Chuyện bảo tồn danh thắng ở làng chiến đấu

Lèn Choi lộ ra diện mạo của một điểm đến thú vị. Du khách tứ xứ viếng thăm, tất cả đều được miễn phí. Không còn cảnh người tự do lên núi chặt phá, săn chim bẫy thú như hồi nào

Là tôi đang nói đến xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình ở hạ nguồn sông Gianh - nơi vào năm 2022 được UBND tỉnh Quảng Bình ký quyết định công nhận một di tích lịch sử cấp tỉnh có tên "Làng chiến đấu Lệ Sơn".

Nơi tình quân dân thắm thiết

Dân quê tôi đi đâu cũng cứ thích xưng là dân Lệ Sơn hơn là dân Văn Hóa. Lạ thế, dù đấy chỉ là cái "tên cúng cơm" của xã Văn Hóa mà sử sách ghi là có từ mấy trăm năm trước. Mà gọi "Làng chiến đấu Lệ Sơn" cũng có thể vì thế, chứ không phải là tên riêng của một làng.

Hôm nhận được thông tin UBND tỉnh ký quyết định công nhận di tích lịch sử "Làng chiến đấu Lệ Sơn", từ TP Đà Nẵng, đại tá hải quân Nguyễn Thanh Lâm hét toáng lên với tôi trong điện thoại: "Vui quá em ơi! Về cùng anh chia vui với làng được không".

Tôi ở tận TP HCM, lòng cứ lâng lâng vì niềm vui từ anh lan sang.Dịp ấy, tôi cùng anh Lâm gặp nhau ở quê. Bên ly cà phê ngắm cảnh sông Gianh sau mùa lũ với nhóm bạn cùng lứa nhập ngũ với anh Lâm, tôi mới hiểu rõ hơn vì sao quê nghèo của mình lại có cái di tích lịch sử là làng chiến đấu.

Chuyện là thời chống Pháp, làng tôi có đến 8 xóm. Những năm 1946 - 1947, phong trào toàn dân xây dựng làng chiến đấu được phát động mạnh mẽ tại Lệ Sơn. Mỗi xóm lập một trung đội du kích với vũ khí là đại đao, mã tấu, lựu đạn và súng kíp tự tạo tích cực luyện tập, hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến ngày 19-12-1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Rồi đến thời đánh Mỹ, thế hệ như anh Lâm hầu hết đều từng được cha mẹ cõng chạy lên trốn trong các hang ở dãy núi đá vôi ngay sau lưng làng, tránh các đợt B52 của Mỹ rải bom.

Cái dãy núi đá vôi cao ngất mà làng dựa lưng, tưởng là vô tri ấy, đã cuốn hút tôi từ sau hôm đó. Hóa ra đấy không chỉ là nơi đang chứa huyền tích về 99 đỉnh núi và đàn phượng hoàng 100 con trong hành trình cha ông tìm nơi đóng đô năm nào mà còn là tuyến đường hậu cần huyết mạch, bí mật của lực lượng thanh niên xung phong và Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn, mà nay dân địa phương còn nhớ rất rõ những hang nào từng được trưng dụng làm khoa ngoại điều trị cho thương binh, hang nào từng làm nơi cất chứa vũ khí.

Gắn với tuyến đường này là tình quân dân thắm thiết, là sự hy sinh tính mạng không kể xiết của hàng vạn nam thanh nữ tú trong hành trình "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Một lòng với quê hương

Rồi tôi có dịp gặp ông Trần Huấn, Trưởng thôn Bàu Sỏi. Thôn này ở ngay chân đỉnh Lèn Choi - đỉnh đẹp nhất của hệ thống núi đá vôi này.

Ông Huấn mang ra khoe với tôi một cái mõ đẽo từ gỗ mít, to bằng cả vòng tay ôm, rồi kể những cái mõ thế này từng được dân mang lên treo tuốt trên đỉnh Lèn Choi, để gõ cảnh báo cho dân các xã vùng hạ nguồn sông Gianh này biết mà chạy trốn khi có tàu chiến Pháp đang từ biển ngược lên.

 Ông Trần Huấn tham gia gùi cát lên núi cùng bà con

Ông Trần Huấn tham gia gùi cát lên núi cùng bà con

Dân Lệ Sơn từng hạ những gốc mít đại thụ quý giá của vườn nhà để làm những cái mõ như thế, rồi thay phiên nhau cắt cử người lên đỉnh Lèn Choi canh gác. Gốc mít càng già, tiếng mõ càng vang.

Thạc sĩ sử học Lê Trọng Đại của Trường Đại học Quảng Bình có dạo dẫn tôi đến Lèn Choi, chỉ từng vết bom đạn còn hằn sâu trong các vách đá để hiểu thêm về sự khốc liệt của chiến tranh. Dưới chân Lèn Choi có một ban thờ được vua ban sắc phong, là nơi thờ tự các thiên thần và nhân thần có công phù hộ độ trì cho quốc thái dân an. Dân làng hàng bao đời nay vẫn thay nhau trông coi, gìn giữ.

Hôm tôi với thạc sĩ Lê Trọng Đại đến đó, may mắn còn được gặp thạc sĩ Lê Hồng Vệ - một chuyên gia nổi tiếng về phục chế sắc phong, từ Hà Nội vào. Thạc sĩ Vệ tỉ mẩn cào từng vệt mốc trên các bờ tường của ban thờ này để lộ ra lớp rêu li ti, xanh mượt và những câu đối ẩn sau lớp phong sương của thời gian. Anh bảo ban thờ này có tuổi đời đã hàng trăm năm, rất có giá trị bảo tồn về văn hóa.

 Tiến sĩ Lê Hồng Vệ (áo đen) nghiên cứu các câu đối ở ban thờ tại Lèn Choi

Tiến sĩ Lê Hồng Vệ (áo đen) nghiên cứu các câu đối ở ban thờ tại Lèn Choi

Rồi tôi được mời tham dự một cuộc họp gồm các cụ cao niên và cốt cán của thôn Bàu Sỏi. Hóa ra các cụ tính chuyện làm sao bảo tồn tốt nhất danh thắng Lèn Choi. Cái lý các cụ đưa ra là thiên nhiên và tiền nhân đã ban tặng cho Lệ Sơn một tuyệt tác như thế tại sao không chung tay gìn giữ. Với lại, chiến tranh qua lâu rồi nhưng nhiều người từng gắn liền sinh mệnh với Lèn Choi vẫn chưa có dịp ghé thăm những nơi từng trú ẩn hay chiến đấu, bởi bom đạn làm đá sập chắn hết lối đi, rồi gai góc và cây dại đã mọc ken dày hàng lớp.

Bữa đó, ông Lương Viết Liêm, Bí thư Chi bộ thôn Bàu Sỏi, phát biểu một ý mà tôi cứ tâm đắc mãi. Ông bảo thông qua việc cùng chung tay gìn giữ, bảo tồn sinh cảnh Lèn Choi cũng là cách để gắn kết tình làng nghĩa xóm, để giáo dục con cháu nhận thức sâu sắc hơn về công tác bảo vệ môi trường, về lịch sử, qua đó mà yêu mến quê hương mình hơn, biết yêu quê hương mới biết yêu Tổ quốc.

 Ông Lương Viết Liêm hào hứng kể chuyện lịch sử cho các học sinh, sinh viên

Ông Lương Viết Liêm hào hứng kể chuyện lịch sử cho các học sinh, sinh viên

Nói là làm. Một ban tình nguyện tham gia quản lý danh thắng Lèn Choi được lập ra, gồm 12 vị là các lão niên tâm huyết và cả các cán bộ như Trưởng thôn Trần Huấn, Bí thư Chi bộ Lương Viết Liêm, cán bộ phụ trách công tác Mặt trận là ông Lương Văn, rồi con cháu ở xa quê cũng tham gia. Tất cả đều tình nguyện, không ai hưởng chi phí gì.

Thế rồi, hàng chục người xúm nhau phát quang, mở đường. Con cháu ở xa hay tin thì gửi tiền về đóng góp. Mấy ông già, bà lão nghe nói rồi đây sẽ có đường lên núi thăm lại những hang đá tránh bom năm nào thì hào hứng gom chút tiền con cháu mừng tuổi để bồi dưỡng cho bọn trẻ làm.

Bụi bờ gai góc được phát quang để chừa đất cho cây rừng sinh trưởng. Đá núi có tảng nặng hàng tấn được mọi người xúm tay nhau kè, bẩy. Hàng đoàn người gùi nước, xi măng và cát lên núi để làm đường. Những bể chứa trữ nước mưa được xây dựng khắp nơi để tạo sinh cảnh cho chim, thú sinh sống.

Lâu lắm rồi mới thấy lại không khí hào hứng của cái thuở đi làm dân công xây dựng công trình công ích.

Thay da đổi thịt từng ngày

Cứ vậy, hết năm này đến năm khác, cứ khi nông nhàn thì mọi người lại kéo nhau lên tìm việc mà làm. Lèn Choi thoắt cái đã lộ ra diện mạo của một điểm đến thú vị. Không chỉ con cháu của làng mà du khách tứ xứ cũng đến viếng thăm, tất cả đều được miễn phí kể cả khâu thuyết minh, hướng dẫn. Lèn Choi cũng không còn cảnh người tự do lên chặt phá, săn chim bẫy thú như hồi nào.

Ông Lê Linh Duy - Tổng Giám đốc Công ty CP Tam Nông (chuyên về sản xuất thực phẩm) - từ TP HCM biết chuyện, ra thăm rồi gửi về tặng 40 con heo giống rừng lai và 40 con giống thỏ rừng để bà con tận dụng rau quả trong vườn tạo nguồn thịt sạch, phục vụ các đoàn khách đến thăm viếng cần có bữa cơm trưa.

Ông Dương Kiên Bảo - cán bộ Công an tỉnh Cà Mau - đã 3 lần về thăm, mang theo cây giống ăn trái của Đất Mũi tặng bà con. Ông Bảo nói với tôi rằng mê quá, vì chưa thấy ở đâu có mô hình bảo tồn sinh thái, lan tỏa tình yêu quê hương kiểu "dân chung tay làm, chung nhau thụ hưởng" thế này.

Hàng trăm cây giống lấy gỗ hoặc ăn trái được con em của làng mua từ Viện Cây giống của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tặng. Bà con xúm tay tranh thủ trồng sau những trận mưa. Văn nhân, thi nhân đến tặng thơ, được làng trân trọng khắc lên các bia đá.

 Vận chuyển cây giống ăn trái lên trồng trên Lèn Choi

Vận chuyển cây giống ăn trái lên trồng trên Lèn Choi

Năm rồi, tôi có nhiều buổi chiều leo lên lưng chừng Lèn Choi - chỗ có cái bệ đá được đặt tên là Vọng Thiện. Đứng ở đây, cả vùng hạ nguồn sông Gianh gói trọn trong tầm mắt. Lòng thư thái đến lạ lùng.

Tôi chợt nghĩ về những làng quê vốn nghèo khó như quê tôi, nay đã có cuộc sống thay đổi hẳn, bắt đầu từ những cú hích của các chương trình như Nông thôn mới, Gia đình văn hóa, Thôn văn hóa... Khi cuộc sống no đủ hơn thì cấp ủy, chính quyền cơ sở cũng như người dân đã dần hướng đến những việc có ý nghĩa như bảo vệ môi trường sống, bảo tồn danh lam thắng cảnh và xây dựng những giá trị mới cho đời sống mới.

Trong tầm mắt tôi là đoạn hợp lưu của 2 nhánh Rào Trổ và Rào Nậy - nơi ghi dấu trận thủy chiến oai hùng của nghĩa quân Cần Vương, dưới sự chỉ huy của tướng quân Lê Trực trước hàng trăm tàu chiến Pháp cuối thế kỷ XIX. Đó cũng là nơi từng diễn ra trận đánh ác liệt giữa Không quân Mỹ và lực lượng Hải quân cùng sự phối hợp của người dân đôi bờ Nam - Bắc sông Gianh, ngày 28-4-1965. Khi về tới Lệ Sơn, sông Gianh ôm trọn 3 phía của làng như vòng tay mẹ dịu hiền.

 Du khách hào hứng chụp ảnh lưu niệm khi chinh phục được một điểm cao của Lèn Choi

Du khách hào hứng chụp ảnh lưu niệm khi chinh phục được một điểm cao của Lèn Choi

Gió từ sông Gianh thổi lên mát lạnh. Cạnh nơi tôi đứng, những cây xoài, nhãn, ổi, lim xanh… bén rễ sau mùa mưa đã bắt đầu tõe nhánh bên cạnh những cây rừng được quét vôi trắng ở gốc để đánh dấu bảo tồn. Vài nhóm các cụ, các mẹ kéo nhau lên thăm viếng. Một đoàn học sinh đang tập trung nghe Bí thư Chi bộ thôn Bàu Sỏi Lương Văn Liêm kể chuyện về lực lượng thanh niên xung phong từng nương náu ở vùng này trong hành trình vận chuyển hàng hóa phục vụ chiến trường miền Nam…

Sau lưng tôi, đàn bìm bịp gọi nhau rộn cả rừng chiều. Những đàn cò trắng rời lưng bầy trâu dưới ruộng xa, bay về chấp chới trước khi thanh thản đậu xuống các bậc đá của Lèn Choi.

Khung cảnh thật bình an và thơ mộng.

Theo Bài và ảnh: LƯƠNG DUY CƯỜNG (NLĐO)

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/chuyen-bao-ton-danh-thang-o-lang-chien-dau-post286410.html