Chuyển biến trong thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW

Thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 6-6-2014 của Ban Bí thư (khóa XI) 'Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao' sau 5 năm (2014-2019) thực hiện, 2 huyện Nga Sơn và Thọ Xuân đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Đào tạo nghề may thời trang tại Trường Trung cấp Nghề Nga Sơn.

Tại huyện Thọ Xuân, việc đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo nhân lực có tay nghề cao được chú trọng theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực, tích hợp kỹ năng, phát huy tính chủ động sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học vào thực hành tay nghề, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, thị trường lao động. Đồng thời, trang thiết bị phục vụ thực hành cho người học được quan tâm đầu tư. Bên cạnh đó, huyện tăng cường mở rộng hợp tác với các cơ quan, tổ chức của tỉnh, Trung ương để được hướng dẫn về nghiệp vụ chuyên môn trong công tác đào tạo nguồn nhân lực. Tính đến hết năm 2019, đã đào tạo nghề cho trên 80.000 lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn huyện chiếm 69,7%, trong đó lao động qua đào tạo khu vực Lam Sơn - Sao Vàng đạt 71,2%.

Trong công tác xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, huyện Thọ Xuân tập trung nâng cao chất lượng giáo viên, đội ngũ cán bộ quản lý dạy nghề đào tạo nhân lực có tay nghề cao thông qua công tác tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng, cho đi học tập kinh nghiệm thực tiễn, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên... Trong 5 năm (2014-2019), huyện đã đào tạo, bồi dưỡng cho 460 lượt người, đào tạo nghề cho trên 73.000 lao động nông thôn, thu hút được 4 bác sĩ có trình độ đại học chính quy về công tác tại huyện. Ông Nguyễn Ngọc Thức, Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân, cho biết: Trên tinh thần nội dung của chỉ thị, xác định khâu tư tưởng, nhận thức là then chốt, cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là người đứng đầu xác định đúng vị trí, vai trò của công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao, qua đó, đã cổ vũ, khuyến khích động viên các tập thể, cá nhân tích cực tham gia đào tạo bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ. Để đạt hiệu quả trong thực hiện chỉ thị, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện đã liên kết với các đơn vị đào tạo nghề trong và ngoài tỉnh và đã thực hiện tốt việc áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Hàng năm có trên 3.000 lao động trên địa bàn huyện có việc làm mới, trong đó có từ 450 đến 500 người đi làm việc tại nước ngoài.

Tại huyện Nga Sơn, hàng năm, UBND huyện chú trọng rà soát, bổ sung quy hoạch, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực có tay nghề cao, bảo đảm về số lượng và cơ cấu nghề nghiệp, gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu sử dụng của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn, đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực. Đồng thời, nâng cao năng lực dự báo nguồn nhân lực có tay nghề cao thuộc các lĩnh vực ngành nghề, đặc biệt là đối với các ngành, lĩnh vực mũi nhọn của huyện nhằm định hướng lựa chọn nghề nghiệp cho người học. Trao đổi với chúng tôi, ông Nghiêm Xuân Hà, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Nga Sơn, cho biết: Định hướng đào tạo nhân lực có tay nghề cao phải trên nhu cầu thực tế và nguồn nhân lực của thị trường lao động, lấy tín nhiệm thị trường lao động đối với người học sau khi tốt nghiệp là tiêu chí để đánh giá uy tín, chất lượng của cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trong 5 năm qua, công tác đào tạo nghề ở Nga Sơn có những chuyển biến tích cực, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng dần hằng năm. Lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế của huyện đến năm 2019 là trên 87.000 người. Đối với đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong 5 năm đã mở được 33 lớp với 1.150 lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, không chỉ huyện Nga Sơn và Thọ Xuân mà nhiều địa phương khác trong tỉnh cũng đang gặp phải một số khó khăn, đó là chất lượng đào tạo của cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động nhất là đối với các lĩnh vực nghề đòi hỏi công nghệ, kỹ thuật cao. Trong khi đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy, thực hành nghề còn thiếu, lạc hậu... Do đó, để nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cao cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, ngành và hệ thống chính trị, coi đây là nhiệm vụ cấp bách và lâu dài để phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, phải tăng cường giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh khối THCS, THPT, giúp các em có định hướng nghề nghiệp phù hợp nhằm từng bước tạo nguồn nhân lực có tay nghề; xây dựng và phát triển đội ngũ công chức theo hướng chuyên nghiệp hóa, vững về chính trị, giỏi chuyên môn, sử dụng thành thạo tin học, có năng lực quản lý...

Bài và ảnh: Mai Phương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/chuyen-bien-trong-thuc-hien-chi-thi-so-37-ct-tw/116535.htm