Chút tản mạn cuối năm

Tôi đứng ngay chợ Đèo nhìn thẳng về phía trước. Cánh đồng lúa xanh rì bát ngát. Xa xa ngọn núi Ngang ẩn hiện trong sương. Xóm nhà đơn sơ nằm nép dọc theo con đường đất…

Giữa đồng, trên bờ mương, một phụ nữ đang quảy gánh chầm chậm bước tới. Chuyện của những ngày xưa cũ bất chợt hiện về…

Hơn 70 năm trước - năm 1950 - cũng trên bờ mương này, trời vừa hừng sáng, hai người đàn ông khiêng chiếc võng trong đó có người phụ nữ đang quằn quại đau đớn… Đó là một thai phụ tới ngày sinh nở.

Họ cố gắng đi thật nhanh. Nhưng, chắc không kịp rồi! Khi họ vừa đặt chân lên con đường làng, tiếng khóc của trẻ sơ sinh vang lên. Đứa bé đã lọt lòng… Hai người khiêng võng đang lúng túng thì có người mách bảo: “Đưa vô nhà bà mụ Ràng gần đây đi”.

Hôm ấy đúng phiên chợ Đèo. Người mua kẻ bán không tấp nập ồn ào nhưng so với vùng nông thôn như vậy cũng là đông đúc. Bà con đem nông sản trong vườn nhà ra bán. Lái buôn từ phương xa đưa hàng hóa nơi khác đến. Họ trao nhau những vật phẩm, những lời nói ân tình làm vơi đi những nhọc nhằn năm tháng. Chính những người này đã chỉ nhà bà mụ Ràng cho hai anh khiêng võng.

Chiếc võng được đưa đến nhà bà mụ Ràng cách chợ không xa. Bà đón nhận cả hai mẹ con rồi cắt rốn, tắm rửa cho đứa bé, không quên chăm sóc cho người mẹ… Hai mẹ con nằm trên giường. Đứa bé chìm vào giấc ngủ…

Đứa bé ấy giờ đã là cụ già đang đứng trên quê hương mình, nơi mình đã sinh ra. Cứ theo thông lệ, hàng năm tôi về lại quê, tìm chút hương vị của những ngày xa xưa…

“Bác thấy Hóc Lá của mình thế nào?”. Một cô bé hỏi khi thấy tôi cứ đăm đắm nhìn vào xóm nhà phía trước. Xóm Hóc Lá, thôn Định Phong, xã An Nghiệp, Tuy An đó. “Con biết không, xóm nhà kia là nơi bác được sinh ra và sống những ngày tuổi thơ. Hồi ấy khổ lắm con ơi. Do thiếu thốn, mẹ bác không đủ sữa. Bác còn nhớ, bà từng kể phải chắt nước cơm cho tí đường tí muối vào làm sữa cho bác bú”.

Xóm Hóc Lá giờ không còn nhà tranh vách đất nhưng cũng không thể gọi là xóm nhà giàu được. Ở đây, những người nông dân cả đời bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, đời sống chưa khá được bởi quanh năm cũng chỉ mảnh vườn, con cá ngọn rau.

Cha tôi từng kể lại, năm tôi sinh ra cũng là năm ngôi trường ông làm hiệu trưởng ở Tuy Hòa phải chuyển về đây để học sinh vừa lánh nạn vừa học. Ông tìm đủ cách để gia đình có được miếng ăn và học trò ông được đến lớp nghiêm chỉnh. Sau này, nhiều học sinh thành đạt đã tìm đến thăm cha tôi, cùng ngồi ôn lại những ngày tháng cũ.

Cuối năm, nhìn lại quê hương nơi mình sinh ra, sống những tháng ngày cơ cực bỗng dưng thấy yêu quê một cách lạ lùng. Bà mụ Ràng, hai người khiêng võng và cả mẹ tôi nữa… hồn ở đâu bây giờ?

*

Tôi men theo con đường liên xã từ chợ Đèo đi về trước một đoạn rồi rẽ trái. Đi thêm vài trăm mét đến gò đất cao, tôi dừng lại. Trước mắt tôi, những ngôi mộ đầy rêu phong nằm yên trong gió sớm.

Tôi tần ngần trước tấm bia chữ Hán. Bia cũ lắm rồi nhưng phía sau bia, những dòng chữ quốc ngữ còn mới ghi lại tên tuổi người đã mất. Ở khu vực này chỉ có hai ngôi mộ, mỗi mộ hai bia với hai ngôn ngữ khác nhau. Đó chính là mộ ông bà nội tôi mà năm nào tôi cũng về để viếng.

Theo lời cha tôi, ông nội tôi lớn lên trong giai đoạn lịch sử rối ren nhất. Ông thật thà, ngay thẳng nên ghét xảo trá gian tham và thủ đoạn. Ông không rượu chè, không cờ bạc, không bạn bè ăn nhậu. Việc làng việc ấp ông ít tham gia. Ông ghét bọn người hay sanh chuyện kiện tụng nhau để rồi đem tiền lo lót bọn tổng lý nha lại, hết sạch tiền của ruộng vườn đi đến chỗ tán gia bại sản.

Điều quan trọng duy nhất của ông là việc học. Ông cho con - các bác và cha tôi - học hành đến nơi đến chốn. Cũng từ ông, cha tôi đã vươn lên để có một sự nghiệp như nhiều người đã biết.

Đứng tần ngần trước nấm mộ ông bà, những lời giáo huấn của cha tôi lần lượt trở về. Ngẫm lại một đời người - đời ông, đời cha - và hôm nay, đời tôi không một chút vướng bận.

Rời quê từ nhỏ, mất mẹ từ rất sớm, theo cha lăn lộn trên mọi nẻo đường đến giờ này, tôi mới nghiệm ra rằng những điều mà ông nội đã dạy cha tôi, cha tôi truyền cho tôi: Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín - tất cả vẫn còn nguyên giá trị.

Năm nào tôi cũng trở về để tưởng nhớ ông bà, dòng tộc. Tôi về, vượt qua đèo Thị, đến cầu Cây Cam để thấy quê hương mình đáng yêu như thế nào. Mà chỉ những người sinh ra tại đây mới có cảm xúc ấy trong những lần trở về. Và cũng thấy được quê hương mình, nơi đã ôm ấp mình ngày nào, mỗi năm thêm khởi sắc.

*

Năm nay, gần đến tết. Dịch bệnh vẫn còn, và tuổi tôi cũng đã về chiều; đường trở về nơi cắt rốn chôn nhau chừng như xa hơn. Hy vọng một ngày đẹp trời nào đó sẽ còn có dịp đi xe máy từ Tuy Hòa đứng trên đèo Quán Cau ngắm nhìn đầm Ô Loan rồi đến Chí Thạnh hướng về Phong Niên… Nói đến đây cảm xúc lại dâng trào…

Thôi thì cứ hy vọng đi.

TRẦN CHÁNH NGHĨA

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/93/270371/chut-tan-man-cuoi-nam.html