Chuyện Bí thư Giàng Seo Mua

Con đường từ thôn Vàng On đến trung tâm xã Trung Minh (Yên Sơn) dài 2 cây số nhưng phải mất 30 phút đi xe máy bởi đường gồ ghề, khó đi. Ấy thế nhưng đây là con đường mà Bí thư Chi bộ Giàng Seo Mua một ngày 2 lần đi xe máy lên tỉnh học, ra xã làm việc. 'Học để giúp dân mình mở mang' - Anh Mua cười rõ tươi trên con đường gập ghềnh sỏi đá.

Tiên phong trồng rừng

Bí thư Chi bộ thôn Vàng On Giàng Seo Mua năm nay 36 tuổi nhưng có 13 năm làm Bí thư Chi bộ, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Anh từng trải qua nhiều vị trí, Bí thư Chi đoàn, Trưởng Ban công tác Mặt trận, nhân viên y tế thôn bản. Và bây giờ cùng lúc anh đảm nhận nhiều vai, vừa là Bí thư Chi bộ, vừa là đảng ủy viên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra xã và đại biểu HĐND xã. Ngay từ khi còn làm cán bộ thôn, anh Mua đã ý thức được việc học, anh hoàn thành Trung cấp Luật và học lên Đại học Luật. Sinh ra trong gia đình có 7 anh em, anh Mua là cả nên việc hoàn thành chương trình đại học đối với anh cũng gập ghềnh y như con đường từ Vàng On ra trung tâm xã. “Có những lần lên tỉnh học, hết tiền, có người bảo mình nghỉ học thôi nhưng mình nghĩ bụng, có học thì làm cái gì mới có phương pháp đúng. Thế nên thiếu thốn mấy cũng phải chạy vạy, vay mượn anh em để đi học. Mình bảo bố mẹ bán rừng đi để giúp mình học. Mình là cán bộ, đảng viên, mình phải nêu gương trong cái sự học” - Anh Mua kể.

Từ khi còn đang học Trung cấp Luật, anh Mua đã nhận thức được ý nghĩa của việc trồng rừng đối với đời sống của bà con. Vàng On có 104 hộ, trong đó chỉ có 14 hộ người Dao, còn lại chủ yếu là người Mông. Nhận thấy tỷ lệ hộ nghèo của thôn cao, chủ yếu do người dân chưa biết khai thác tiềm năng về đất đai. Nhiều hộ có đất đồi nhưng vẫn chỉ trồng sắn, cây màu ngắn ngày. Bí thư Chi bộ Giàng Seo Mua đã tiên phong mua keo giống về trồng trên diện tích 3 hecta đất đồi. Ngoài thời gian lên xã làm việc, đi học đại học, anh còn tranh thủ gánh từng gánh keo giống lên rừng trồng. Gặp anh trồng rừng, bà con trong thôn liền kháo nhau: “Lên xem Mua nó trồng rừng kìa, không biết mai này có nên không đây”. Thấm thoắt thời gian trôi nhanh, đồi keo của anh Mua lên xanh mướt, ai đi qua cũng trầm trồ: “Đồi keo của nhà Mua đẹp quá”. Đến kỳ khai thác, anh Mua thu về hàng trăm triệu đồng. Khai thác xong, anh lại trồng gối vụ, đồi keo của anh giờ đã sang chu kỳ thứ hai được 3 năm. Thấy gia đình mình trồng rừng, có tiền, anh Mua vận động nhân dân làm theo. Đến nay, diện tích trồng rừng của thôn đang dẫn đầu toàn xã, ước tính có khoảng gần 200 hecta rừng. Nhiều hộ trong thôn đã được khai thác, thu về hàng trăm triệu đồng. Nhà Trưởng thôn Giàng Seo Sình có 4 hec ta rừng vừa được khai thác cũng thu về 200 triệu đồng. Nhà ông Giàng Seo Trịnh vừa nuôi 4 con trâu, 10 con lợn rừng lại vừa trồng 5 hecta rừng. Dẫn chúng tôi lên thăm đồi rừng đã 4 năm tuổi, chị Lù Thị Sắng bảo: “Nhà mình có 3 hecta rừng. 4 năm trước khai thác lần 1 rồi. Nghe Bí thư Chi bộ Giàng Seo Mua, nhà mình trồng rừng mới có ít tiền dựng căn nhà gỗ”.

Bí thư chi bộ Giàng Seo Mua vận động nhân dân chăm sóc rừng trồng.

Bí thư chi bộ Giàng Seo Mua vận động nhân dân chăm sóc rừng trồng.

Kinh tế của người Mông, Dao ở Vàng On hiện nay chủ yếu từ rừng và chăn nuôi đại gia súc. Tuy tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí nghèo đa chiều mới ở Vàng On còn cao nhưng cuộc sống của nhân dân nơi đây cũng từng bước ổn định nhờ rừng. Ông Giàng Seo Trịnh chỉ về phía rừng cây có diện tích 5 hecta của gia đình mình nói: “Sang năm, nhà tôi được thu hoạch đồi cây này rồi. Nhờ Bí thư Chi bộ Mua đi trước nên mình làm theo mới có được cơ ngơi này”.

Ba việc được bà con ưng

Có ba việc mà Bí thư chi bộ Giàng Seo Mua làm được cho bà con luôn được nhắc đến. Đó là vận động trẻ trong độ tuổi ra lớp, vận động nhân dân từ bỏ tục thách cưới và duy trì việc giúp đỡ nhau khi làm nhà.

Trước đây, tỷ lệ trẻ trong độ tuổi mầm non đến lớp chỉ đạt 60 đến 70%. Nhiều nhà lên nương, đi rừng cũng mang con theo hoặc để con ở nhà cho ông bà chăm nom. Trẻ không được chăm sóc chu đáo nên tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng khá cao. Tìm hiểu nguyên nhân, anh Mua nhận thấy trước hết do nhận thức về sự học của bà con chưa cao, điểm trường Mầm non chưa được đầu tư về cơ sở vật chất, đáp ứng yêu cầu dạy và học. Nhiều phụ huynh không có điều kiện để trẻ học cả ngày ở lớp. Nhiều lần họp chi bộ, anh Mua đưa ý kiến của mình ra bàn bạc, tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn để vận động 100% gia đình có con đến tuổi ra lớp cho con đến trường. Anh nghĩ ra cách vận động các gia đình thành lập “Gánh cơm nuôi trẻ”, các hộ gia đình thay nhau nấu cơm cho trẻ ăn trưa tại lớp. Ngoài ra, anh còn vận động nhân dân trang trí, sửa chữa điểm trường Mầm non để phụ huynh yên tâm gửi trẻ. Với cách này, anh đã vận động được 100% trẻ trong độ tuổi đến lớp. Hiện nay, việc đưa cơm cho trẻ đã chuyển sang hình thức đóng tiền để nhà trường nấu cơm cho trẻ ăn trưa tại lớp. Tỷ lệ trẻ trong độ tuổi đến trường ra lớp ở Vàng On những năm gần đây đều đạt 100%.

Một đoạn đường bê tông ở thôn Vàng On do Nhà nước hỗ trợ xi măng, nhân dân đóng góp vật liệu cát sỏi và ngày công để thực hiện.

Một đoạn đường bê tông ở thôn Vàng On do Nhà nước hỗ trợ xi măng, nhân dân đóng góp vật liệu cát sỏi và ngày công để thực hiện.

Người Mông ở Vàng On trước kia có tục thách cưới nhà trai, thường là một con trâu và bạc. Nhà nào có con trai đến tuổi lấy vợ đều phải chuẩn bị tiền thách cưới rất cao, quy ra tiền mặt có khi phải đến 50 - 60 triệu đồng. Nên nhà trai muốn lấy dâu về thường rất áp lực, thậm chí phải đi vay mượn anh em, họ hàng để dựng vợ cho con trai. Cũng chính vì tục thách cưới này mà nhiều khi dẫn đến việc đôi bên bằng mặt nhưng không bằng lòng, con dâu lấy về cũng khó sống với nhà chồng. Được đi học, được ra ngoài mở mang kiến thức, Bí thư Chi bộ Giàng Seo Mua thấy cần phải vận động bà con từ bỏ tập tục này. Nắm bắt được nhà nào chuẩn bị dựng vợ, gả chồng cho con, anh đến tận nơi tuyên truyền, vận động. Anh nói: “Mình thách cưới như thế khác gì là mình bán con, làm khó cho nhà trai. Mình gả chồng cho con là xây dựng tổ ấm cho con sao nhà mình lại thách cưới”. Nghe anh Mua nói phải, nhiều hộ cũng nghĩ lại rồi quyết định bỏ thách cưới. Gia đình ông Lù Seo Diêu năm ngoái cũng gả chồng cho cô con gái là Lù Thị Mai nhưng cũng không thách cưới nhà trai. Ông bảo: “Nhà mình con gái đi lấy chồng đã không thách cưới nữa rồi, chỉ mong sao chúng nó sống hạnh phúc là mừng”.

Ở Vàng On đến nay vẫn còn duy trì nét đẹp văn hóa đó là giúp nhau làm nhà. Người Mông, người Dao ở đây coi việc người khác làm nhà như là việc của nhà mình. Chỉ cần nghe tin trong thôn có hộ làm nhà là ai rảnh sẽ đến giúp, gia chủ không phải đến nhà để nhờ vả bà con đến giúp đỡ. Bí thư Chi bộ Giàng Seo Mua nhiều năm qua luôn vận động bà con giữ gìn nét đẹp này. Anh bảo, bất cứ nhà nào làm nhà mới cũng là việc lớn của đời người nên bà con trong thôn đều đến giúp đỡ mà không cần phải mở lời nhờ vả. Người Mông, người Dao sống đoàn kết như một đúng theo hương ước của thôn. Gia đình ông Tráng Trưởng Lương đang đào móng làm nhà phấn khởi cho biết: “Nhà mình không có nhiều tiền. Nếu thuê nhân công từ đầu đến cuối để làm ngôi nhà này chắc không làm nổi. Nhưng may mắn là trong thôn ngày nào cũng có bà con đến giúp đỡ nên cũng đỡ đi tiền thuê nhân công”.

Bí thư Chi bộ Giàng Seo Mua kiệm lời nhưng nhìn ánh mắt rạng rỡ của người dân, tôi hiểu những việc anh làm cho bà con có ý nghĩa nhường nào. Anh nói: “Muốn bà con mình thay đổi nhận thức không phải một sớm một chiều mà người cán bộ, đảng viên như mình luôn phải kiên trì, đi trước. Vất vả lắm nhưng mình không bao giờ nản”.

Ghi nhận những đóng góp của Bí thư Chi bộ Giàng Seo Mua đối với cộng đồng, vừa qua anh được UBND huyện Yên Sơn tặng Giấy khen có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Anh vinh dự là một trong 43 đại biểu trong Đoàn đại biểu người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số gặp Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ngày 17-5 mới đây.

Phóng sự: Thủy Châu

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/phong-su/chuyen-bi-thu-giang-seo-mua-159916.html