địa lý tổ chức dạy theo 2 phân môn riêng, được bố trí đồng thời trong từng học kỳ theo cơ cấu 2/1 và đảo lại, đảm bảo đến thời điểm kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ, mỗi phân môn thực hiện cơ bản tương đương về số tiết.
Môn Khoa học tự nhiên, trường tổ chức dạy đồng tâm theo chiều dọc của sách giáo khoa và mỗi giáo viên phụ trách chính một chủ đề có liên quan nhiều nhất đến chuyên môn môn học mình đang phụ trách”, cô giáo Hương nói và cho biết với 3 giáo viên tham gia dạy môn Khoa học tự nhiên (tương ứng với 3 phân môn) cho 2 lớp 6, việc triển khai môn học này ở trường khá thuận lợi. Hiện THCS Hợp Hưng đang tổ chức kiểm tra giữa kỳ 1 học sinh.
Hiệu trường một Trường THCS khác cũng cho biết, việc dạy môn Khoa học tự nhiên theo tuyến tính logic của môn học tuy vất vả cho trường trong sắp xếp thời khóa biểu, một số thời điểm giáo viên từng phần môn phải dạy số tiết tăng lên, nhưng học sinh được lợi là dễ tiếp cận kiến thức.
Việc xây dựng giáo án và tổ chức kiểm tra đánh giá của môn học có 3 thầy cô cùng tham gia dạy không khó khăn.
Theo đó, người phụ trách chính sẽ điều tiết công việc. Khi xây dựng giáo án cho từng chủ đề, những phần có nội dung kiến thức tích hợp liên môn thì các giáo viên sẽ ngồi cùng với nhau để trao đổi, hỗ trợ người dạy chính chủ đề đó.
Bài kiểm tra giữa học kỳ (đã được nhà trường thực hiện) được phân chia tỷ lệ câu hỏi cho từng phân môn tương ứng với lượng kiến thức các em đã học đến thời điểm đó. 3 giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên cùng tham gia chấm bài và thống nhất điểm.
Cũng liên quan đến chương trình mới, báo cáo đoàn công tác, Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Bình Nguyễn Viết Hiển cho biết, việc dạy học Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1, lớp 2 và lớp 6 của các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh diễn ra khá thuận lợi.
Tất cả giáo viên dạy các lớp này đều đã được bồi dưỡng kỹ lưỡng về chương trình, sách giáo khoa mới.
Sở GD&ĐT cụ thể hóa các hướng dẫn chuyên môn được Bộ GD&ĐT ban hành để phù hợp với điều kiện của địa phương và chỉ đạo Phòng GD&ĐT hướng dẫn các nhà trường thực hiện.
Với cách làm này, các nhà trường đã được chủ động, linh hoạt và thuận lợi trong xây dựng, điều chỉnh kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch dạy học từng môn học phù hợp với các giai đoạn phòng chống dịch.
Các trường THCS đã xây dựng kế hoạch giáo dục theo từng tuần; riêng lớp 6 không bắt buộc dạy môn học ở tất cả các tuần, không bắt buộc chia đều số tiết/tuần để sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên, nhân viên.
Đối với mỗi môn học/hoạt động giáo dục, nhà trường có thể bố trí nhiều giáo viên tham gia giảng dạy, mỗi giáo viên dạy theo các chủ đề phù hợp với chuyên môn đào tạo.
Riêng môn Khoa học tự nhiên lớp 6, các trường đều tổ chức giảng dạy theo logic tuyến tính của chương trình.
Mỗi giáo viên phụ trách chính một chủ đề dạy học và nếu tuần nào thầy cô có nhiều tiết dạy Khoa học tự nhiên lớp 6 thì điều chỉnh lại, giảm số tiết dạy các lớp 7, 8, 9 để không gây áp lực cho thầy cô.
Đối với lớp 1, lớp 2, với kinh nghiệm triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới của năm học trước, các nhà trường đã chủ xây dựng và triển khai kế hoạch giáo dục đảm bảo phân bổ hợp lý giữa các nội dung học tập.
Đặc biệt việc tổ chức dạy học đã được giáo viên linh hoạt, chủ động áp dụng đa dạng các phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động giáo dục để phù hợp với tâm lý học trò.
Học sinh lớp 1, lớp 2 của tỉnh được học 2 buổi/ngày, mỗi lớp được bố trí 1 phòng học với cơ sở vật chất và sĩ số đảm bảo quy định tại Điều lệ trường Tiểu học.
Các lớp học còn lại đang áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông 2006 cũng được nhà trường tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá để học sinh tiếp cận dần với Chương trình giáo dục phổ thông 2018.