Đại biểu Quốc hội mong muốn đường sắt tốc độ cao có từ mũi Cà Mau đến địa đầu Tổ quốc
Một số đại biểu Quốc hội đề nghị kéo dài dự án đường sắt tốc độ cao với điểm đầu từ Lạng Sơn - nơi địa đầu của Tổ quốc, điểm cuối là Cà Mau hoặc Cần Thơ.
Đề xuất phân kỳ và mở rộng phạm vi đầu tư
Chiều nay (20/11), Quốc hội thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Thống nhất rất cao với chủ trương đầu tư dự án, đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) cho rằng dự án này sẽ tạo động lực để phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Tuy nhiên, vị đại biểu Cà Mau đề nghị Quốc hội mở rộng phạm vi đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam với điểm đầu là Lạng Sơn và điểm cuối là mũi Cà Mau thay vì từ Hà Nội tới TP.HCM như Chính phủ trình.
Đây là dự án được đầu tư bằng hình thức đầu tư công. Theo đại biểu Nguyễn Quốc Hận, vì nguồn lực có hạn nên có thể phân kỳ đầu tư. Chẳng hạn giai đoạn từ năm 2025-2035, đầu tư đoạn từ Hà Nội - TP.HCM còn giai đoạn từ năm 2035-2040, đầu tư các đoạn còn lại.
Việc xác định phạm vi đầu tư này, ngoài việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đồng bộ trong cả nước, còn tạo điều kiện vận chuyển hàng hóa, phù hợp thị trường xuất khẩu của nước ta.
Theo phân tích của đại biểu, đất nước ta trải dài theo chiều Bắc - Nam, từ Lạng Sơn tới Mũi Cà Mau. Hai khu vực miền núi phía Bắc và đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là phên dậu của quốc gia nhưng cả hai lại phát triển rất chậm, đời sống nhân dân hết sức khó khăn.
Dù có rất nhiều tiềm năng nhưng với vị trí xa xôi, hẻo lánh, đi lại khó khăn vất vả nên dù có "trải thảm đỏ", các nhà đầu tư cũng không mặn mà.
"Theo tôi, điểm nghẽn lớn nhất của hai vùng này là do hạ tầng giao thông thấp kém, khó thu hút các nhà đầu tư", đại biểu nhìn nhận và nhấn mạnh đề nghị mở rộng đầu tư tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam tới hai khu vực phên dậu, vùng biên cương đất nước để những nơi này "không phải điểm đầu hay cuối mà là điểm đến của nhà đầu tư".
Thực hiện được hơn 1.000km, tại sao không làm tiếp 100km?
Tán thành với ý kiến đại biểu Nguyễn Quốc Hận, đại biểu Trần Thị Hoa Ry (đoàn Bạc Liêu) nói, với những ưu thế vượt trội của đường sắt cao tốc, tha thiết đề nghị Quốc hội xem xét lại phạm vi đầu tư của dự án này.
Bởi, nếu kết nối hai địa đầu đất nước thì rất tốt, tạo điều kiện cho những địa phương đi qua có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, du lịch.
Trong trường hợp chưa đảm bảo nguồn lực, bà Hoa Ry kiến nghị cần phải kéo dài tuyến đường sắt cao tốc tới TP Cần Thơ thay vì chỉ dừng lại ở TP.HCM.
Đại biểu Trần Thị Hoa Ry nêu rõ, vùng ĐBSCL có vị trí rất quan trọng, tiềm năng to lớn nhưng phát triển chưa tương xứng, thu nhập bình quân đầu người thấp hơn so với cả nước.
"Các chuyên gia đều đánh giá, điểm nghẽn lớn nhất của vùng ĐBSCL chính là kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng kết nối đồng bằng sông Cửu Long với TP.HCM", đại biểu Hoa Ry nói.
Theo nữ đại biểu, hiện nay, cao tốc TP.HCM - Cần Thơ trở thành tuyến huyết mạch kết nối với TP.HCM với các tỉnh ĐBSCL. Tuy nhiên, tuyến đường này thường xuyên ùn tắc, làm giảm sức cạnh tranh của cả vùng.
"Tôi tha thiết chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam nên nối dài từ TP.HCM đến TP Cần Thơ. Như vậy sẽ có ý nghĩa quan trọng giảm tải giao thông trong các tuyến từ vùng Đông Nam Bộ đến ĐBSCL, giúp phát triển du lịch, thương mại. Điều này sẽ giúp ĐBSCL không bị bỏ lại so với các vùng khác, phát triển tương xứng với tiềm năng vốn có của mình", đại biểu Hoa Ry đề xuất.
Đồng tình với các ý kiến này, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đề xuất, đường sắt tốc độ cao cần nối đến TP Cần Thơ.
"Từ TP.HCM đến Cần Thơ có hơn 100km, chúng ta thực hiện được hơn 1.000km rồi, tại sao không làm tiếp 100km nữa. Khi đường sắt tốc độ cao nối đến Cần Thơ thì người dân ở đây sẽ rất phấn khởi", ông Hòa nói.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, bắt đầu tại TP Hà Nội (ga Ngọc Hồi) và kết thúc tại TP.HCM (ga Thủ Thiêm) đi qua địa phận 20 tỉnh, thành, chiều dài tuyến khoảng 1.541km.
Về quy mô đầu tư, xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam là đường đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục.
Vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.
Chính phủ đề xuất bố trí 23 ga hành khách, dự kiến mỗi vị trí ga quy hoạch không gian phát triển từ 200 - 500ha, 5 ga hàng hóa, quy mô mỗi ga hàng hóa khoảng 24,5ha.