Chuyển biến trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Tuy mới được bổ sung chức năng, nhiệm vụ đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn từ năm 2017 nhưng với kinh nghiệm hoạt động khuyến nông hơn 25 năm, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh đã nhanh chóng bắt nhịp, thực hiện đào tạo nghề nông nghiệp với tư cách cơ sở đào tạo.
Trao đổi với chúng tôi, ông Ninh Quý Tạo, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh cho biết: Giai đoạn hiện nay, sản xuất nông nghiệp đang có nhiều chuyển biến, hướng đến sản xuất theo chuỗi giá trị, đẩy mạnh liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, sản xuất ứng dụng công nghệ cao… Do đó, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng có sự thay đổi, xuất hiện nhiều nét mới, phù hợp với xu thế phát triển chung.
Để đào tạo nghề hiệu quả, bên cạnh việc làm tốt công tác tuyên truyền, trước khi mở các lớp đào tạo, trung tâm còn phối hợp với chính quyền địa phương nắm nhu cầu thực tế, giúp xác định nhóm nghề mà lao động muốn học và phù hợp với điều kiện của từng nơi. Ngoài ra, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn hiện nay được gắn với việc triển khai các mô hình, chương trình, dự án khuyến nông để người học có điều kiện tham gia trực tiếp, tự tạo việc làm sau đào tạo.
Đơn cử như lớp đào tạo nghề nuôi cá lồng bè nước ngọt tại xã Cốc Ly (huyện Bắc Hà). Bên cạnh nội dung lý thuyết được truyền tải, học viên còn được đi thực tế, thực hành tại mô hình hiện có trên địa bàn. Trước đó, việc triển khai nuôi cá tầm trên lòng hồ thủy điện Bắc Hà là một phần của Dự án “Xây dựng mô hình nuôi cá tầm, cá lăng, cá diêu hồng trong lồng bè đảm bảo an toàn thực phẩm tại một số tỉnh miền núi phía Bắc giai đoạn 2017 - 2019” do Trung tâm Khuyến nông quốc gia thực hiện. Sau một thời gian triển khai, dự án giúp người dân mở ra nghề mới là nuôi cá lồng ngay tại địa phương. Điều này đã tạo thuận lợi cho học viên tham gia lớp nghề khi được “học đi đôi với hành”.
Một nét mới trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn hiện nay là thông qua đào tạo nghề, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh có sự kết nối, liên kết giữa doanh nghiệp với người dân trong sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Có thể kể đến như nghề trồng dâu nuôi tằm tại xã Việt Tiến (huyện Bảo Yên). Năm 2019, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp phối hợp với UBND xã Việt Tiến và Hợp tác xã nông nghiệp - dịch vụ Tiến Đạt tổ chức lớp đào tạo nghề trồng dâu nuôi tằm cho 35 học viên là lao động liên kết với hợp tác xã. Hiệu quả đào tạo nghề được thể hiện rõ qua tỷ lệ tằm chết của các hộ được học nghề giảm 20 - 30%, chất lượng và năng suất kén được nâng lên, qua đó giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã cũng như tạo nguồn thu ổn định cho người dân địa phương.
Để công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đạt hiệu quả, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh luôn bám sát chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; quy hoạch vùng sản xuất cũng như những định hướng trọng tâm trong phát triển nông nghiệp của tỉnh. Ngoài đào tạo nghề cho an sinh xã hội, việc đào tạo nghề cho lao động trong vùng sản xuất nguyên liệu, vùng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, thành viên các hợp tác xã, đào tạo nghề nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cũng được chú trọng. Tuy mới tham gia đào tạo nghề trong 3 năm gần đây nhưng Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh đã đào tạo và cấp chứng chỉ nghề nông nghiệp cho hơn 700 lao động nông thôn. Trong đó có đào tạo nghề cho lao động trong vùng liên kết sản xuất chè tại huyện Bảo Yên và huyện Mường Khương; đào tạo lao động cho vùng liên kết sản xuất dược liệu tại huyện Bắc Hà; đào tạo cho thành viên hợp tác xã nông nghiệp tại huyện Bảo Yên và huyện Bảo Thắng; đào tạo nghề gắn với mô hình, dự án khuyến nông…
Những kết quả bước đầu trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn sẽ tạo động lực để Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, bên cạnh sự đổi mới trong khâu đào tạo, để công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn phát huy hiệu quả, cần sự quan tâm của các cấp chính quyền, sự phối hợp của các doanh nghiệp, hợp tác xã.