Chuyện cái biển tên
Không phải chỉ ở ngoài đường người ta mới hay hỏi nhau: 'Có biết tôi là ai không?' mà trong nhiều công sở thay vì để hỏi câu đó, người ta làm những cải biển tên. Đó là một câu chuyện về sự chống lãng phí mà tác giả Phạm Quang Vinh chia sẻ.
Hôm trước, tôi đến thăm một người bạn, anh ấy vừa nhận thêm một trọng trách mới (nói theo cách thông thường của chúng ta là có thêm sự thăng tiến trong công việc ở một cơ quan nhà nước). Bên cạnh việc chuyển đổi phòng làm việc, với một cái biển tên được treo trên cửa phòng, thì ngay trên bàn làm việc anh ấy ngồi, có thêm một cái biển bằng đồng có đề tên, chức danh, chức vụ.
Tôi hỏi: “Cái biển này để làm gì? Vì nếu có khách vào làm việc, đi đến cửa phòng, họ đã biết là sẽ vào phòng để gặp ai và để làm gì, vì tên và tên chức danh đã được ghi rõ ngoài cửa rồi?!”. Bạn tôi lúc đầu cũng hơi e ngại, nhưng sau đó anh ta trả lời tôi rằng: “Thì đó là một thông lệ rồi!”.
Tôi hỏi tiếp: “Vậy thông lệ này có từ bao giờ?”.
Tôi chưa cần ngay câu trả lời, bởi thực ra, tôi cũng không xa lạ với chuyện này. Tôi từng đến nhiều nơi, gặp nhiều người, tham dự nhiều cuộc họp và dễ dàng thấy rằng, các biển tên trong các cuộc họp nó thường có những tác dụng nhất định.
Về mặt lễ tân, biển tên giúp chúng ta biết đó là ai, ngồi ở đâu, nhằm chuẩn bị chỗ ngồi của mọi người không lộn xộn, hoặc người này không ngồi vào chỗ người kia.
Với những người khác, đôi khi họ không biết hết thành phần cuộc họp có những ai, nên có thể dễ dàng nhận biết nhờ những cái biển tên trước mặt.
Nhưng với những cái biển tên bằng đồng, đôi khi được mạ vàng hoặc được thiết kế rất tinh xảo, kỹ lưỡng ở trong các phòng làm việc thì lại khác.
Nếu nói hơi quá thì nó giống như những thẻ bài trên hương án của quan lại trong chính quyền phong kiến trước đây. Nhưng nếu nói một cách nghiêm túc, đó là một biểu hiện của sự lãng phí, xa hoa không cần thiết.
Việc tinh giản, tiết kiệm, hiệu lực, hiệu quả, tôi nghĩ phải bắt đầu từ những việc nhỏ như vậy. Bởi chi phí để làm một cái biển tên tuy không lớn, nhưng phần lớn đó là chi phí được lấy ra từ hoạt động của các cơ quan công quyền, nơi hiện nay đang phải ưu tiên cho việc tiết kiệm.
Khi chính quyền phải bỏ thêm tiền để làm những cái biển tên như vậy, tôi cho rằng không cần thiết, vì nó không mang lại một giá trị, một sự hiệu quả nào. Đâu đó, nó chỉ thể hiện mong muốn giới thiệu chức danh, quyền lực của những người ngồi sau cái biển tên đó mà thôi.
Một lúc nào đó, hi vọng sẽ phải có một ai đó có thể dũng cảm để nói rằng: “Tôi có thể nhận trách nhiệm, nhưng tôi đề nghị đừng làm cái biển tên như thế cho tôi”. Hoặc sẽ có một ai đó, trong một cuộc họp nào đó đề nghị nên làm các biển tên một cách khiêm nhường, thuận tiện và tiết kiệm hơn. Từ hành động tiết kiệm trong những việc nhỏ như vậy, tôi nghĩ sẽ đi đến tiết kiệm những cái lớn hơn.
Và rõ ràng, những chuyện nhỏ như vậy sẽ đóng góp rất lớn cho việc chi tiêu tiết kiệm của các cơ quan công quyền, cũng như sẽ đóng góp cho hình ảnh của các cơ quan công quyền trong mắt của nhân dân và công chúng.
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/chuyen-cai-bien-ten-post1148311.vov