Chuyện bác sĩ phẫu thuật động vật thử nghiệm để... cứu người

Để phục vụ cho công tác thực nghiệm y khoa, các bác sĩ còn thực hiện phẫu thuật cả trên động vật.

Các y, bác sĩ lấy máu xét nghiệm trên thỏ

Các y, bác sĩ lấy máu xét nghiệm trên thỏ

Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 là bệnh viện duy nhất trong cả nước có Khoa Y học thực nghiệm. Ở đây, ngoài chuyên môn thăm khám cho bệnh nhân thông thường, để phục vụ cho công tác thực nghiệm y khoa, các bác sĩ còn thực hiện phẫu thuật cả trên động vật.

Quy trình nghiêm ngặt

TS. Nguyễn Huy Cảnh, Phó chủ nhiệm Khoa Y học thực nghiệm, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 cho biết, các loại thuốc, vaccine, kỹ thuật phẫu thuật mới đều có yêu cầu về quy trình thực nghiệm trên động vật. Việc này nhằm theo dõi, đánh giá đầy đủ, đáp ứng đủ các tiêu chí an toàn mới tiếp tục đưa vào thực nghiệm trên người.

Theo chia sẻ của TS. Cảnh, thông thường sau khi tiếp nhận 1 “đơn hàng” thực nghiệm như ghép tạng, nối mạch máu…, Khoa sẽ tiến hành nhập động vật thực nghiệm về (theo yêu cầu của đơn hàng), thông thường trước khoảng 1 tuần để chăm sóc.

Động vật sẽ được đảm bảo chế độ dinh dưỡng riêng biệt theo chỉ dẫn của bác sĩ phẫu thuật, sau đó thực hiện các xét nghiệm, khi có các kết quả phù hợp mới tiến hành các kỹ thuật thực nghiệm.

“Nghe rất đơn giản nhưng quy trình thực tế của cuộc thực nghiệm đòi hỏi vô cùng nghiêm ngặt, tương ứng với một ca phẫu thuật trên người”, TS. Cảnh nói và cho hay, tất cả các khâu từ tiếp nhận, chăm sóc, cách ly, chuẩn bị trước - sau phẫu thuật, đến việc chuẩn bị phòng phẫu thuật, các thiết bị y tế từ máy siêu âm, máy tuần hoàn chạy ngoài cơ thể… đều được làm khép kín, theo đúng quy chuẩn.

Có một số loài động vật được sử dụng trong các thực nghiệm y khoa, thường là chuột, thỏ, chó hoặc lợn. Thông thường việc lựa chọn động vật thử nghiệm dựa vào yếu tố loài vật đó phải có tương đồng về mặt giải phẫu, gần giống nhất với phần cần can thiệp trên con người.

“Tuy nhiên, mỗi động vật có đặc điểm riêng. Ví như con lợn chỉ số đông máu rất khác so với con người, máu đông rất nhanh. Vì thế, đòi hỏi các cán bộ phải tìm tòi, nghiên cứu, nắm rõ các đặc tính của vật thực nghiệm”. TS. Cảnh cho hay.

“Làm bạn” với các loài động vật

Thực nghiệm trên chó

Thực nghiệm trên chó

Theo TS. Cảnh, có rất nhiều kỹ thuật mới được thực nghiệm trên động vật trước khi thực nghiệm trên người. Ví như kỹ thuật ghép tạng, phổi và tim thực hiện trên lợn; ghép tử cung trên chó; ghép giác mạc thử nghiệm trên thỏ… Hay tới đây là ghép buồng trứng thực hiện trên chó...

Chị Hoàng Thanh Xuân, Điều dưỡng trưởng, Khoa Y học thực nghiệm cho biết, khi tiếp nhận các động vật để chăm sóc, phục vụ thực nghiệm, không ít lần các y bác sĩ, điều dưỡng đã bị chúng tấn công. Trong đó, rất nhiều điều dưỡng, y bác sĩ đã bị chó cắn. “Để chăm sóc chúng, cần hiểu được đặc tính của từng loài có lúc phải ôm ấp, nói chuyện, kết bạn với chúng”, chị Xuân kể.

Chia sẻ về công việc của mình, điều dưỡng Đào Thị Bích Hường cho biết: “Ngoài việc chăm sóc, cho con vật ăn uống theo chỉ dẫn của bác sĩ phẫu thuật, các điều dưỡng thường xuyên tiếp cận để thực hiện lấy máu, truyền thuốc, thay băng… Công việc đòi hỏi chúng tôi phải tiếp xúc trực tiếp ngay từ khi tiếp nhận. Khi tiêm, nếu sơ sẩy là có thể đối mặt với nguy cơ lây nhiễm bệnh dại”.

Chị Hường chia sẻ thêm, có nhiều kỹ thuật mà các điều dưỡng như chị phải học hỏi từ các bác sĩ thú y, ví như lấy máu ở đâu cho an toàn nhất, được nhiều nhất đối với mỗi loại động vật. Việc chuẩn bị trước mổ cũng làm đầy đủ thủ tục như làm trên người, lấy máu test, xét nghiệm, siêu âm…

“Có nhiều khi chúng tôi vật vã từ 9h sáng đến 12h trưa vẫn chưa hoàn thành xong việc lấy máu làm xét nghiệm vì lý do máu ở động vật thường nhanh đông, đặc biệt là ở lợn”, chị Hường cho hay.

Khi tiến hành phẫu thuật cho động vật, TS. Cảnh cho biết khó nhất là tư thế nằm của động vật. Không như con người, các loại động vật thay đổi tư thế đều ảnh hưởng tới hệ tuần hoàn, hô hấp. Do vậy, nếu không hiểu rõ để có các dự phòng trong xử trí thì nguy cơ động vật chết ngay trên bàn phẫu thuật rất dễ xảy ra. Chưa kể, giai đoạn hậu phẫu cũng rất phức tạp, các con vật sẵn sàng tấn công bất cứ ai lại gần.

“Những cuộc mổ thực nghiệm đòi hỏi sự tham gia của 30 - 50 người đến từ đủ các chuyên khoa. Chỉ đến khi nào kết thúc quy trình, có được kết quả, mẫu được hủy, cuộc thực nghiệm thành công thì mọi người mới thở phào nhẹ nhõm”, TS. Cảnh cho biết thêm.

Vũ Vũ

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/chuyen-bac-si-phau-thuat-dong-vat-thu-nghiem-de-cuu-nguoi-d485143.html