Chụp ảnh hệ hành tinh non trẻ
Cách Trái đất hơn 300 năm ánh sáng là một ngôi sao rất giống Mặt trời non trẻ với một vài hành tinh quay xung quanh. Điều đáng chú ý là các nhà khoa học đã chụp được ảnh hệ hành tinh này.
Ngày 16/2/2020, các nhà thiên văn học sử dụng Kính Viễn vọng cực lớn (VLT) ở Chile để quan sát trực tiếp 2 ngoại hành tinh quay xung quanh ngôi sao TYC 8998-760-1.
Việc quan sát trực tiếp các ngoại hành tinh là thách thức không hề nhỏ. So với ngôi sao chủ, các ngoại hành tinh có độ sáng rất thấp. Hơn nữa, chúng ở rất xa Trái đất. Phần lớn trong số hơn 4.000 ngoại hành tinh được biết đến được phát hiện bằng phương pháp gián tiếp, chẳng hạn như phương pháp transit.
Đối với các ngoại hành tinh lớn, ở gần sao chủ, việc phát hiện ra chúng dễ dàng hơn. Trái lại, việc chụp ảnh các ngoại hành tinh nhỏ trên các quỹ đạo gần sao chủ là khó khăn hơn, do hình ảnh của chúng dễ hòa lẫn với nền ngôi sao chủ.
Năm ngoái, một nhóm các nhà khoa học ở ĐH Leiden (Hà Lan) dưới sự dẫn dắt của Alexander Bohn đã phát hiện một ngoại hành tinh khác thường, quay xung quanh ngôi sao có ký hiệu là TYC 8998-760-1. Đây là hành tinh khí khổng lồ, có khối lượng lớn hơn khối lượng Sao Mộc 14 lần, quay xung quanh ngôi sao chủ ở khoảng cách 160 đơn vị thiên văn (đơn vị thiên văn là khoảng cách trung bình từ Trái đất tới Mặt trời, bằng khoảng 150 triệu km). Để so sánh: Sao Diêm vương quay cách Mặt trời 39 đơn vị thiên văn.
Nhóm nghiên cứu của Alexander Bohn đã quyết định quan sát kỹ hơn các ngoại hành tinh bằng cách sử dụng thiết bị tạo ảnh hành tinh SPHERE lắp đặt trên Kính VLT. Nhờ vậy, họ đã chụp được ảnh ngoại hành tinh quay xung quanh ngôi sao TYC 8998-760-1. Họ cũng quan sát thấy một vật thể khác trong hệ hành tinh này. Phân tích cho thấy đó là ngoại hành tinh thứ hai, nhỏ hơn, với khối lượng bằng khoảng 6 lần khối lượng Sao Mộc. Ngoại hành tinh thứ hai này được đặt tên là 8998-760-1-c
"Nhóm nghiên cứu của chúng tôi đã có thể chụp được bức ảnh đầu tiên về hai ngoại hành tinh khí khổng lồ, quay xung quanh một ngôi sao giống như Mặt trời non trẻ" – Bà Maddalena Reggiani ở ĐH Leuven (Bỉ), cho biết như vậy.
Ngôi sao trẻ TYC 8998-760-1 mới có tuổi là 16,7 triệu năm. Các bức ảnh do Kính VLT thu được có thể mang đến cho chúng ta nhiều thông tin mới về các hành tinh.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/chup-anh-he-hanh-tinh-non-tre-1595913187669.html