Chuyện cá chép hóa rồng

Có nhiều cách kể câu chuyện sự tích cá chép hóa rồng. Và, đây là một cách kể chuyện thú vị.

Xưa có người học trò họ Lý nổi tiếng hay chữ. Cha mất sớm, nhưng người mẹ vẫn quyết tâm nuôi con ăn học, những mong sau này lấy chữ nghĩa làm chỗ dựa tinh thần, để tránh được nỗi gian hiểm cuộc đời. Nhưng khổ nỗi thân phận long đong về thi cử. Hai khóa thi đều hỏng, mẹ chỉ biết thương con.

Đến mùa đông, người mẹ trúng bệnh thương hàn, chả có thuốc nào chữa khỏi, bà cứ héo dần rồi mất.

Thư sinh thương mẹ lắm. Chàng lại lều chõng một khoa thi nữa. Nhưng cánh cửa lại khép chặt với chàng. Ai cũng tiếc.

Có người bảo ở một hòn đảo ngoài Biển Đông có ngôi chùa tục gọi Quang Nhãn tự, trên đó có vị đạo sĩ biết hết việc nhân gian. Ngài chu du đây đó, từ rừng ra bể. Nhưng mỗi năm người ta để ý ngài về đây một lần vào ngày hăm hai tháng chạp. Ai thật sự chân thành, có điều gì hỏi ngài, đều được phán bảo.

Chàng Lý khăn gói lên đường. Một ngày kia chàng nhỡ độ đường phải vào Thái Sơn trang nghỉ trọ. Quang cảnh khuôn viên đẹp đẽ từ trong ra ngoài, có vẻ một gia đình phong lưu khá giả. Để ý thấy hình như gia đình đang có điều gì buồn phiền. Hỏi ra mới biết Trang chủ năm nay đã ngoài tám chục tuổi, là người nhân hậu, có uy thế trong vùng, tiếc thay cụ bị bệnh lạ, đã hơn mười năm nay không nói được, chỉ nằm trên giường, ra hiệu cho con cháu. Cụ có cô con gái đã đến tuổi lấy chồng, nhưng từ chối các đám quan chức gần xa đến hỏi. Cô chỉ một niềm vì thương cha, nguyện ở nhà để sớm khuya chăm sóc. Có lần bị giục quá, cô nói cho qua chuyện: “Bao giờ cha khỏi bệnh, con mới đi lấy chồng”.

Cô gái ngỏ lời nhờ chàng hỏi giúp cha nàng bị bệnh gì mà bấy nhiêu thuốc được coi là thần dược, chưa một mảy may hiệu nghiệm?

Chàng Lý nhận lời, hướng phía Biển Đông đi tiếp. Một buổi chiều, chàng đến trước bờ biển. Mây giông cuồn cuộn, sóng to gió lớn. Còn đang lo sợ thì bỗng nổi lên một con cá chép rất to biết nói tiếng người, hỏi chàng:

- Có phải chàng định vượt biển ra Quang Nhãn tự không?

Mừng quá, người học trò bảo:

- Đúng rồi, nhưng vì đâu mà cá biết ?

Cá chép đáp:

- Chỉ có ai muốn đến gặp đạo sĩ mới tìm ra biển vào ngày cuối năm này.

- Vậy có cách nào cá giúp tôi không?

- Em sẽ chở chàng. Nhân tiện chàng hỏi thần giúp em câu này. Em vốn là rồng ở Đông cung, bị phạm lỗi nên bị phạt đầu thai kiếp cá. Em đã tu luyện hơn 100 năm nay vẫn chưa thoát kiếp luân hồi.

Chàng Lý nhận lời.

Quang Nhãn tự đã hiện ra trước mặt. Tuy là ở hạ giới, nhưng phong cảnh nơi này huyền ảo như cảnh tiên bồng. Chưa kịp định thần thì gió bay lồng lộng, ánh hào quang lóe lên và sừng sững là một đạo sĩ tay cầm phất trần trắng muốt, tiếng nói sang sảng:

- Có phải ngươi là nho sinh họ Lý không, ta cho phép được hỏi ba điều.

Nghe thế, chàng Lý sung sướng đến lúng túng, vái lạy thần hỏi lại:

- Dạ, ngài là vị thần chuyên giảng giải nỗi ẩn ức của muôn dân có phải không?

- Đúng vậy! Nào, thế còn hai điều nữa, ngươi hỏi đi! Ta rất bận.

- Thưa, tại sao trang chủ ở Thái Sơn trang người nhân từ phúc hậu, mắc bệnh lạ đã 10 năm nay không thầy thuốc nào chữa khỏi?

- Bao giờ gặp được tế tử, sẽ hết bệnh thôi.

Chàng Lý nhớ lời dặn cá chép, bèn hỏi:

- Dạ, thế cá chép bờ biển đã khổ công tu luyện 100 năm mà không hóa thành rồng?

- Là bởi trong bụng nó còn một hạt ngọc Bảo Linh. Phải tự vận công thổ ra, sẽ thanh thoát hóa giải...

Chàng học trò chưa kịp hỏi chuyện mình, vị thần đã cất tiếng cười sảng khoái:

- Thế là ta đã trả lời ngươi ba câu rồi nhé. Ta đi đây.

Rồi, một đám mây vàng từ lưng trời bay là là rồi hạ xuống trước mặt, vị thần nhẹ nhàng bước lên, chùm mây bay vút vào trời xanh.

Chàng Lý sửng sốt, bàng hoàng, lên đường trở về.

Cá chép đã chờ sẵn ở bờ biển. Cá chở người học trò đến bờ bên kia. Nó quẫy mạnh rồi nhẩy vọt lên cao, vận công há miệng nhè ra một viên ngọc óng ánh. Sóng nước reo cuồn cuộn, hơi nước phả ra ngào ngạt hương thơm. Cá tung tả vẫy vùng uốn mình vụt lên không trung, chớp mắt thành con rồng dài tới vài chục thước. Con rồng lượn ba vòng biến vào đám mây vàng rồi sà xuống trước mặt chàng Lý ân cần bảo:

- Từ đây về Thái Sơn trang, đường còn xa lắm, vượt núi trèo đèo gian khổ. Em sẽ giúp chàng trở về cho nhanh.

Chàng Lý ngồi trên lưng, ôm chặt cổ rồng, như người trong mơ. Chặng đường ngày ra đi, dài hàng vạn dặm, vậy mà hôm nay chưa kịp ngắm nhìn dưới đất đã thấy rồng sà xuống một chiếc đầm to.

- Từ biệt chàng đây, chẳng biết có gì tạ ơn chàng, có viên ngọc này tặng chàng làm kỷ niệm…

Nói rồi, con rồng lượn ba vòng trên cao như thể chào chàng Lý, rồi bay vút lẩn vào đám mây hồng...

Chàng Lý cứ ngẩn ngơ nhưng vừa đến Thái Sơn trang đã thấy con gái chủ nhà ra ngõ đón. Chàng vào thăm trang chủ. Thật lạ, người nhà bảo rằng, từ chiều hôm trước cụ ngồi dậy được và hết cả bệnh câm. Cụ cho người nhà gọi con gái đến ngồi bên chàng Lý, mà bảo rằng:

- Nay cha đã khỏi bệnh, con lấy chồng đi cho cha mừng. Rồi cụ bảo Lý :

- Đời ta chỉ có mụn con gái này. Nếu anh không chê thì ta gả nó cho, để giúp anh đèn sách?

Chàng Lý sung sướng, cô gái e lệ vâng lời. Chàng mang viên ngọc tặng cho vợ làm đồ sính lễ.

Thái Sơn trang hôm ấy rộn ràng như ngày hội. Mừng trang chủ khỏi bệnh, mừng đôi trai gái nên duyên.

Mùa xuân Giáp Thìn năm sau, triều đình có mở khoa thi, chàng Lý lên kinh, thi đỗ bảng vàng được vinh quy bái tổ.

KHÚC HÀ LINH

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/chuyen-ca-chep-hoa-rong-369190.html