Chuyển biến trong công tác dân số ở Lao Chải

Lao Chải là xã vùng III, biên giới của huyện Vị Xuyên, có 4 thôn, bản với 100% dân tộc Mông sinh sống. Mặc dù điều kiện KT – XH còn nhiều khó khăn, nhưng những năm gần đây, địa phương luôn chú trọng thực hiện tốt công tác Dân số - kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ), góp phần nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn.

Cán bộ Trạm Y tế xã Lao Chải tuyên truyền kiến thức về sức khỏe sinh sản cho người dân.

Cán bộ Trạm Y tế xã Lao Chải tuyên truyền kiến thức về sức khỏe sinh sản cho người dân.

Chủ tịch UBND xã Lao Chải, Mương Văn Lạc, cho biết: Với 100% dân số là đồng bào dân tộc Mông, người dân chủ yếu sản xuất nông, lâm nghiệp, nên trước đây trong đồng bào còn tồn tại không ít hủ tục như: Tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, nhiều gia đình quan niệm phải có con trai nối dõi tông đường, hoặc sinh đẻ nhiều để có người giúp đỡ việc nhà… Cấp ủy, chính quyền xã đã chỉ đạo các ngành, đoàn thể tăng cường phối hợp với Trạm Y tế xã đến tận các thôn, bản, hộ gia đình để tuyên truyền về Pháp lệnh Dân số tới nhân dân. Gắn công tác Dân số - KHHGĐ với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; cán bộ, đảng viên luôn gương mẫu, đi đầu trong thực hiện những chủ trương, chính sách về dân số. Cùng với đó, đưa công tác Dân số - KHHGĐ trở thành một trong những nhiệm vụ không thể tách rời trong phát triển KT – XH của địa phương. Với nhiều hình thức tuyên truyền, vận động, đến nay nhận thức của người dân về công tác dân số đã chuyển biến tích cực, người dân nhận thức rõ vai trò của mình trong thực hiện chính sách dân số của Đảng và Nhà nước, tỷ lệ gia đình sinh con thứ 3 trở lên giảm dần qua từng năm.

Theo chân cán bộ Trạm Y tế xã Lao Chải đến từng hộ trong một buổi tuyên truyền về Pháp lệnh Dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ, chúng tôi mới cảm nhận được những vất vả và sự nhiệt tình của các cán bộ y tế và cộng tác viên dân số trên địa bàn. Chị Hoàng Thị Thường, Trạm trưởng Trạm Y tế xã cho biết: Với phương châm “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà”, chúng tôi đã cùng các cộng tác viên tìm hiểu, nắm bắt hoàn cảnh của các gia đình, đặc biệt là các cặp vợ chồng trẻ mới kết hôn, hoặc những cặp vợ chồng sinh con một bề để đẩy mạnh tuyên truyền. Đồng thời, chú trọng tuyên truyền về chính sách Dân số - KHHGĐ đến những người có uy tín trong cộng đồng, trưởng các dòng họ để truyền tải đến nhân dân. Với đặc thù 100% dân số là dân tộc Mông nên chúng tôi đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền bằng tiếng địa phương để bà con có thể tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng, dễ hiểu, dễ nhớ nhất.

Cùng với việc đẩy mạnh truyền thông trên diện rộng, hàng năm, chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản - KHHGĐ cũng được địa phương thực hiện hiệu quả. Chủ động rà soát số lượng phụ nữ mang thai để vận động họ đến cơ sở y tế khám thai định kỳ cũng như thực hiện các biện pháp chăm sóc sức khỏe sinh sản cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ; tổ chức các đợt khám và cấp thuốc tại cộng đồng. Năm 2020, Trạm Y tế đã phối hợp tổ chức truyền thông trực tiếp được 14 buổi/1.850 lượt người nghe, truyền thông gián tiếp 145 lần, cấp phát 1.500 tờ rơi; hiện có trên 150 cặp vợ chồng đang sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại. Năm 2020, chỉ có 7 cặp vợ chồng sinh con lần 3 trở lên, tỷ lệ sinh con thứ 3 trên địa bàn đã giảm một cách rõ rệt. Trên 90% số người trong độ tuổi vị thành niên có kiến thức, hiểu biết về các vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ. Công tác sàng lọc trước sinh và sơ sinh nhằm làm giảm số phụ nữ có con bị dị tật, dị dạng bẩm sinh được tuyên truyền và thực hiện tốt…

Với sự vào cuộc một cách quyết liệt của cấp ủy đảng, chính quyền, ngành Y tế và các đoàn thể, công tác Dân số - KHHGĐ trên địa bàn xã Lao Chải đã có những chuyển biến tích cực. Nhận thức của nhân dân về chính sách dân số được nâng lên đáng kể, từ đó xóa bỏ các tập tục lạc hậu, hướng tới xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; góp phần nâng cao chất lượng dân số, thúc đẩy phát triển KT – XH trên địa bàn.

Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202012/chuyen-bien-trong-cong-tac-dan-so-o-lao-chai-769908/