Chương trình tiếng Anh tích hợp: Giải pháp nào để ổn định năm học?

Được biết hầu hết các trường trên địa bàn TP.HCM có triển khai lớp tiếng Anh tích hợp. Vì thế có ý kiến cho rằng là đơn vị kinh doanh giáo dục nên phải chăng EMG càng mở rộng sẽ ảnh hưởng đến số lượng và chất lượng giảng dạy của giáo viên và phụ giảng?

Như VOV.VN đã thông tin, giữa tháng 9/2021 thời điểm sắp vào năm học mới, nhiều phụ huynh có con theo học chương trình tiếng Anh tích hợp đã kiến nghị và mong muốn đối thoại để đạt đồng thuận về cách triển khai giảng dạy, chất lượng tương xứng với học phí… với đơn vị duy nhất triển khai Đề án tiếng Anh tích hợp tại TP.HCM là Công ty Cổ phần quản lý giáo dục và đầu tư EMG. Cho rằng chưa nhận được phản hồi hợp lý của EMG, ngày 12/10/2021 nhiều phụ huynh tiếp tục kiến nghị lần thứ 2.

Mới đây trước hiện tượng nhiều phụ huynh xin chuyển sang lớp khác, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM ra văn bản hạn đến ngày 20/10 các trường học phải rà soát đánh giá số học sinh khó khăn về kinh tế, tạo điều kiện chuyển lớp cho học sinh không tiếp tục tham gia chương trình tiếng Anh tích hợp. Chuyển lớp chỉ là một quyết định đơn giản tuy nhiên vì sao có hiện tượng đã vào năm học vẫn có nhiều phụ huynh cho con dời khỏi chương trình này lại đang đặt ra nhiều băn khoăn chưa có lời đáp.

Ảnh hưởng khó khăn về kinh tế sau dịch, cho rằng chất lượng giảng dạy của chương trình tiếng Anh tích hợp và kết quả học tập của các bé không hiệu quả, không tương xứng với mức học phí nên muốn cho con dời khỏi chương trình này, sang lớp khác đang là tâm lý chung của nhiều phụ huynh trên địa bàn TP.HCM.

Anh H.L đại diện nhóm 5 phụ huynh khối 3 đã viết đơn cho con mình chuyển sang lớp khác một trường tiểu học Quận 1 cho biết về nội dung buổi trao đổi với trưởng, ban đầu nhà trường cho biết chủ trương của Phòng giáo dục yêu cầu trao đổi với phụ huynh và giới thiệu 3 trường khác để chuyển. Nhà trường cũng nêu sĩ số các lớp đông, khó khăn cho việc tổ chức lớp học, bên cạnh đó việc phụ huynh có cam kết sẽ học suốt 5 năm cùng chương trình hay không cũng được nêu ra. Các phụ huynh thì cho rằng khi mới vào nhập học chỉ nhận được cam kết theo học 1 năm không rời bỏ, có phụ huynh cũng không hề biết đến cam kết này, hơn nữa thời gian qua dịch bệnh gây nhiều phát sinh bất khả kháng nên áp dụng cam kết (nếu có) sẽ không hợp lý.

Không đồng ý với phương án nếu không học tiếng Anh tích hợp sẽ phải chuyển trường (trong đó có học sinh đúng tuyến) nên sẽ tiếp tục làm đơn để hỏi rõ. Sau cuộc trao đổi để nhà trường ghi nhận ý kiến, mới đây 18/10 chị Kim Loan- một phụ huynh thông báo các bé đã được chuyển sang lớp khác. Theo tìm hiểu tại các quận khác, cũng có tình trạng phụ huynh đã đưa con mình rời khỏi chương trình Tiếng Anh tích hợp sang lớp khác cùng trường.

Rõ ràng dù chuyển đi hay tiếp tục học thì sự việc đã gây xôn xao tâm lý nhiều phụ huynh trên địa bàn TP, thực tế gây mất ổn định tại nhiều trường học. Được biết hầu hết các trường trên địa bàn TP có triển khai lớp Tiếng Anh tích hợp vì thế có ý kiến cho rằng là đơn vị kinh doanh giáo dục nên phải chăng EMG càng mở rộng sẽ ảnh hưởng đến số lượng và chất lượng giảng dạy của giáo viên và phụ giảng?

Chị Lê Nhung một phụ huynh chia sẻ về nỗi lo của mình: “Các bé sẽ theo học liên tục từ lớp 1 đến lớp 11 bằng tiếng Anh với các môn Toán, Khoa học vì thế ngoài chứng chỉ sư phạm về Anh ngữ, chắc chắn giáo viên phải có bằng cấp và kiến thức chuyên môn tương ứng riêng từng môn và nếu đã coi đây là môn học tự nguyện tham gia, đóng tiền cho EMG thì phụ huynh rất cần biết những tiêu chuẩn trên để lựa chọn, nhưng đến nay dù cả 2 bé đang học mà chị cũng chưa biết tìm được những thông tin này ở đâu”. Còn với các em học sinh nhỏ tiếp tục học hay chuyển ra khỏi chương trình, quyền quyết định có thể do những người lớn nhưng chắc chắn những ngày này các bé học sinh- chủ thể của sự việc, bị ảnh hưởng tâm lý cũng chưa ổn định việc học tập.

Để làm rõ nhiều ý kiến xung quanh vấn đề này, phóng viên đã liên hệ với bà Võ Ngọc Thu – một đại diện EMG, tuy nhiên bà Thu từ chối và chuyển cho bà Khánh Bình đại diện truyền thông của EMG, bà Bình cho biết EMG rất bận nên hẹn sẽ trả lời sau. Tuy nhiên cho đến nay EMG vẫn chưa có thông tin về sự việc này.

Những năm qua, thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục mục tiêu đưa nền giáo dục nước nhà phát triển hơn và hòa nhập thế giới, ngành giáo dục TP.HCM đã mạnh dạn, tìm kiếm những mô hình mới, tiên tiến và phù hợp và triển khai nhiều chương trình phát triển kỹ năng ngoại ngữ. Sự việc phụ huynh tại nhiều trường đưa các bé học sinh rời khỏi chương trình tiếng Anh tích hợp vừa qua, phải chăng xuất phát từ những ảnh hưởng khó khăn sau dịch hay đang tiềm ẩn những băn khoăn về chất lượng của chương trình này.

Thiết nghĩ sự việc trong bối cảnh toàn xã hội đang cố gắng để trở lại nhịp sống bình thường, rất cần các cơ quan quản lý giáo dục tại TP.HCM tìm hiểu nguyên nhân, đánh giá thực trạng sự việc để có những biện pháp nhằm đảm bảo mục tiêu thực sự đào tạo tiếng Anh có chất lượng, ổn định tâm lý để phụ huynh yên tâm làm việc, học sinh sớm ổn định học tập./.

Liên quan đến Đề án Tiếng Anh tích hợp tại TP HCM, nhiều ý kiến cho rằng đây là chủ trương đúng, có tầm nhìn lâu dài của nhà nước kết hợp các nguồn lực xã hội hóa giáo dục phát triển khả năng Anh ngữ cho học sinh. Tuy nhiên trong quá trình triển khai cần liên tục cập nhật, rà soát phát sinh, đánh giá sớm và khắc phục những bất cập để thực hiện đúng mục tiêu nâng cao chất lượng học tiếng Anh.

PV/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/chuong-trinh-tieng-anh-tich-hop-giai-phap-nao-de-on-dinh-nam-hoc-898814.vov