Chương trình xây dựng nông thôn mới: Thêm những trái ngọt
Những khu vườn kiểu mẫu, những con đường quê đầy hoa khoe sắc, điện sáng lung linh, hệ thống trường học, trạm y tế được xây dựng khang trang, đẹp mắt... là thành quả từ sự chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) những năm qua trên địa bàn tỉnh.
Bước sang năm 2021, đại dịch COVID-19 tiếp tục bùng phát và diễn biến ngày càng phức tạp, đặc biệt giai đoạn từ cuối tháng tư đến nay làm nền kinh tế cả nước nói chung và của tỉnh Ninh Bình nói riêng gặp rất nhiều khó khăn. Trước bối cảnh đó, ngành Nông nghiệp vẫn thể hiện được vai trò, vị thế là trụ đỡ của nền kinh tế, là lĩnh vực đảm bảo ổn định trật tự xã hội. Nông nghiệp tăng trưởng toàn diện, vượt kế hoạch đề ra, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực trong mọi tình huống và an toàn thực phẩm; cơ cấu nội bộ ngành chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng trồng trọt, tăng tỷ trọng chăn nuôi, thủy sản, dịch vụ.
Đặc biệt, Chương trình MTQG xây dựng NTM tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện theo hướng thực chất, tiên tiến, huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị, được cộng đồng doanh nghiệp và người dân đồng tình hưởng ứng. Năm 2021, Ninh Bình có 30 xã đăng ký đạt chuẩn NTM các mức, trong đó có 11 xã đăng ký đạt chuẩn NTM, 17 xã NTM nâng cao, 2 xã NTM kiểu mẫu.
Có thể nói, đây là một năm có khối lượng công việc nhiều, các xã đăng ký đạt chuẩn NTM năm 2021 hầu hết là các xã khó khăn. Trong đó có 6 xã đặc biệt khó khăn, bãi ngang ven biển, 8 xã đặc thù theo Quyết định 140, 2 xã an toàn khu. Trong năm, có huyện Nho Quan, thành phố Ninh Bình đang hoàn thiện tiêu chí, hồ sơ thủ tục để xét công nhận đạt chuẩn NTM. Vượt qua khó khăn, thách thức, kết quả đạt được từ Chương trình MTQG xây dựng NTM ở Ninh Bình rất đáng ghi nhận.
Tháng 7/2021, huyện Yên Mô đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM năm 2020 theo Quyết định số 1113/QĐ-TTg. Trong năm, có 3 đợt Tổ thẩm định của tỉnh và huyện tiến hành kiểm tra, rà soát các tiêu chí ở các địa phương. Qua đó, ghi nhận 11 xã đủ các điều kiện công nhận đạt chuẩn NTM, hoàn thành kế hoạch; 17 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, vượt 2 xã so với kế hoạch; 2 xã được công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, hoàn thành kế hoạch; huyện Nho Quan đã đủ điều kiện hoàn thiện hồ sơ xét công nhận huyện đạt chuẩn NTM; thành phố Ninh Bình đã đủ điều kiện tiến hành hoàn thiện hồ sơ xét công nhận thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2022.
Có thể nói, phong trào xây dựng NTM đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ, rộng khắp của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là người dân. Bắt đầu bằng việc nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân. Các tổ chức đoàn thể như phụ nữ, nông dân, đoàn thanh niên, cựu chiến binh đều có những hoạt động thiết thực đóng góp vào thành quả chung, như giúp đỡ các hội viên sản xuất, giảm nghèo và làm giàu chính đáng, xây dựng, hướng dẫn hội viên xây dựng vườn mẫu, xây dựng mô hình cánh đồng không vỏ thuốc bảo vệ thực vật; thực hiện mô hình "Phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình và khu dân cư bằng chế phẩm sinh học"; đẩy mạnh phong trào "5 không, 3 sạch"; phong trào toàn dân tổng vệ sinh môi trường vào ngày mùng 4 hàng tháng"; mô hình "tuyến đường bích họa"; mô hình "đường hoa phụ nữ"; tổ tự quản "dòng sông xanh-sạch-đẹp"; phong trào "thắp sáng đường quê'; mô hình "cổng trường an toàn giao thông" ...
Các phong trào được đẩy mạnh qua từng năm. Các tiêu chí lần lượt được củng cố, hoàn thiện, năm sau cao hơn năm trước. Thêm một lần nữa, nhận thức về mục tiêu, ý nghĩa của chương trình xây dựng NTM trong nhân dân được nâng lên. Đặc biệt ở những địa phương đặt mục tiêu phấn đấu đạt chuẩn nâng cao và chuẩn kiểu mẫu lại nổi lên phong trào hiến đất, giải phóng mặt bằng làm đường giao thông nông thôn.
Đường giao thông nông thôn xã Khánh Thịnh (Yên Mô).
Nhiều cá nhân, gia đình làm ăn, sinh sống xa quê nhưng vẫn nhiệt tình ủng hộ cả trăm triệu đồng hướng về đóng góp xây dựng quê hương. Nhiều doanh nhân nghe tin xây dựng NTM ở quê đã chọn lựa và đưa các chương trình, dự án về đầu tư sản xuất, mở mang thêm nhiều nghề mới, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động trên ngay quê hương. Nhờ được đầu tư nhiều hạng mục công trình, cơ sở hạ tầng, bức tranh nông thôn ở Ninh Bình đã có nhiều đổi thay tích cực.
Trong đó phải kể đến những bước tiến rõ nét về tổ chức sản xuất nông nghiệp, hướng tới nền nông nghiệp hàng hóa, kết hợp thương mại dịch vụ và du lịch. Tỷ lệ cơ giới hóa trong các khâu phục vụ sản xuất tăng dần. Để nâng cao chất lượng nông sản, nhiều tổ hợp, HTX nông nghiệp đầu tư máy sấy dần thay đổi thói quen phơi, hong bằng năng lượng của tự nhiên; nhiều cánh đồng đã xuất hiện máy phun thuốc bảo vệ thực vật, máy cấy to, máy cấy nhỏ dần thay thế sức người, giảm chi phí nhân công.
Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp áp dụng công nghệ cao cho nông sản đạt các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước, quốc tế. Hiện có gần 60 sản phẩm OCOP được xếp hạng, mang những đặc trưng, thế mạnh của địa phương, tạo cơ hội cho nông sản khẳng định vị thế, mở rộng thị trường gần xa. Tư liệu và tổ chức sản xuất thay đổi kéo theo lực lượng lao động cũng có bước chuyển dịch tích cực từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp và dịch vụ, có thu nhập ổn định hơn.
Những việc làm mới đòi hỏi người lao động phải được đào tạo, dạy nghề để thích ứng yêu cầu. Thống kê cho thấy, hầu hết các địa phương, tỷ lệ lao động trong độ tuổi được đào tạo đạt khá cao. Ví như, bình quân ở huyện Hoa Lư tỷ lệ 67%, huyện Nho Quan và Yên Khánh là 65%... Kết thúc năm 2021, toàn tỉnh có 5/8 huyện, thành phố (chiếm 62,5%) đạt chuẩn NTM và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Ninh Bình đã có 117/119 xã (chiếm 98,3%) được công nhận đạt chuẩn NTM. Trong đó có 17 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 11 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có 238 thôn đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu. Trong đó, huyện Nho Quan, thành phố Ninh Bình hoàn thiện hồ sơ đánh giá, thẩm tra xét công nhận huyện đạt chuẩn NTM, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM theo quy định trong nửa đầu năm 2022.
Năm 2022 - năm đầu tiên thực hiện Đề án xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, Ninh Bình đề ra phương hướng xây dựng NTM phát triển toàn diện, bền vững, nâng cao chất lượng tiêu chí xây dựng NTM từng bước tiệm cận điều kiện về hạ tầng và dịch vụ đô thị. Tiếp tục thực hiện chương trình xây dựng NTM theo chiều sâu, xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, tập trung ưu tiên cho các xã đặc biệt khó khăn, xã bãi ngang ven biển và các xã còn lại hoàn thành tiêu chí NTM. Không ngừng nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng NTM chuẩn các mức, trong đó tập trung ưu tiên cho phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định và cải thiện điều kiện sống của dân cư vùng nông thôn.
Bài, ảnh: Minh Đường - Trường Giang