Chuyển biến tích cực trong đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020, công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực. Từ năm 2016-2020, toàn tỉnh đã có 60.947 người được đào tạo nghề, tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 66% (đạt chỉ tiêu nghị quyết đề ra), trong đó tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ đạt 31% (vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra).

 Người lao động áp dụng kỹ thuật nuôi tôm để tăng năng suất - Ảnh: T.L

Người lao động áp dụng kỹ thuật nuôi tôm để tăng năng suất - Ảnh: T.L

Với dân số 632.375 người, nét đặc trưng trong cơ cấu dân số của Quảng Trị là dân số trẻ, trong đó, riêng dân số dưới 15 tuổi chiếm tỉ lệ 37,9%, đây là lực lượng lao động dự trữ dồi dào của tỉnh. Trong 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Quảng Trị đã áp dụng nhiều biện pháp để thực hiện tốt công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc tích cực, chủ động hơn. Các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nghề cho lao động nông thôn được xác định rõ trong các nghị quyết đại hội đảng các cấp; nghị quyết chuyên đề của HĐND các cấp; đề án, chương trình, kế hoạch của UBND các cấp. Đặc biệt, với việc phân cấp nguồn vốn hằng năm cho các địa phương làm chủ đầu tư đã phát huy hiệu quả tích cực, từ đó có sự tham gia chủ động và hiệu quả hơn của chính quyền địa phương trong công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm đối với lao động nông thôn được đẩy mạnh thực hiện.

Để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề, các hình thức đào tạo nghề cũng được đa dạng, bao gồm đào tạo tập trung tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đào tạo lưu động tại các thôn bản; đào tạo tại trang trại, đồng ruộng, nơi sản xuất, đào tạo kết hợp với doanh nghiệp… Cùng với đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn đã chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo hằng năm và giai đoạn, phối hợp với các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp để thực hiện tốt công tác tuyển sinh, đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Các lớp đào tạo nghề theo mô hình đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của lao động nông thôn đối với hoạt động đào tạo nghề. Các lớp học được các giáo viên đầu ngành về chăn nuôi, trồng trọt có kinh nghiệm, kiến thức chuyên sâu và giải đáp được những vướng mắc của học viên.

Đồng thời việc đào tạo nghề theo mô hình đã kết hợp tốt giữa việc học lý thuyết và thực hành tay nghề tại chỗ, đặc biệt vật tư thực hành được đầu tư, trang bị đầy đủ, đảm bảo việc thực hành thành thạo các kỹ năng cho từng học viên của lớp học, qua đó tạo sự hấp dẫn thu hút các học viên tham gia lớp học. Nhờ vậy các học viên đã nắm chắc và vững những kiến thức, kỹ năng nghề để vận dụng ngay trong hoạt động trồng trọt, chăn nuôi của hộ gia đình, nhiều hộ gia đình có nguyện vọng đang thực hiện việc mở rộng quy mô, diện tích nuôi trồng tại hộ. Bên cạnh đó, lao động tham gia học nghề còn được trang bị đầy đủ những kiến thức cơ bản theo từng ngành nghề được đào tạo, được trực tiếp tham gia vào quá trình thực hành, thực tế vận dụng vào phát triển sản xuất tại gia đình, được tư vấn nghề nghiệp, tìm kiếm việc làm hoặc tự tạo việc làm. Qua đó, có trên 70 % học viên sau khi học nghề có việc làm và biết vận dụng kiến thức đã học vào thực tế sản xuất kinh doanh tại địa phương, gia đình, góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

Việc lựa chọn các nghề điểm trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp, dịch vụ được xem là một cách làm hay góp phần tăng thu nhập, tăng tỉ lệ sử dụng thời gian lao động của lao động nông thôn. Đồng thời từng bước làm thay đổi phương thức sản xuất truyền thống, thúc đẩy việc đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nhằm phát triển kinh tế hộ, tăng thu nhập và giá trị sản phẩm hàng hóa ở khu vực nông thôn. Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình điểm đem lại hiệu quả kinh tế cao, tiêu biểu như mô hình trồng và chăm sóc cây ném trên cát tại các xã Hải Dương, Hải Quế, Hải Ba, Hải Hưng, Hải Định, thị trấn Diên Sanh (huyện Hải Lăng); mô hình trồng và chăm sóc các loại hoa ở xã Thanh An (huyện Cam Lộ); mô hình trồng sắn tại các xã vùng Lìa (huyện Hướng Hóa); mô hình sản xuất nón lá ở các xã Hải Tân, Hải Hưng (huyện Hải Lăng); mô hình nghề may công nghiệp, kỹ thuật chế biến món ăn...

Đặc biệt, thời gian gần đây, các nghề nông nghiệp theo hướng an toàn sinh học được lựa chọn xây dựng mô hình và nhân rộng như: Kỹ thuật nuôi tôm, trồng nấm, chăn nuôi gà, lợn, bò, trồng cây ăn quả… Sau khi được đào tạo các nghề trên, người lao động đã áp dụng trong phát triển kinh tế hộ gia đình đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần giảm nghèo bền vững, một số hộ còn vươn lên khá và giàu. Các mô hình hiệu quả đã được nhân rộng, tiêu biểu như: Cam K4 (huyện Hải Lăng), hồ tiêu Cùa (huyện Cam Lộ), dưa Vĩnh Tú (huyện Vĩnh Linh), nuôi gà thả vườn, nuôi tôm tại các xã vùng biển; nghề may công nghiệp tại các khu, cụm công nghiệp; kỹ thuật xây dựng, kỹ thuật chế biến món ăn tại các huyện Vĩnh Linh, Hải Lăng, Hướng Hóa.

Những kết quả đạt được trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn thời gian qua đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho 10.025 lao động. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm của tỉnh giai đoạn 2016-2020 đã hoàn thành tốt mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra. Để đạt được kết quả đó là nhờ sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành trong việc đưa ra đường lối đúng đắn, tạo thuận lợi với những cơ chế, chính sách, kết hợp với nhận thức và nỗ lực ngày càng cao của toàn xã hội về công tác đào tạo nguồn nhân lực, giải quyết việc làm. Đồng thời, mỗi người lao động đã xác định được vai trò quan trọng của việc học nghề để tìm việc làm và có thu nhập nên tỉ lệ lao động qua đào tạo đã tăng lên hằng năm. Đây là yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân trong tỉnh.

Thanh Lê

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=152913