Vietnam Airlines giải trình biến động lợi nhuận

Vietnam Airlines vừa có giải trình biến động lợi nhuận sau thuế năm 2024 đạt mức kỷ lục với gần 8.000 tỉ đồng

Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã chứng khoán: HVN) vừa công bố lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm 2024 đạt mức kỷ lục với 7.958 tỉ đồng. Đây là mức lợi nhuận cao nhất lịch sử hoạt động của hãng.

Đội máy bay của Vietnam Airlines

Đội máy bay của Vietnam Airlines

Tuy nhiên, đến ngày 31-12- 2024, nợ ngắn hạn của Tổng Công ty và các công ty con vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền là 39.822 tỉ đồng, khoản phải trả đã quá hạn của Tổng Công ty và các công ty con là 10.812 tỉ đồng và vốn chủ sở hữu âm 9.344 tỉ đồng.

Theo đại diện cơ quan kiểm toán, khả năng hoạt động liên tục của Tổng Công ty và các công ty con sẽ phụ thuộc chủ yếu vào việc tạo ra dòng tiền từ hoạt động sản xuất kinh doanh, khả năng được gia hạn thanh toán các khoản phải trả cho nhà cung cấp và bên cho thuê, cũng như khả năng thành công của đề án tái cơ cấu.

Những điều kiện này, cùng các vấn đề khác cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn tới nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Tổng Công ty và các công ty con.

Vietnam Airlines cũng vừa có giải trình biến động lợi nhuận sau thuế năm 2024 và biện pháp, lộ trình khắc phục tình trạng cổ phiếu HVN bị kiểm soát gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM.

Giải trình biện pháp, lộ trình khắc phục tình trạng HVN bị kiểm soát, đại diện Vietnam Airlines cho biết Tổng công ty đã hoàn thành Đề án tổng thể các giải pháp tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 để Tổng công ty sớm phục hồi và phát triển bền vững giai đoạn 2021-2035 báo cáo cấp có thẩm quyền. Tháng 11-2024, Quốc hội đã thông qua các giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn và phát triển bền vững cho Tổng công ty nêu trong đề án.

Theo đề án, trong năm 2024- 2025, Tổng công ty thực hiện đồng bộ các giải pháp để khắc phục tình trạng âm vốn chủ sở hữu hợp nhất như: Thực hiện đồng bộ các giải pháp để tăng cường thích nghi và kinh doanh có lãi; tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư tài chính để gia tăng thu nhập, dòng tiền.

Do ảnh hướng của dịch COVID-19 dẫn đến làm ăn thua lỗ, từ quý I/2022, cổ phiếu của Vietnam Airlines bị đưa vào diện kiểm soát do lỗ lũy kế, âm vốn chủ sở hữu.

Từ ngày 12-7-2023, cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines bị chuyển từ diện kiểm soát sang diện bị hạn chế giao dịch do chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán 2022.

Sau đó, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM đã có quyết định đưa cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines ra khỏi diện cảnh báo kể từ ngày 26-12-2023. Dù vậy, 2,2 tỉ cổ phiếu HVN vẫn đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết do kết quả sản xuất kinh doanh thua lỗ trong 3 năm liên tục, tổng số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp, vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét.

Năm 2023, hãng bay dù doanh thu lớn nhưng vẫn lỗ 5.632 tỉ đồng. Năm 2024 là năm đầu tiên Vietnam Airlines thoát lỗ với tổng doanh thu và thu nhập khác đạt 113.746 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt mức kỷ lục 7.958 tỉ đồng.

Dương Ngọc

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/vietnam-airlines-giai-trinh-bien-phap-khac-phuc-tinh-trang-co-phieu-bi-kiem-soat-196250401173027966.htm