Chuyện cái 'mồm sắt' ở quê tôi

Người dân quê tôi thường gọi cái loa truyền thanh bằng danh từ rất dân dã: cái 'mồm sắt'. Lúc đầu gọi nghe có phần châm biếm, cợt nhả, nhưng nghe dần thành quen, giờ không ai nhớ đúng 'tên cúng cơm' của nó là loa truyền thanh nữa mà đã thân thuộc với tên gọi 'mồm sắt'.

Ảnh minh họa (Nguồn: Báo NLĐ).

Ảnh minh họa (Nguồn: Báo NLĐ).

Khoảng 10 năm về trước, hệ thống “mồm sắt ” quê tôi chỉ được bố trí ở các cụm đường chính. Mỗi thôn cùng lắm là được một cụm loa. Loa hướng bên Đông thì bên Tây chả nghe gì. Hoặc dăm bữa nửa tháng cái loa tậm tịt chưa kịp sửa thì cả thôn chẳng ai nắm được thông tin gì hết. Ngày đó “mồm sắt” chỉ có chức năng chủ yếu là tiếp âm các đài Trung ương, tỉnh, huyện. 5 giờ sáng, loa phát bản nhạc hiệu thể dục buổi sáng của Đài Tiếng nói Việt Nam, cũng là đánh thức người dân dậy, chừng 1 tiếng là hết các chương trình.

Từ khi có chương trình xây dựng Nông thôn mới, Nông thôn mới nâng cao, Nông thôn mới kiểu mẫu, hệ thống “mồm sắt” được giăng mắc khắp nơi, mỗi thôn 3-4 cụm loa, riêng tại Nhà văn hóa thôn thường có 1 cụm loa chính, 4 loa đấu đuôi vào nhau chĩa ra 4 phương 8 hướng, âm thanh rền vang, lảnh lót suốt từ 5 giờ cho đến 6h30 sáng. Ngoài tiếp âm các đài, “mồm sắt” còn thông báo tin buồn, tìm giấy tờ rơi, tìm gia súc lạc, thông báo lấy lương, nộp tiền điện, quét dọn vệ sinh, họp thôn… Từ khi có “mồm sắt” cấp thôn, các bác bí thư, thôn trưởng phấn khởi lắm, sử dụng hết công năng với “hầm bà lằng” những nội dung thông báo. Và người dân giờ cũng đã quá quen với những nội dung hằng ngày của “mồm sắt”. Một ngày không có nội dung thông báo gì lại nhao nhác hỏi nhau “Mồm sắt hôm nay bị ốm rồi à các ông bà?”.

Tiện dụng là vậy, nhưng xung quanh câu chuyện về “mồm sắt” quê tôi cũng có những chuyện “dở khóc, dở cười”. Ấy là chuyện bà chi hội trưởng Chi hội Khuyến học ra đọc thông báo về nội dung trao thưởng cho học sinh giỏi. Rồi do nội dung ngắn quá hoặc do cái míc mới âm “mượt” quá - mà sau khi đọc xong thông báo, bà chi hội trưởng xin phép đọc một bài thơ. Được cái chất giọng không hay nhưng sự nhiệt tâm bà có thừa, nên khi đọc xong bài thơ, bà lại xin hát 1 bài nữa…Trong lúc bà đang ngân vang câu hát “Phận là con gái, chưa một lần yêu ai…” thì một chị có con nhỏ tất tả chạy lên phòng đài xin phép bà dừng giọng oanh vàng cho con chị ngủ, bà chi hội trưởng khuyến học đành dừng lại trong niềm tiếc nuối.

Lại thêm chuyện bà trưởng thôn và bà chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ lên thông báo cho chị em trong thôn tham gia “Ngày hội hạnh phúc”, thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình. Đọc xong thông báo, hai bà quay ra buôn chuyện, mải quá quên cả tắt míc, thế là câu chuyện của hai bà cứ thế rì rầm trên loa, từ chuyện con lợn nái nhà đẻ được lứa chục con đến chuyện con dâu bà đặt vòng tránh thai mà vẫn chửa… Tội thân chị con dâu mấy ngày sau đi ra đường cứ thèn thẹn, chả dám nhìn ai.

Nói gì thì nói, cái “mồm sắt” quê tôi vẫn đang hằng ngày hiện hữu trong nếp sinh hoạt của người dân quê. Và nếu ai đó có phải xa quê một thời gian, chắc nhớ nhung nhất vẫn là cái “mồm sắt” ấy.

Lê Hiếu

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/chuyen-lang-chuyen-pho/chuyen-cai-mom-sat-o-que-toi/25868.htm