Chuyện bà Tấm xây chùa và chùa Bà Tấm
Không chỉ nổi tiếng hai lần nhiếp chính, Nguyên phi Ỷ Lan còn được xem là người phụ nữ xây nhiều chùa nhất trong lịch sử.
Cũng vì công đức xây chùa mà bà được dân gian gọi là bà Tấm.
Trong số những ngôi chùa Nguyên phi Ỷ Lan cho xây dựng, có một ngôi cổ tự đặc biệt ở Hà Nội mang tên chùa Bà Tấm với hai hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia. Cụm di tích đền - chùa Bà Tấm thuộc xã Dương Xá (Gia Lâm) với quần thể chùa, đền, điện, sơn trang… là một trong những danh tích có tiếng từ xa xưa.
Đứng tựa gốc lan, 2 lần nhiếp chính
Theo sử sách, năm Quý Mão (1063), vua Lý Thánh Tông đã 40 tuổi mà chưa có con trai, dù đã đi cầu tự nhiều nơi mà không thành. Một sáng mùa Xuân, vua về viếng thăm chùa Dâu (tổng Dương Quang, phủ Thuận Thành), dân làng mở hội nghênh giá.
Vua ngự giá đến trang Thổ Lỗi, sau này đổi là Siêu Loại (xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội ngày nay), thấy thần dân đang sụp lạy, duy có một thôn nữ xinh đẹp vẫn điềm nhiên hái dâu bên cạnh gốc lan.
Lý Thánh Tông lấy làm lạ, cho người gạn hỏi. Người con gái đối đáp thông minh, cử chỉ đoan trang, dịu dàng. Vua truyền lệnh tuyển cô gái ấy vào cung, phong là Ỷ Lan phu nhân, có ý nghĩa đứng tựa gốc lan. Vua Thánh Tông ban phong hiệu này để lấy làm kỷ niệm của việc gặp gỡ giữa hai người.
Trong cung, Ỷ Lan không lấy việc trau chuốt nhan sắc, mong chiếm được tình yêu của vua mà quan tâm đến mọi công việc trong triều đình. Bà khổ công học hỏi, miệt mài đọc sách. Chỉ trong một thời gian ngắn, mọi người đều kinh ngạc trước sự hiểu biết uyên thâm về nhiều mặt của Ỷ Lan.
Ỷ Lan là người phụ nữ có tài kinh bang tế thế, đã từng 2 lần nhiếp chính trông coi việc nước. Lần thứ nhất là năm Kỷ Dậu (1069), Lý Thánh Tông thân chinh cùng Lý Thường Kiệt mang quân đi đánh giặc phương Nam đã trao quyền nhiếp chính cho bà.
Lần thứ hai vào năm Nhâm Tý (1072), vua Lý Thánh Tông đột ngột qua đời, Hoàng thái tử Lý Càn Đức nối ngôi lúc mới 7 tuổi (tức Lý Nhân Tông), bà được tôn làm Hoàng thái hậu. Triều đình rối ren, Ỷ Lan đã coi triều chính, điều khiển quốc gia, cùng triều thần lãnh đạo quân dân Đại Việt tiến hành cuộc kháng chiến chống Tống thắng lợi.
Nguyên phi Ỷ Lan giỏi việc trị nước, khiến nhân tâm hòa hợp, đất nước thanh bình, dân gian sùng Phật, tôn bà là Phật Bà Quan Âm. Các huyền thoại, truyền thuyết về bà phủ trùm lên cả vùng Kinh Bắc xưa. Bà được dân gian gọi là bà Tấm - là hiện thân của lòng bao dung, đức độ và những điều tốt lành.
Bà đã cho xây dựng nhiều chùa, tháp (hơn 100 công trình) nổi tiếng, tồn tại đến tận ngày nay như: Chùa Dạm (Quế Võ - Bắc Ninh), chùa Một Mái ở Hoàng Xá (Quốc Oai - Hà Nội), chùa Phật Tích (Tiên Sơn - Bắc Ninh), chùa Báo Ân (Động Sơn - Thanh Hóa), tháp Chương Sơn (Ý Yên - Nam Định).
Và ở quê hương của bà, hương Thổ Lỗi đã được đổi thành hương Siêu Loại, vào năm 1115 bà đã cho xây dựng ngôi chùa Linh Nhân Tư Phúc tự (chính là chùa Bà Tấm hiện nay). Vào năm 1117, khi Ỷ Lan qua đời, ngôi đền thờ bà cũng được xây dựng cạnh chùa. Từ đó đến nay, đền - chùa Bà Tấm là nơi hành lễ thờ Phật và cũng là nơi tưởng niệm công đức của bà.
Trong quá trình tồn tại, đền - chùa Bà Tấm luôn được sửa chữa, trùng tu và xây mới. Văn bia cho biết vào thế kỷ từ 16 - 18 các vương phi, quận chúa họ Trịnh nhiều lần công đức tiền của cùng địa phương tu bổ lại chùa.
Cụm di tích đền - chùa Bà Tấm vốn được xây dựng trên một gò đất cao, rộng, nằm bên hữu ngạn dòng sông Thiên Đức. Hàng năm, lễ hội tổ chức trang trọng vào các ngày 19/2 và 25/7 – gọi là hội đền Bà Tấm với quy mô lớn, kéo dài suốt từ Phú Thị cho tới Văn Lâm (Hưng Yên).
Theo thống kê của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, di tích còn lưu giữ nhiều di vật quý, phản ánh lịch sử và quá trình tồn tại, các lần trùng tu... Đáng chú ý nhất là 2 tượng sư tử (bệ thờ), kích thước rất lớn, 1 thành bậc trang trí sấu, chim phượng, cúc dây cùng các di vật đất nung kiến trúc thời Lý. Ngoài ra, còn có nhiều bia đá thời Lê và Nguyễn và hệ thống chân tảng đá sa thạch thời Lý - Trần…
Đôi sư tử đá từ thời dựng chùa
Đáng chú ý nhất trong di tích đền – chùa Bà Tấm, có đến hai bộ hiện vật được công nhận bảo vật quốc gia vào ngày 15/1/2020. Đó là đôi sư tử đá và khám thờ gỗ sơn son thếp vàng.
Theo hồ sơ bảo vật, đôi sư tử đá hiện được đặt tại tòa Tam bảo. Tượng sư tử bên phải cao 104cm, rộng 130cm; tượng sư tử bên trái cao 104cm, rộng 136cm. Đây là hai bệ đặt tượng Phật tạo hình hai con sư tử được nghệ nhân diễn tả bộ mặt với thần thái uy nghi và sống động mà không quan tâm tới hình thể, tạo nên một sự khác biệt, với sự pha trộn giữa tượng tròn và phù điêu.
Cả hai tượng sư tử được tạo tác trong tư thế nằm phục, đường nét mềm mại, uyển chuyển, mạnh mẽ. Các hình khối trên mặt sư tử được nhấn mạnh qua nét đục, chạm khỏe khoắn: Trán sư tử ngắn như trán lạc đà, giữa trán chạm chữ “Vương” biểu hiện quyền năng tối thượng.
Dưới chữ “Vương” là một u tròn lớn được viền quanh nhiều u tròn nhỏ, dưới là chiếc mũi to bè, chạm nhiều đường cong. Mắt giọt lệ kép, viền phía trên là hàng hoa văn dấu hỏi tròn cùng với khối mắt to - lồi, tạo ấn tượng mạnh với người đối diện.
Để tạo được sức hút cho đôi mắt sư tử, nghệ nhân xưa đã tạo hàng mi cong uốn lượn, đuôi mắt vuốt dài, biểu hiện cho tay nghề và nghệ thuật điêu khắc đỉnh cao thời Lý. Miệng sư tử mở rộng để lộ hàm răng, lưỡi đỡ viên ngọc, quanh mép là băng hồi văn xoắn ốc.
Má chạm nổi băng hoa nhiều cánh xoắn ốc, cổ đeo lục lạc. Tai sư tử đặt trên mang bạnh, sau mang là những bờm tóc thể hiện bằng nhiều hàng hoa văn xoắn móc. Chân sư tử có 5 móng chim ưng, đang trong tư thế động.
Theo Phật giáo, hình tượng sư tử là hiện thân của sức mạnh trí tuệ, song với những biểu tượng của tinh tú trên thân, sư tử đá chùa - đền Bà Tấm còn mang ý nghĩa cõng bầu trời chuyển động. Theo sử sách cùng kết quả khai quật khảo cổ học tại chùa - đền Bà Tấm, chứng minh rằng di tích được xây dựng từ thời Lý và đôi sư tử đá là hiện vật gốc gắn liền với di tích từ khi khởi dựng.
Điều đặc biệt là đôi sư tử không bị rập khuôn theo một hình mẫu nào, mà thực sự được sáng tạo mang dấu ấn thời đại. Sự độc đáo của đôi tượng sư tử đá còn thể hiện một linh vật Phật giáo - làm bệ đỡ cho tượng Phật. Trên tác phẩm thể hiện các đường nét chạm khắc khỏe mạnh, tinh tế, mang nhiều ý nghĩa triết lý đạo Phật đương thời.
Sự độc đáo của đôi sư tử còn thể hiện ở chất tượng tròn, được coi là di sản điêu khắc Phật giáo sớm và đẹp nhất của thời Lý hiện còn tồn tại. Những thành tựu, thế mạnh của điêu khắc Phật giáo thời Lý được hội tụ trong tác phẩm này, tạo sự độc đáo chưa từng thấy trong nghệ thuật điêu khắc đá và đất nung thời Lý.
Bảo vật khám thờ sơn son thếp vàng
Bảo vật thứ hai là khám thờ gỗ sơn son thếp vàng có niên đại từ thế kỷ 16. Hiện vật có kích thước cao 170cm, rộng thân 63cm, rộng chân 67cm, rộng bờ nóc 32cm, rộng mái trên 52cm, rộng mái dưới 76cm. Khám thờ mang dáng dấp của một tòa kiến trúc, cấu tạo gồm 3 phần: Bộ mái, thân và chân đế, liên kết với nhau bằng hệ thống mộng và chồng đấu.
Bộ mái được tạo tác theo kiểu thức chồng diêm, hai tầng tám mái, lợp ngói âm dương. Tầng mái trên thu nhỏ, gồm 2 mái chính và hai mái phụ (chái), nối với nhau bởi các bờ nóc, bờ giải có trang trí hoa chanh, hoa thị. Hai đầu bờ nóc có hai con kìm chạm hình rồng nhô cao. Tầng mái dưới xòe rộng, bốn mặt mái hình thang cân.
Dưới mỗi tầng mái là bộ con sơn chạc ba. Thân khám gồm 2 lớp: Lớp trong hình khối hộp chữ nhật, mặt trước trổ cửa bức bàn, có lan can vây quanh và ngưỡng cửa, với y môn (áo cửa) chạm rồng chầu hoa cúc.
Ba mặt bên là ván bưng, chạm lộng hình rồng trong ô tròn và ô van, hoa cúc, dây xoắn trong ô chữ nhật đứng và nằm ngang. Bốn góc là 4 cột trụ, có mộng liên kết và đỡ 2 tầng mái. Lớp ngoài là 4 trụ ở 4 góc, liên kết với nhau bằng đố ngang và lan can, chạm nổi hình rồng trên thân trụ, chạm lộng lưỡng long chầu nguyệt ở 4 mặt diềm cửa võng. Chân đế khám được tạo theo kiểu bốn chân quỳ dạ cá, chạm nổi đao mác và vân xoắn.
Khám thờ ở đền - chùa Bà Tấm là hiện vật gốc độc bản, tiêu biểu cho loại hình đồ thờ trong đền chùa, đại diện cho kỹ nghệ chạm gỗ, sơn son thếp vàng của Việt Nam nói chung và thời Mạc nói riêng.
Đây là một trong ba khám thờ có niên đại sớm nhất được biết đến hiện nay mang phong cách trang trí nghệ thuật, sản phẩm tiêu biểu của nghệ thuật sơn thếp truyền thống thế kỷ 16, trải qua hơn 400 năm vẫn gần như còn nguyên vẹn.
Khám thờ ở đền - chùa Bà Tấm là hiện vật có hình thức độc đáo, được làm theo kiểu long đình, như là hình thức của một công trình kiến trúc thu nhỏ, nhưng lại khá chi tiết. Khám thờ này, ngoài giá trị nghệ thuật, còn cho chúng ta biết một hình mẫu kiến trúc thời Mạc, đưa nghệ thuật dân tộc trở về với bản thể truyền thống.
Ngày nay, du khách đến di tích không chỉ lễ Phật, tưởng nhớ công đức của Nguyên phi Ỷ Lan, thấy được những diễn biến lịch sử hàng nghìn năm đã qua, mà còn được chiêm ngưỡng hai bộ bảo vật quốc gia độc đáo, độc bản. Qua đó, thấy được sự tài tình của trí óc và đôi tay của người xưa, cùng những giá trị lịch sử phong phú trong đời sống văn hóa và tâm linh của người Việt xưa.
Theo chính sử, Nguyên phi Ỷ Lan có tên là Lê Khiết Nương (1044 - 1117), cũng có sách ghi bà là Lê Thị Yến Loan hay Lê Thị Khiết. Bà có ảnh hưởng lớn trong triều đình, từng phát tiền ở kho nội phủ để chuộc con gái do nhà nghèo bị bán ở đợ, đề xuất lệnh cấm trộm trâu và giết trâu bừa bãi.
Tương truyền, một lần vua Lý Thánh Tông hỏi Ỷ Lan về kế trị nước, bà tâu rằng: “Phải xem quyền hành là một thứ đáng sợ. Quyền lực và danh vọng thường làm thay đổi con người. Tự mình tu đức để giáo hóa dân thì sâu hơn mệnh lệnh. Dân bắt chước người trên thì nhanh hơn pháp luật. Muốn nước mạnh hoàng đế phải nhân từ với muôn dân. Phàm xoay cái thế thiên hạ ở nhân chứ không phải ở bạo”.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/chuyen-ba-tam-xay-chua-va-chua-ba-tam-post707793.html