Chuyển các bệnh viện Trung ương về Hà Nội: Cần dựa trên cơ sở khoa học và đánh giá tác động đầy đủ

Nếu đưa các bệnh viện tuyến Trung ương về Hà Nội quản lý, sẽ 'xóa' công tác chỉ đạo tuyến và các chương trình hỗ trợ chuyên môn cho tuyến dưới, đồng thời, gây khó cho công tác thanh toán bảo hiểm y tế.

Sau khi VietTimes đăng bài phỏng vấn GS.TS. Tạ Thành Văn - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Y Hà Nội - về lĩnh vực y tế trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), tòa soạn tiếp tục nhận được nhiều ý kiến gửi về trao đổi, nhất là về vấn đề chuyển giao các bệnh viện Trung ương sang Hà Nội quản lý.

Bởi trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có quy định Chuyển giao các bệnh viện thuộc bộ, cơ quan nhà nước ở Trung ương về TP. Hà Nội quản lý, trừ các bệnh viện thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; bệnh viện hạng đặc biệt; bệnh viện của các trường đại học y”. Quy định này đang thu hút sự quan tâm của dư luận, đặc biệt là trong ngành y tế.

Để tiếp tục đóng góp ý kiến về dự thảo Luật Thủ đô, VietTimes xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc ý kiến của một số lãnh đạo bệnh viện Trung ương trên địa bàn Hà Nội - những “người trong cuộc” - về vấn đề này:

PGS.TS.BS Phạm Tuấn Cảnh -Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương:

Hệ thống bệnh viện tuyến tỉnh sẽ trông chờ vào ai để hỗ trợ chuyên môn?

Việc đưa các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế về UBND Hà Nội quản lý là một sự thay đổi rất lớn, có tác động không nhỏ đến toàn bộ hệ thống y tế. Vì thế, phải có cơ sở khoa học cũng như phân tích lợi ích của việc này, đồng thời, đánh giá tác động của việc thay đổi đối với hệ thống y tế cả nước cũng như hệ thống y tế của Hà Nội ra sao. Bởi vì bất kỳ chính sách nào cũng phải dựa trên các nghiên cứu khoa học chính xác và đầy đủ. Nếu không thì hậu quả khôn lường. Nhất là, y tế là lĩnh vực có ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội, đến từng người dân.

PGS.TS.BS Phạm Tuấn Cảnh - Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương

Theo tôi, mô hình các bệnh viện chuyên khoa, đầu ngành trực thuộc Bộ Y tế bao năm nay vẫn đang vận hành tốt, thì sao cần thay đổi? Mà nếu thay đổi thì cần phải phân tích xem hệ thống cũ hạn chế điều gì, đồng thời, làm rõ mô hình mới sẽ mang đến những lợi ích gì cho ngành y tế, cho người dân?

Vả lại, nếu chuyển đổi cũng cần tổ chức thí điểm. Vì bất cứ vấn đề gì trước khi triển khai chính thức đều cần phải khảo sát, tiền trạm. Chúng ta đã có bài học về thí điểm tự chủ bệnh viện khi mới triển khai ở 2 nơi là Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K, nhưng không thành công. May là chưa áp dụng mô hình đó cho tất cả các bệnh viện, nếu không thì sẽ rất khó khăn.

PGS.TS.BS Phạm Tuấn Cảnh nội soi cho bệnh nhân

Trong bối cảnh hiện nay, ngành y đang gặp nhiều vướng mắc về cơ chế, nên vấn đề cần quan tâm là mở rộng cơ chế, để các bệnh viện phát triển ổn định, thay vì chuyển đổi các bệnh viện tuyến Trung ương về Hà Nội như dự Luật Thủ đô.

Hiện nay, chỉ có khoảng 30 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, chiếm rất ít trong tổng số các bệnh viện trong cả nước. Trên địa bàn Hà Nội cũng chỉ có khoảng 15 bệnh viện. Nhưng mô hình hiện nay phù hợp với tình hình của Việt Nam. Bộ Y tế triển khai các chính sách, các hoạt động khoa học kỹ thuật thông qua các bệnh viện tuyến Trung ương.

Bên cạnh đó, các bệnh viện thuộc Bộ Y tế còn được giao nhiệm vụ chỉ đạo tuyến, 1816, chuyển giao kỹ thuật … Nếu chuyển các bệnh viện tuyến Trung ương về UBND TP Hà Nội, thì sẽ xóa bỏ các chức năng đó và hệ thống bệnh viện tuyến tỉnh sẽ trông chờ vào ai để hỗ trợ chuyên môn?

PGS.TS. BSCC. Vũ Xuân Phú - Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Phó Trưởng ban Điều hành – Chương trình Chống Lao Quốc gia:

Ngành y tế Hà Nội làm sao lo được cho các bệnh viện tuyến Trung ương

Nghị quyết 19 của Trung ương đã định hướng đúng, đặc biệt về phát triển lĩnh vực y tế, tuy nhiên, việc triển khai Nghị quyết vào thực tiễn lại là vấn đề cần quan tâm.

Việc tham khảo mô hình quản lý các đơn vị sự nghiệp y tế của các nước là cần thiết, nhưng phải áp dụng phù hợp với điều kiện của Việt Nam về địa lý, xã hội cũng như quy mô dân số và mô hình bệnh tật.

Việc di dời các bệnh viện lớn ra khỏi nội đô là hợp lý. Nhưng việc chuyển các bệnh viện tuyến Trung ương về UBND TP Hà Nội quản lý theo địa bàn cần phải tham khảo Luật khám, chữa bệnh, vì Luật và quy chế tổ chức hoạt động đã quy định chức năng, nhiệm vụ của bệnh viện tuyến Trung ương. Vai trò của tuyến và hạng bệnh viện rất quan trọng, tất nhiên không ảnh hưởng đến tiếp cận dịch vụ y tế, dịch vụ khám, chữa bệnh của nhân dân.

PGS.TS. BSCC. Vũ Xuân Phú - Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Phó Trưởng ban Điều hành – Chương trình Chống Lao Quốc gia

Về tổ chức mạng lưới, đa phần các bệnh viện chuyên khoa đều có bệnh viện Trung ương và tuyến tỉnh, như chuyên khoa phổi và hô hấp có 49 bệnh viện tuyến tỉnh và 3 bệnh viện tuyến Trung ương. Hầu hết các tỉnh đều có bệnh viện chuyên khoa. Hà Nội cũng có các bệnh viện chuyên khoa: Phổi, da liễu, tim mạch, sản phụ khoa như tuyến Trung ương, nhưng các bệnh viện đa khoa tuyến Trung ương có các chuyên khoa mũi nhọn đẳng cấp vượt bậc của Trung ương, như Bệnh viện E có can thiệp tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai có hồi sức cấp cứu, chống độc.

Với hệ thống địa lý, quy mô dân số của Việt Nam, mô hình tổ chức hoạt động của các bệnh viện tuyến Trung ương như hiện nay là hoàn toàn phù hợp. Nên chăng, nghiên cứu thành lập các trung tâm y tế chuyên sâu, khu vực,…

Ngoài khám, chữa bệnh, các bệnh viện tuyến Trung ương, chuyên khoa còn chức năng tham mưu cho Bộ Y tế về xây dựng danh mục kỹ thuật theo chuyên khoa để áp dụng cho cả hệ thống, tham mưu, xây dựng cơ chế thanh toán bảo hiểm y tế; nghiên cứu khoa học, ứng dụng KH&CN, chỉ đạo tuyến, đào tạo và chuyển giao kỹ thuật, công nghệ, triển khai các kỹ thuật mới xuống đến bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố.

Các bệnh viện tuyến Trung ương còn có nhiệm vụ hợp tác quốc tế, mà chỉ các bệnh viện chuyên khoa đầu ngành mới đủ vai trò, vị thế và thẩm quyền để kêu gọi nguồn lực, hợp tác quốc tế, trao đổi và tiếp nhận những thành tựu khoa học, nguồn lực cho chuyên khoa, chương trình quốc gia. Chỉ các bệnh viện Trung ương mới đủ thẩm quyền, khả năng chuyên sâu để rà soát, tham mưu, trình hoặc phê duyệt các đề tài hợp tác theo chuyên ngành.

Ngoài ra, các bệnh viện Trung ương còn có nhiệm vụ, khả năng huy động và hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới trong phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm nhóm A, như giai đoạn dịch Covid-19.

Thủ đô Hà Nội cũng đã nhận được sự hỗ trợ như vậy ngay trong cả phòng chống dịch và tổ chức tiêm chủng. Nếu các bệnh viện Trung ương thuộc Hà Nội, sẽ khó có thể điều hành và huy động tổng lực để phòng, chống dịch nhóm A trên phạm vi rộng như khi đại dịch Covid-19 xảy ra.

Nhiều bệnh viện chuyên khoa phục vụ cả khám, chữa bệnh và điều hành các chương trình quốc gia như Bệnh viện Phổi Trung ương, phải đủ vị thế, vai trò để điều hành Chương trình Quốc gia, kêu gọi và thực hiện các chương trình quốc gia như Chương trình Quốc gia phòng chống lao.

Mô hình hiện nay, tham mưu cho Bộ trưởng có các cục, vụ để quản lý ngành, nếu chuyển các bệnh viện thuộc Bộ Y tế về Hà Nội, thì Sở Y tế Hà Nội chỉ với quy mô tổ chức, biên chế như hiện nay thì khó quản lý được về số lượng và quy mô các bệnh viện lớn, trong khi Sở Y tế Hà Nội còn nhiều nhiệm vu quản lý nhà nước khác với y tế công và y tế tư nhân trên địa bàn.

Các bác sĩ tuyến trung ương hỗ trợ tuyến dưới về chuyên môn để phục vụ nhân dân

Trong khi hiện Sở Y tế Hà Nội quản lý các cơ sở y tế tuyến huyện, 42 bệnh viện công, hàng vài chục bệnh viện tư, hàng ngàn phòng khám, nhà thuốc tư nhân đã quá tải, mà nay còn quản lý thêm gần 40 bệnh viện tuyến Trung ương trên địa bàn thì làm sao đảm nhiệm nổi?

Chưa kể, việc mua sắm đấu thầu tập trung, thì làm sao Sở Y tế Hà Nội lại có thể lo cho các các bệnh viện tuyến Trung ương được nếu các bệnh viện tuyến Trung ương thuộc Hà Nội quản lý? Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội sẽ làm sao phê duyệt hết các đề tài, chương trình của các bệnh viện tuyến Trung ương mà lãnh đạo các bệnh viện này hầu hết là các chuyên gia đầu ngành, có uy tín không chỉ trong nước mà còn cả quốc tế?

PGS.TS. Nguyễn Mạnh Khánh - Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức:

Hợp tác quốc tế theo tư cách bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế sẽ có tầm quốc gia

Theo tôi, mỗi bệnh viện, mỗi tuyến có chức năng, nhiệm vụ khác nhau. Các bệnh viện tuyến Trung ương như Việt Đức, Bạch Mai, Nhi Trung ương Phụ sản Trung ương ... không chỉ có vai trò chỉ đạo chuyên môn ở địa bàn Hà Nội, mà còn chỉ đạo tuyến cả ngành y tế.

Vì thế nếu đưa về Hà Nội, thì việc chỉ đạo tuyến cho các tỉnh, nhất là các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới sẽ bị hạn chế rất nhiều - đây là điều mà chúng tôi rút ra từ thực tế đi chỉ đạo tuyến cho các vùng miền.

PGS.TS. Nguyễn Mạnh Khánh - Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

Nếu là bệnh viện của Hà Nội thì chức năng của họ sẽ chỉ hỗ trợ các bệnh viện quận, huyện, chứ nếu sang các tỉnh thì ngang cấp các bệnh viện tỉnh, nên việc giúp các tuyến sẽ khó khăn hơn.

Khi các tỉnh chuyển bệnh nhân về, thì các bệnh viện tuyến Trung ương sẽ giúp được nhiều hơn và từ Trung ương chi viện cho các tuyến tốt hơn, đồng thời, việc điều động, chi viện cho các tuyến dưới do Bộ Y tế chỉ đạo trực tiếp sẽ thuận lợi hơn rất nhiều: Vụ sập cầu Chu Va, Bệnh viện Việt Đức cũng được điều lên chi viện cho địa phương, hay khi dịch COVID-19, Bệnh viện Việt Đức cũng vào thành lập Bệnh viện dã chiến Bình Chánh ở TP.HCM.

Còn về khám, chữa bệnh, chức năng nhiệm vụ của bệnh viện thuộc Hà Nội sẽ chỉ giúp cho người dân Hà Nội, cùng lắm là các tỉnh lân cận. Trong khi theo phân tuyến của Bộ Y tế, các tỉnh có thể chuyển thẳng về Bệnh viện Việt Đức.

Riêng việc khám, chữa bệnh cần tách bạch giữa các bệnh viện Trung ương với địa phương như vậy.

Khi bệnh nhân các tỉnh về Hà Nội sẽ chồng chéo, nguy cấp, khó cho việc thanh toán bảo hiểm y tế vì là ngang cấp tỉnh, còn nếu về bệnh viện Trung ương sẽ tốt hơn.

Thực tế thống kê cho thấy, ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, tỉ lệ bệnh nhân ở Hà Nội chỉ một phần, còn chủ yếu ở các tỉnh và đều là những ca khó, nặng. Ngay cả bệnh nhân nặng, khó ở chính các bệnh viện Hà Nội cũng chuyển đến đây. Do đó, khám, chữa bệnh nên giữ mô hình trực thuộc Bộ Y tế như hiện nay sẽ phát huy tốt hơn.

PGS.TS. Nguyễn Mạnh Khánh trong một ca phẫu thuật hỗ trợ cơ sở y tế vùng cao

Bên cạnh công tác khám, chữa bệnh và chỉ đạo tuyến, các bệnh viện tuyến Trung ương còn có nhiệm vụ đào tạo gắn với các trường đại học; các chương trình đào tạo theo chỉ đạo của Bộ Y tế cho tuyến dưới như 1816, bệnh viện vệ tinh, rất nhiều chương trình lớn, mà nếu đưa về Hà Nội thì sẽ khó thực hiện được.

Vì các bệnh viện Trung ương có mật độ chất xám cao, các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, các chuyên khoa đầu ngành nên thuận lợi trong đào tạo. Nếu chỉ bó buộc trong Hà Nội sẽ khó, vì các tỉnh đều có các trường đại học ở địa phương, nên nếu đưa bệnh viện tuyến Trung ương về Hà Nội, thì sẽ không phát huy được chất xám của đội ngũ thầy thuốc, các chuyên gia đầu ngành trong đào tạo từ sự phối hợp giữa các bệnh viện Trung ương với các trường.

Các bệnh viện Trung ương còn có nhiệm vụ hợp tác quốc tế, nên nếu hợp tác theo tư cách trực thuộc Bộ Y tế thì sẽ có tầm hơn. Ví như Chính phủ Pháp hợp tác y tế với Việt Nam qua Chính phủ, dưới đó là Bộ Y tế và các bệnh viện Trung ương, thì tiếng nói có trọng lượng hơn và mang tầm quốc gia, với đầu mối là các bệnh viện đầu ngành, rồi từ đó lan tỏa xuống các tuyến dưới. Còn nếu bệnh viện thuộc Hà Nội, thì Chính phủ các nước hay tổ chức quốc tế có giúp gì, cũng sẽ chỉ giúp trong địa bàn của Hà Nội.

Trong dự phòng, bệnh viện tuyến Trung ương có tầm bao quát, tầm phủ sóng lớn hơn và đủ sức chi viện cho những nơi yếu kém.

Với những phân tích trên, căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ hiện tại của các bệnh viện tuyến Trung ương, tôi ủng hộ giữ nguyên mô hình hiện tại./.

Thanh Hằng

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/chuyen-cac-benh-vien-trung-uong-ve-ha-noi-can-dua-tren-co-so-khoa-hoc-va-danh-gia-tac-dong-day-du-post168931.html