Chuyên án xăng giả lớn nhất từ trước đến nay: Đề nghị truy tố 74 bị can
Liên quan đến chuyên án 920G xăng giả, xăng nhập lậu quy mô đặc biệt lớn do Công an tỉnh Đồng Nai khám phá, sau một năm ròng rã điều tra, ngày 6-2, Cơ quan điều tra (CQĐT) đã có kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp đề nghị truy tố 74 bị can.
Trong đó, ông Ngô Văn Thụy (58 tuổi) bị cáo buộc khi làm cán bộ Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan đã nhận hơn 800 triệu đồng để làm ngơ cho đường dây buôn lậu 200 triệu lít xăng. Ông Thụy bị đề nghị truy tố về tội "nhận hối lộ", khung hình phạt từ 15-20 năm tù.
Sắm tàu thủy để buôn lậu
Trong số 74 bị can bị đề nghị truy tố có Phan Thanh Hữu (65 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH thương mại Phan Lê Hoàng Anh); Nguyễn Hữu Tứ (65 tuổi), Đào Ngọc Viễn (54 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH Đại Dương Hải Phòng), cùng 71 đồng phạm về tội "buôn lậu". Riêng bị can Ngô Văn Thụy, nguyên là Đội trưởng đội 3, Cục điều tra chống buôn lậu, Tổng Cục Hải quan bị truy tố về tội "nhận hối lộ".
Theo kết luận điều tra, Hữu và Viễn quen nhau vào năm 1990, khi cùng làm việc chung tại công ty thủy sản. Tháng 9-2019, Hữu hoán đổi tiền góp vốn với một giám đốc doanh nghiệp để lấy 4 tàu thủy Nhật Minh 06,07, 08 và 09, với mục đích dùng để buôn lậu xăng từ Singapore về Việt Nam tiêu thụ. Khoảng thời gian này, Hữu biết Viễn đang điều hành Công ty TNHH Đại Dương Hải Phòng, chuyên mua bán, vận chuyển xăng dầu, có nhiều mối quan hệ với một số cá nhân ở các cơ quan chức năng nên bàn bạc, thỏa thuận góp vốn cùng thực hiện hành vi buôn lậu xăng.
Cụ thể, Hữu - Viễn cùng 3 người khác góp 53,4 tỷ đồng để mua xăng. Các bên thỏa thuận, lợi nhuận thu được chia theo tỷ lệ: Hữu 40%, Viễn và những người còn lại 60%. Viễn đã giới thiệu cho Hữu liên hệ với chủ hàng ở Singapore thỏa thuận về giá và cách thức nhận hàng. Sau đó thì Viễn điều 2 tàu biển chuyên dụng có tổng trọng lượng 8.000 tấn đến đậu tại vùng biển tự do (giáp ranh giữa các nước Singapore, Indonesia và Malaysia). Khi nhận tín hiệu, các tàu trên sẽ vào cảng Vopak (Singapore) nhận hàng từ các đại lý.
Lúc tàu nhận hàng xong chạy về tới vùng biển Việt Nam, Hữu chỉ đạo nhân viên đưa tàu Nhật Minh 07, 08, 09 ra nhận xăng chở về khu vực sông Hậu (thuộc xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) và các tàu Khánh Hòa 1, 3 đưa vào cảng Bắc Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa tiêu thụ.
Khi biết đường dây của Phan Thanh Hữu bị triệt phá ở Vĩnh Long, Viễn tiếp tục điều tàu Khánh Hòa 3 bơm xăng bán cho các đầu nậu ở cảng Bắc Vân Phong. Đến tháng 4-2021, Viễn biết chuyên án đang mở rộng điều tra nên chỉ đạo bơm 1,2 triệu lít xăng còn lại sang tàu Pacific Ocean trả cho chủ hàng ở Singapore. Từ tháng 2 đến tháng 4-2021, nhóm Viễn đã buôn lậu 3 chuyến tương đương 5,7 triệu lít, trị giá gần 98 tỷ đồng.
"Công nghệ" nhuộm xăng
Do xăng mua từ Singapore có màu trắng, không giống với màu xăng đang tiêu thụ trong nước có màu vàng nhạt nên Hữu sợ bị phát hiện. Để hành vi buôn lậu được trót lọt, Hữu sử dụng bột màu và dung môi cho người đưa lên tàu pha chế xăng thành màu vàng nhạt giống xăng trong nước. Sau đó, xăng được sang qua các tàu bán cho các đầu mối lớn có kho chứa. Từ đây xăng lậu tiếp tục được bán cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở nhiều tỉnh, thành phố khu vực phía nam.
Phan Thanh Hữu
Kết quả điều tra xác định, từ tháng 3-2020 đến tháng 2-2021, Hữu và đồng bọn đã vận chuyển 48 chuyến tàu, tổng cộng hơn 198 triệu lít xăng lậu, trị giá gần 2.800 tỷ đồng đưa từ Singapore về Việt Nam. Đã tiêu thụ ra thị trường hơn 196 triệu lít, thu lợi hàng trăm tỷ đồng, riêng Hữu hưởng lợi bất chính hơn 105 tỷ đồng.
Trong quá trình thực hiện hành vi buôn lậu xăng, Hữu nhận được thông tin về việc lực lượng của Cục điều tra chống buôn lậu, Tổng Cục hải quan đang triển khai bắt các tàu hàng buôn lậu xăng, Hữu và đàn em nhiều lần tìm cách tiếp cận, gặp gỡ Ngô Văn Thụy, Đội trưởng đội 3, Cục điều tra chống buôn lậu để nhờ giúp đỡ. Cụ thể, Thụy đã nhận của nhóm Hữu 10.000USD, 500 triệu đồng và 1 thẻ ATM với số dư 100 triệu đồng trong tài khoản.
Ngoài ra, CQĐT còn xác định, ngoài việc đưa hối lộ cho Thụy, Hữu và Tứ còn có hành vi đưa hối lộ cho một số cá nhân là quân nhân trong lực lượng Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng. Các vụ việc này CQĐT đã chuyển tài liệu, chứng cứ sang Cơ quan Điều tra hình sự, Bộ Quốc phòng để điều tra, xử lý theo thẩm quyền. Hiện Công an tỉnh Đồng Nai đang tiếp tục điều tra Phan Thanh Hữu và đồng phạm về các tội sản xuất, buôn bán hàng giả và in, phát hành mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước.
Cũng liên quan đến quá trình điều tra vụ án trên, CQĐT đã cáo buộc bà Mai Thị Dần - Giám đốc Công ty TNHH Hà Lộc (doanh nghiệp xăng dầu lớn nhất tỉnh Vũng Tàu), có hành vi trong đường dây buôn lậu xăng đặc biệt lớn. Bà Dần bị CQĐT Công an tỉnh Đồng Nai phát hiện trong quá trình mở rộng điều tra đường dây buôn lậu, sản xuất xăng giả do Phan Thanh Hữu cầm đầu, nhưng hoạt động độc lập nên tách thành vụ án riêng để điều tra xử lý.
Được biết, bà Dần là doanh nhân có tiếng, sở hữu công ty xăng dầu lớn nhất Bà Rịa - Vũng Tàu. Ngoài kinh doanh xăng dầu, Dần còn chuyên xử lý chất thải, buôn bán nhiên liệu khí lỏng, rắn và đa ngành nghề khác. Đến nay, liên quan đến Công ty Hà Lộc của bà Dần, đã có 25 người bị khởi tố về hành vi "buôn lậu" theo khoản 4, Điều 188 Bộ luật Hình sự.
Nhắc lại vụ việc phanh khui đường dây xăng giả, xăng lậu của Hữu và đồng bọn 1 năm trước, ngày 6-2-2021, Công an Đồng Nai phối hợp Cục cảnh sát Hình sự (C02, Bộ Công an) huy động hơn 500 cảnh sát chia làm nhiều mũi, bất ngờ ập vào ụ nổi giữa sông Hậu (tỉnh Vĩnh Long) bắt quả tang nhiều người đang pha chế, sang chiết xăng giả. Cùng lúc, 13 địa điểm khác ở Đồng Nai, TPHCM, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu... cũng bị cảnh sát ập vào kiểm tra, bắt giữ những người liên quan.
Sau đó, Công an Đồng Nai đã mở rộng điều tra. Kết quả đến nay đã đề nghị truy tố Hữu và 73 bị can. Chuyên án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, liên quan đến nhiều cán bộ "bảo kê” nên Ban chỉ đạo Trung ương Phòng chống tham nhũng đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo.