Chuyển biến tích cực trong công tác phục vụ người dân và doanh nghiệp

Sau hai năm triển khai, nhân rộng mô hình 'Dân vận khéo' chính quyền phục vụ người dân và doanh nghiệp đã có sự chuyển biến tích cực, giúp công tác phục vụ người dân và doanh nghiệp tại các xã, phường, thị trấn trong tỉnh ngày càng tốt hơn, chuyên nghiệp hơn.

 Công chức phường Lê Lợi (thành phố Hưng Yên) hướng dẫn người dân đến làm thủ tục hành chính

Công chức phường Lê Lợi (thành phố Hưng Yên) hướng dẫn người dân đến làm thủ tục hành chính

Mô hình “Dân vận khéo" chính quyền phục vụ người dân và doanh nghiệp bắt đầu được thí điểm triển khai từ tháng 3/2023, tại 6 địa phương: Phường Quang Trung (nay là phường Lê Lợi, thành phố Hưng Yên), xã Xuân Trúc (Ân Thi), xã Tân Châu (Khoái Châu), xã Trung Hưng (nay là thị trấn Yên Mỹ, huyện Yên Mỹ), xã Tân Quang (Văn Lâm), xã Nhật Quang (Phù Cừ). Ðến tháng 4/2024, mô hình tiếp tục mở rộng tại 4 địa phương: Phường Minh Ðức (thị xã Mỹ Hào), xã Hưng Ðạo (Tiên Lữ), xã Phạm Ngũ Lão (Kim Ðộng), xã Mễ Sở (Văn Giang). Ðến cuối năm 2024, mô hình đã được nhân rộng tại 129/139 xã, phường, thị trấn.

Mô hình “Dân vận khéo" này tập trung vào việc nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền và cán bộ, công chức bảo đảm công khai, dân chủ; xây dựng hoạt động của chính quyền theo hướng gần gũi, phục vụ hướng tới chính quyền điện tử; bảo đảm cơ sở vật chất, môi trường công sở văn minh; xây dựng hình ảnh người đứng đầu chính quyền gương mẫu, thân thiện, có trách nhiệm cũng như đội ngũ cán bộ, công chức, nhân viên, cán bộ, chiến sĩ lực lượng công an cơ sở có trách nhiệm với người dân, doanh nghiệp...

Ðến thời điểm này, xã Tân Châu (Khoái Châu) đã triển khai mô hình “Dân vận khéo" chính quyền phục vụ người dân và doanh nghiệp được 2 năm, mang lại nhiều kết quả tích cực. Tại Bộ phận một cửa xã Tân Châu niêm yết công khai, đầy đủ các quy định, TTHC, các khoản phí, lệ phí theo quy định; trang bị máy móc, thiết bị cho hoạt động chuyên môn; cán bộ, công chức tuân thủ các quy định, nâng cao trách nhiệm trong phục vụ Nhân dân. Ðồng thời, xã có nhiều cách làm mới, mang lại hiệu quả đáng ghi nhận như: Số điện thoại, họ và tên của đồng chí Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch UBND xã, cán bộ, công chức phụ trách các công việc, nhiệm vụ được công khai tại những vị trí dễ quan sát nhất để người dân, doanh nghiệp biết, có thể gọi điện, gửi kiến nghị khi cần thiết. Cán bộ, công chức trong xã sẵn sàng làm thêm giờ để giải quyết xong hồ sơ trong ngày; tiếp nhận, xử lý một số loại giấy tờ, thủ tục như cấp giấy khai tử, giấy đăng ký kết hôn… ngoài giờ hành chính, ngày nghỉ cuối tuần để đáp ứng nhu cầu của Nhân dân. Bà Ðỗ Thị Hoa, thôn Hồng Quang (xã Tân Châu) bày tỏ: “Người dân chúng tôi mỗi lần đến xã thực hiện thủ tục hành chính đều được cán bộ, công chức của xã nhiệt tình hướng dẫn, giải quyết nhanh chóng, kịp thời, chúng tôi rất hài lòng”. Từ khi triển khai mô hình, 100% hồ sơ thủ tục hành chính tại xã được giải quyết đúng hạn và trước hạn. Năm 2024, công tác xây dựng Ðảng và công tác xây dựng chính quyền của xã Tân Châu được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Cuối năm 2024, phường Lê Lợi (thành phố Hưng Yên) được thành lập trên cơ sở hợp nhất phường Quang Trung và phường Lê Lợi, dù chưa công bố chính thức ra mắt mô hình “Dân vận khéo" chính quyền phục vụ người dân và doanh nghiệp nhưng phường đã áp dụng hiệu quả cách triển khai mô hình từ phường Quang Trung trước kia. Ðồng chí Nguyễn Quang Việt, Chủ tịch UBND phường Lê Lợi chia sẻ: Ðể nâng cao hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp, Ðảng ủy, UBND phường coi công tác cán bộ là giải pháp ưu tiên nhất, phường bố trí cán bộ, công chức làm việc tại Bộ phận Một cửa là những người còn trẻ, thành thạo công nghệ thông tin, năng động, sáng tạo, tích cực chủ động trong công tác cải cách hành chính, đủ sức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của mô hình.

Huyện Phù Cừ hiện có 100% số xã, thị trấn triển khai mô hình “Dân vận khéo" chính quyền phục vụ người dân và doanh nghiệp. Ðồng chí Mai Thị Thanh Lan, Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Huyện ủy Phù Cừ cho biết: Triển khai mô hình "Dân vận khéo", Ðảng ủy, UBND các xã, thị trấn trong huyện đã tăng cường đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo trong việc giải quyết các TTHC; nắm bắt và giải quyết kịp thời, có hiệu quả những kiến nghị, vấn đề bức xúc của Nhân dân; gắn thực hiện mô hình với việc chỉ đạo, điều hành tổ chức thực hiện các lĩnh vực công tác theo chức năng, nhiệm vụ, từ đó góp phần hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, quân sự địa phương.

Theo Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy, trong năm 2024, trung bình mỗi tháng, các xã, phường, thị trấn tiếp nhận khoảng 16.000 hồ sơ; trong đó, tỉ lệ giải quyết trước hạn đạt 78%, giải quyết đúng hạn đạt xấp xỉ 22%. Kết quả khảo sát được tiến hành trong tháng 11/2024 cho thấy, có 97% số ý kiến đánh giá của người dân và doanh nghiệp hài lòng và rất hài lòng về quá trình giải quyết hồ sơ hành chính; 85% số ý kiến đánh giá cán bộ, công chức, viên chức thân thiện, dễ gần, hướng dẫn nhiệt tình, dễ hiểu…Ðồng chí Vương Quang Hưng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy đánh giá: Triển khai mô hình “Dân vận khéo" chính quyền phục vụ người dân và doanh nghiệp đã góp phần đổi mới mạnh mẽ lề lối làm việc của chính quyền cấp xã từ “mệnh lệnh hành chính” sang “phục vụ, hướng dẫn, vận động, thuyết phục”; nâng cao trách nhiệm, chuyên môn nghiệp vụ của công chức trong thực thi công vụ; xây dựng phong cách “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”. Từ đó, góp phần quan trọng tạo đồng thuận xã hội, đồng hành của Nhân dân, doanh nghiệp trong thực hiện, hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Nguyễn Quỳnh

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/chuyen-bien-tich-cuc-trong-cong-tac-phuc-vu-nguoi-dan-va-doanh-nghiep-3180206.html