Chuyện 'bầu bí' thương nhau

Tình hình dịch Covid-19 ở các tỉnh, thành phía Nam, trong đó có Long An diễn biến phức tạp, khó lường, làm ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực, đời sống của người dân. Trong 'cuộc chiến' này, nhiều người đã và đang ngày đêm vất vả ở tuyến đầu chống dịch. Còn trong cộng đồng, tình đoàn kết, sẻ chia, giúp đỡ nhau lúc khó khăn, hoạn nạn được lan tỏa qua nhiều hành động tử tế.

Tặng rau xanh cho người dân đang gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh

Tặng rau xanh cho người dân đang gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh

Cảm ơn lực lượng tuyến đầu chống dịch!

Thời gian qua, “cuộc chiến” với Covid-19 rất gian nan, vất vả, nhất là các lực lượng tuyến đầu ngày đêm kiên cường bám địa bàn làm nhiệm vụ. Nhiều người lâu rồi không về nhà thăm con nhỏ, người thân mất cũng không thể về chịu tang, nguy cơ lây nhiễm luôn chực chờ,...

Những người tham gia phòng, chống dịch hiếm khi có giấc ngủ dài hoặc những bữa ăn thong thả mà thay vào đó là sự khẩn trương với tinh thần "chống dịch như chống giặc", quyết góp sức đẩy lùi dịch bệnh. Những việc làm, sự vất vả, "hy sinh" của những người làm nhiệm vụ ở tuyến đầu phòng, chống dịch thật đáng cảm phục!

Xúc động trước những việc làm, sự vất vả của những người ở tuyến đầu chống dịch, ngay sau khi hoàn thành thời gian cách ly y tế, chị Trần Thị Thủy, ngụ xã Mỹ Bình, huyện Đức Huệ, viết thư cảm ơn và bày tỏ nỗi lòng. "Các bạn là những người đang vì nhân dân phục vụ. Việc làm của các bạn làm mọi người cảm thấy tự hào hai tiếng Việt Nam" - chị Thủy tâm sự.

Như nhiều đơn vị khác, Bệnh viện (BV) Đa khoa Long An đóng vai trò rất quan trọng trong công tác phòng, chống dịch và điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19. Có thời gian, dịch bệnh lây lan, phát hiện nhiều ca nhiễm trong BV, kể cả cán bộ, nhân viên tại đơn vị cũng bị lây nhiễm. Trước tình hình này, BV phải tạm dừng tiếp nhận bệnh nhân mới một thời gian để phòng, chống dịch.

Trong những thời điểm khó khăn đó, cán bộ, nhân viên BV luôn nêu cao ý thức, trách nhiệm, động viên nhau cố gắng vượt qua và nỗ lực nhiều hơn nữa. "Lần lượt các bệnh nhân mắc Covid-19 đều khỏi bệnh, tình hình dịch bệnh tại BV được khống chế và sau 34 ngày phong tỏa, ngày BV mở cửa tiếp nhận người dân đến khám, điều trị bệnh trở lại, tất cả cán bộ, nhân viên vỡ òa trong niềm vui hạnh phúc" - Phó Giám đốc BV - bác sĩ Mai Văn Dũng chia sẻ.

Hiện BV điều trị cho 60 bệnh nhân Covid-19, trong đó có hơn 20 ca nặng. Công việc còn rất vất vả nhưng cán bộ, nhân viên BV vẫn luôn quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần đẩy lùi dịch bệnh để cuộc sống trở lại bình thường.

"Đoàn kết là sức mạnh giúp dân tộc Việt Nam giành được độc lập, tự do và phát triển như ngày nay. Trong "cuộc chiến" với dịch Covid-19, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, sự sẻ chia, đồng lòng của nhân dân một lần nữa là sức mạnh để Việt Nam sớm chiến thắng đại dịch”.

Nghĩa tình trong gian khó

Trong bối cảnh ngành Y tế ở vùng tâm dịch đang quá tải, những đoàn y, bác sĩ, quân nhân, sinh viên, tình nguyện viên của nhiều tỉnh, thành ở miền Trung, miền Bắc được tăng cường, hỗ trợ các tỉnh phía Nam phòng, chống dịch, trong đó có Long An.

Điều dưỡng Nguyễn Trọng Nhân (37 tuổi) cùng đồng nghiệp từ Bắc Giang vào Long An ngày 21/7/2021 để tham gia chống dịch. "Chúng tôi từng có kinh nghiệm chống dịch tại Bắc Giang nên sẽ cố gắng hỗ trợ hết mình giúp Long An với hy vọng sớm đẩy lùi dịch bệnh" - anh Nhân thổ lộ.

Ngoài hỗ trợ về nhân lực, thời gian gần đây, các tỉnh phía Nam nói chung và Long An nói riêng còn đón nhận tình cảm, những sẻ chia về vật chất và tinh thần từ các địa phương khác trong công tác phòng, chống dịch. Có người, dù sự giúp đỡ chỉ là vài trái bầu, bí, kilôgam đậu phộng, gạo,… nhưng đó là sự sẻ chia, tấm lòng của người gửi tặng.

Trong lúc khó khăn, những người trong tâm dịch cũng hướng về nhau với những tình cảm, sự sẻ chia ấm áp. Với suy nghĩ “lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều”, nhiều cá nhân, tổ chức trên địa bàn tỉnh tổ chức những chuyến xe yêu thương, chuyến xe 0 đồng chở nhu yếu phẩm trao tặng người dân ở TP.HCM.

“Cuộc chiến” chống dịch kéo dài thời gian qua gây nhiều khó khăn, thiệt hại, mất mát trong đời sống, xã hội. Nước mắt đã rơi, nỗi buồn không ít nhưng "trái tim yêu thương" chưa bao giờ “ngừng đập”. Trong gian khó, tình người, nghĩa đồng bào lại càng lan tỏa.

Sự giúp đỡ, hỗ trợ nhau của dân tộc Việt Nam là chân thành, trong sáng, vậy mà, trên mạng xã hội vẫn có những lời lẽ “lạc điệu”, kích động. Gần đây, trong khi bác sĩ, sinh viên trường y cùng các đoàn công tác ở các tỉnh phía Bắc không ngại đường xa, gian khó, sẵn sàng vào "chia lửa", hỗ trợ các địa phương phía Nam chống dịch Covid-19 thì một số đối tượng lại viết bài phân biệt vùng, miền trên mạng xã hội.

Những lời nói hồ đồ, dựng chuyện trong thời điểm mà cả nước đang hướng về TP.HCM và các tỉnh, thành phía Nam để dập dịch Covid-19 quả thật rất vô liêm sỉ! Hơn ai hết, dân tộc ta hiểu thế nào là giá trị của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đoàn kết là sức mạnh giúp dân tộc Việt Nam giành được độc lập, tự do và phát triển như ngày nay. Trong "cuộc chiến" với dịch Covid-19, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, sự sẻ chia, đồng lòng của nhân dân một lần nữa là sức mạnh để Việt Nam sớm chiến thắng đại dịch./.

“Cuộc chiến” chống dịch kéo dài thời gian qua gây nhiều khó khăn, thiệt hại, mất mát trong đời sống, xã hội. Nước mắt đã rơi, nỗi buồn không ít nhưng "trái tim yêu thương" chưa bao giờ “ngừng đập”. Trong gian khó, tình người, nghĩa đồng bào lại càng lan tỏa".

Lê Đức

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/chuyen-bau-bi-thuong-nhau-a119506.html