Chuyển biến tích cực trong công tác cải cách tư pháp
Các cơ quan tư pháp và cấp ủy, chính quyền các địa phương trong tỉnh đã và đang bám sát yêu cầu công tác, tích cực phối hợp triển khai nhiệm vụ cải cách tư pháp (CCTP). Qua đó góp phần quan trọng trong việc bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của các tổ chức, cá nhân; tạo môi trường an toàn, ổn định cho tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Chất lượng công tác xét xử, thi hành án được nâng cao
Theo báo cáo của TAND Phú Yên, năm 2021, TAND hai cấp trên địa bàn tỉnh đã tập trung nâng cao chất lượng giải quyết xét xử các loại án, chú trọng nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa, thể hiện tính công khai, minh bạch, dân chủ, đảm bảo các vụ án xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Ngoài ra, tòa cũng chú trọng công tác hòa giải trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự và công tác đối thoại trong giải quyết các vụ án hành chính. Năm 2021, TAND hai cấp đã giải quyết 3.899 vụ án, đạt 67,74%. Đồng thời tổ chức hòa giải, đối thoại thành công 1.793 vụ án, vụ việc dân sự, đạt 53,43%. Qua đó giải quyết hiệu quả các tranh chấp mà không phải mở phiên tòa xét xử, nâng cao tỉ lệ và rút ngắn thời gian giải quyết các vụ án.
Bên cạnh đó, Viện KSND hai cấp cũng đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, sáng tạo trong tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành, nâng cao hiệu quả công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Toàn ngành đã kiểm sát chặt chẽ việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can, nâng cao chất lượng trong việc ban hành, phê chuẩn các lệnh, quyết định bắt, giam, giữ, truy tố, chủ động nắm bắt các tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; phối hợp với cơ quan điều tra xử lý, nhất là những tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố có tính chất phức tạp. Viện KSND hai cấp còn chủ động phối hợp với các cơ quan tư pháp áp dụng thủ tục rút gọn hoặc giải quyết nhanh không quá một nửa thời hạn theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự đối với các vụ án có liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19 và các vụ án khác có đủ điều kiện pháp luật quy định.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo CCTP tỉnh, thời gian qua, các cấp, ngành trong tỉnh thực hiện tốt nhiệm vụ CCTP theo chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh. Chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được nâng cao; công tác bổ trợ tư pháp chuyển biến tích cực; tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp được củng cố, kiện toàn...
Phó Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Nguyễn Nam Thắng cho biết: Với vai trò cơ quan thường trực Ban chỉ đạo CCTP, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã kịp thời phối hợp, tham mưu, đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo các cơ quan chức năng, các địa phương giải quyết các vụ án hành chính tồn đọng hiện nay trên địa bàn tỉnh. Từ 135 vụ án hành chính được thụ lý từ đầu năm 2021, qua giám sát, đôn đốc đến nay tòa án đã giải quyết được 64 vụ, trong đó có 4 vụ án hành chính phức tạp, kéo dài, tồn đọng từ nhiều năm trước. Hiện còn 9 vụ án hành chính phức tạp đang được Ban Nội chính Tỉnh ủy phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tiếp tục đôn đốc, phối hợp giải quyết.
Tiếp tục đẩy mạnh CCTP
Thực tế cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác CCTP ở Phú Yên vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề. Điều này đã được các thành viên Ban chỉ đạo CCTP tỉnh chỉ ra tại hội nghị triển khai công tác CCTP năm 2021. Cụ thể như công tác phối hợp trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan tiến hành tố tụng hai cấp trong tỉnh có lúc, có nơi, chưa tốt. Tiến độ điều tra một số vụ án, vụ việc còn chậm. Trong quá trình thi hành án còn có trường hợp để xảy ra vướng mắc, sai sót. Điều kiện cơ sở vật chất, năng lực của một bộ phận cán bộ hoạt động trong lĩnh vực tư pháp chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ CCTP trong tình hình mới...
Để đẩy mạnh công tác CCTP, theo ông Lê Trung Hưng, Viện trưởng Viện KSND tỉnh, thời gian tới, các cơ quan tư pháp cần phải tăng cường hơn nữa mối quan hệ phối hợp trong công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Trong danh mục các vụ án, nhất là các vụ án thu hút sự quan tâm của dư luận cần phải quy định thời gian hoàn thành, tránh kéo dài. Điều này có thể tạo áp lực không nhỏ cho các cơ quan tư pháp, nhưng rất cần thiết để phối hợp giải quyết dứt điểm các vụ việc, vụ án nổi cộm...
Đồng chí Cao Thị Hòa An, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo CCTP tỉnh thì đề nghị, trong năm 2022, cấp ủy các đơn vị, địa phương cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa các chủ trương, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp về công tác tư pháp và CCTP theo nghị quyết đại hội đảng các cấp; tiếp tục triển khai có hiệu quả Kế hoạch 06-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Kết luận 84-KL/TW của Bộ Chính trị về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược CCTP đến năm 2020.
“Các cơ quan tư pháp cần tăng cường phối hợp hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; giải quyết kịp thời các vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Tập trung phối hợp đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án, vụ việc trong danh mục Thường trực Tỉnh ủy, Ban Nội chính Tỉnh ủy, thường trực cấp ủy cấp huyện theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc còn tồn đọng trong năm 2021. Nâng cao chất lượng công tác thi hành án dân sự, hành chính; nâng cao vai trò và trách nhiệm của Đoàn ĐBQH, HĐND các cấp trong việc theo dõi, đôn đốc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân đối với các hoạt động tư pháp. Phát huy vai trò của MTTQ, các tổ chức thành viên và các tầng lớp nhân dân trong giám sát hoạt động của các cơ quan tư pháp để đảm bảo việc tuân thủ các quy định của pháp luật được nghiêm minh...”, đồng chí Cao Thị Hòa An nhấn mạnh.
Các cơ quan tư pháp phối hợp chặt chẽ hơn trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ của các cơ quan tư pháp để xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp của tỉnh có phẩm chất đạo đức tốt, vững về chính trị, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác CCTP trong tình hình mới.