Chụp ảnh cho món ăn

Qua con mắt nghệ thuật, cùng sự sắp đặt tinh tế của những nhiếp ảnh gia ẩm thực (food photographer), các món ăn của những nhà hàng, khách sạn, quán ăn... càng thêm phần bắt mắt, lôi cuốn thực khách tìm đến nhiều hơn.

Trong nhiếp ảnh, người ta thường biết đến những người chụp hình cưới, chụp sự kiện, chân dung, kỷ yếu... Ít ai biết đến nghề chụp ảnh cho món ăn. Dù không phát triển bằng các thành phố lớn khác, nhưng nhiếp ảnh ẩm thực tại TP. Nha Trang cũng đang dần phát triển hơn trong những năm gần đây.

Anh Nguyễn Văn Bình - nhiếp ảnh gia chia sẻ, thực ra một nhiếp ảnh gia chuyên chụp cưới, chụp phong cảnh hay một người đam mê nhiếp ảnh cũng có thể chụp được ảnh đồ ăn nhưng hiệu quả đến đâu và chất lượng hình ảnh khách hàng mong muốn ở mức độ nào mới quan trọng. Không phải là một nhiếp ảnh gia chuyên về ẩm thực nên anh Bình cũng phải học hỏi kinh nghiệm, tìm tòi để đạt được những tấm hình ưng ý cho khách hàng và cả bản thân, vì nhiếp ảnh ẩm thực đòi hỏi kỹ thuật, thiết bị, ánh sáng cao hơn các loại hình khác.

 Anh Nguyễn Văn Bình chụp hình món ăn.

Anh Nguyễn Văn Bình chụp hình món ăn.

Nhiếp ảnh ẩm thực có 2 loại cơ bản là chụp hình phục vụ in ấn thực đơn cho nhà hàng, quán ăn và chụp hình để quảng bá sản phẩm, thương hiệu. Giá thành cho việc chụp hình các món ăn, đồ uống không cố định, mà tùy vào nhu cầu và độ chịu chi của khách. Với các món ăn chụp để in ấn thực đơn, mức giá dao động thường từ 300.000 đến 500.000/món; với các món ăn dùng để quảng bá sản phẩm, thương hiệu hay marketing cho các sự kiện, giá thành thường cao hơn, có khi lên đến vài triệu đồng/món do phải chuẩn bị rất công phu về món ăn, đạo cụ, phụ kiện để trang trí... Theo anh Bình, chụp ảnh ẩm thực còn khó hơn các thể loại khác, một món ăn vừa được làm ra nhìn có vẻ bắt mắt, nhưng nếu không biết căn chỉnh ánh sáng, góc chụp hay trang trí, bố cục khuôn hình thì rất khó đẹp. Một nhiếp ảnh gia ẩm thực chuyên nghiệp sẽ sử dụng tư duy để truyền tải ý tưởng chụp hình một cách tối ưu nhất, tìm kiếm những khía cạnh thu hút nhất của sản phẩm để chuyển tải đến người xem.

Anh Tài Trần chụp hình món ăn

Anh Tài Trần chụp hình món ăn

Qua con mắt nghệ thuật của các nhiếp ảnh gia ẩm thực, các món ăn trở nên bắt mắt hơn. Trong ảnh: một sản phẩm hình ảnh của anh Tài Trần

Qua con mắt nghệ thuật của các nhiếp ảnh gia ẩm thực, các món ăn trở nên bắt mắt hơn. Trong ảnh: một sản phẩm hình ảnh của anh Tài Trần

Theo những người làm nghề, trong nhiếp ảnh ẩm thực, việc thu thập đủ kiến thức để bố cục, trang trí cho món ăn là khó khăn nhất, cần có kiến thức về thiết kế đồ họa để phối màu, kiến thức về F-B (dịch vụ nhà hàng và quầy uống) để trang trí món ăn, kiến thức về nấu ăn để hướng dẫn cho đầu bếp thực hiện món đúng ý mình muốn... Anh Tài Trần - nhiếp ảnh gia chia sẻ, điểm đặc biệt của nhiếp ảnh ẩm thực là sản phẩm có hạn sử dụng ngắn hạn. Chụp một món ăn cần có kỹ thuật chụp, góc chụp, ánh sáng và bố cục khác nhau, để hoàn thành được những thứ đó cần có thời gian dài chuẩn bị. Trong khoảng thời gian này, món ăn có thể “xuống cấp”, nhìn không bắt mắt, ngon miệng như lúc vừa ra lò, nhà hàng phải chuẩn bị món mới thay thế. Tại các thành phố lớn thường có những food stylist - người làm công việc trang trí món ăn, một công việc đồng hành cùng food photographer. Tuy nhiên, tại Nha Trang, hầu hết các nhiếp ảnh gia kiêm luôn khâu này hoặc là nhân viên của những nhà hàng, khách sạn đặt hàng chụp. Nghề này tại Nha Trang đang khá phát triển do nhu cầu các nhà hàng, khách sạn ngày càng nhiều. Vào những thời điểm như Tết, Giáng sinh, Tết Trung thu, các mùa nghỉ dài ngày... các nhà hàng thường có những sản phẩm, sự kiện mới để thu hút khách, đó là lúc họ cần tới những người chụp ảnh ẩm thực để có sản phẩm phục vụ quảng bá.

Theo những người làm dịch vụ ẩm thực, tùy vào độ nhạy bén hay sự quan tâm đến truyền thông của từng người mà các chủ cửa hàng, nhà hàng có mức chi tiền cho việc chụp hình sản phẩm của mình để quảng bá. Chị Nguyễn Minh Trang, chủ hiệu bánh Tú Tú (TP. Nha Trang) vừa đặt hàng chụp sản phẩm bánh Trung thu để kịp bán trong dịp Tết Trung thu sắp tới. Chị chia sẻ: “Nếu chỉ bằng những lời quảng cáo nói về độ ngon hay thành phần làm nên món ăn, khách hàng cũng khó hình dung hay cảm nhận được, nhưng chỉ cần thấy hình ảnh bắt mắt, họ lập tức có sự quan tâm và muốn tìm hiểu hay thử ngay. Vì vậy, tôi khá quan tâm đến việc xây dựng hình ảnh cho các món bánh của mình và không ngần ngại chi tiền để có hình ảnh phục vụ quảng cáo”.

Có thể nói, food photographer là những người chuyển tải mùi vị của món ăn, thức uống lên những tấm hình, giúp người xem phần nào cảm nhận được, kích thích vị giác, từ đó giúp các nhà hàng, khách sạn thêm phần thu hút khách hàng.

V.Thành

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/doi-song/202008/chup-anh-cho-mon-an-8179916/