Chuyện chữ 'T' của Nhà báo Trần Ngọc Hy

Nhà báo Trần Ngọc Hy, người Cà Mau, tham gia kháng chiến chống Pháp ở tỉnh Bạc Liêu xưa. Ông viết chuyện vui chữ 'T' đăng báo 'RÙM', tức rừng U Minh - tờ báo tường nội bộ cơ quan Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ, đóng ở Chiến khu U Minh trên đất Cà Mau thời 9 năm kháng Pháp, khoảng 1949-1950.

Nhà báo Trần Ngọc Hy.

Nhà báo Trần Ngọc Hy.

Bước sang giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Nhà báo Trần Ngọc Hy trên đường công tác chẳng may bị giặc quận Ðầm Dơi bắn hy sinh vào ngày 26/10/1957.

Người duy nhất thuộc chuyện chữ “T” này là anh Hai Bình, tên thật Trần Văn Nam, tức Họa sĩ Văn Bình, sinh năm 1931, quê Cái Tàu, huyện Trần Văn Thời cũ, nay là huyện U Minh.

Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, nhiều cơ quan của Xứ ủy Nam Bộ về đóng ở xã Nguyễn Phích, nhiều trường học được mở để xóa dốt trong dân. Anh Hai Bình có điều kiện tiếp xúc với những anh cán bộ có trình độ học vấn và biết đôi chút về mỹ thuật. Năm 16 tuổi, anh vào làm liên lạc ở Nha giáo Nam Bộ, nhiệm vụ chính là đi gửi những công văn, thư từ của Nha đến các đơn vị, cơ quan, trường học trong xã; vừa làm anh vừa học bổ túc văn hóa và là người rất tích cực tham gia làm báo tường cơ quan...

Cuối năm 1951, Sở Thông tin Nam Bộ mở khóa hội họa đầu tiên, thấy anh có khiếu vẽ nên cơ quan cử anh đi học, thời gian 6 tháng. Người thầy của anh là Họa sĩ Nguyễn Cao Thương chỉ dạy tận tình, trang bị cho anh những kiến thức cơ bản về hội họa. Sau khóa học, anh trở về xã Nguyễn Phích làm công tác thông tin.

Năm 1958, anh bị giặc bắt giam ở Khám lớn Cà Mau. Gần nửa năm trời không tìm được chứng cứ, chúng đưa anh qua trại cải tạo. Anh trốn trại về xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, rồi về tỉnh Cà Mau.

Năm 1962, anh tham gia công tác ở Tiểu ban Báo chí Văn Nghệ thuộc Ban Tuyên huấn tỉnh. Năm 1965, anh được cử đi học lớp hội họa trên “R”, lặn lội theo đường giao liên xa lắc từ Cà Mau, vượt sông rạch, băng đồng “chó ngáp” lên tận miền Ðông Nam Bộ.

Thời gian học ít nhưng di dời cứ chống địch thì nhiều. Là học trò của hai ông thầy mỹ thuật tài hoa như Thái Hà, Huỳnh Phương Ðông, anh trở thành họa sĩ nổi tiếng ở Cà Mau thời kháng chiến. Họa sĩ Văn Bình là tác giả của 80 bức tranh ký họa đường nét màu sắc sinh động, nhiều bức tranh cổ động, tranh chuyện hấp dẫn phục vụ đồng bào thời kháng chiến. Ông trình bày nhiều bức tranh, hình ảnh minh họa và nhiều tranh bìa theo chủ đề Tạp chí Văn nghệ Lúa Vàng với hình ảnh rất đặc trưng, được nhiều độc giả thời kháng chiến còn nhớ rõ biểu trưng cây đước cách điệu dưới góc trái hoặc phải bìa Tạp chí Lúa Vàng.

Anh Hai Bình qua đời cuối năm 2013 tại Bạc Liêu, Huy hiệu 50 năm tuổi Ðảng, thọ 82 tuổi.

Năm 1973, Tiểu ban Văn nghệ Cà Mau và bộ phận Hội họa của tỉnh đóng xung quanh vàm kênh Ba Khôn, trên bờ sông Giáp Nước. Cũng năm 1973, Ban Tuyên huấn tỉnh Cà Mau từ vàm Khâu Bè chuyển vô đóng ở Rạch Láng, hai lần tổ chức hội nghị đông đủ các tiểu ban, các bộ phận trực thuộc Ban Tuyên huấn đóng ở Giáp Nước, xã Phú Mỹ A, huyện Cái Nước (nay là xã Phú Thuận, huyện Phú Tân). Hai cuộc họp cách nhau nửa năm, một cuộc dịp gặp gỡ cuối năm 1973 và một cuộc giữa năm 1974. Anh Hai Bình được giới thiệu đóng góp tiết mục văn nghệ. Vì không có khiếu ca hát nên anh Hai đứng lên nói vài lời rồi xin đọc chuyện chữ “T” của Nhà báo Trần Ngọc Hy.

Hàng trăm người ngồi nghe thích thú. Tôi may mắn có mặt dự cả hai lần họp, lần đầu nghe hấp dẫn, cố gắng nhớ và đến nghe lần hai đã thuộc cơ bản chuyện vui chữ “T” này vừa hay, vừa lạ! Nhưng vẫn còn khoảng hơn mười chữ “T” nữa tôi không tài nào nhớ nổi...

Nhà báo Trần Ngọc Hy, tên của ông được đặt cho nhà in tỉnh Cà Mau suốt thời kháng chiến chống Mỹ - Xí nghiệp in Trần Ngọc Hy. Sau ngày toàn thắng 30/4/1975, thời sáp nhập tỉnh Minh Hải, vẫn là Nhà in Trần Ngọc Hy cho đến 20 năm sau chia tách trở lại tỉnh Cà Mau, tỉnh Bạc Liêu vào năm 1997. Từ đó đến nay, dù thành lập công ty, hoạt động theo cơ chế thị trường, vẫn không đổi tên - Công ty Cổ phần Dịch vụ in Trần Ngọc Hy Cà Mau.

Ở Phường 8, TP Cà Mau, có một phố mang tên Trần Ngọc Hy (gần với đường Lê Anh Xuân, đường Nguyễn Mai - là những nhà báo, nhà thơ nổi tiếng). Nhà báo Trần Ngọc Hy được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân vào năm 2011. Tên ông được đặt cho giải báo chí hằng năm của tỉnh - Giải báo chí Trần Ngọc Hy.

Năm 1998, sau phim tài liệu về Nhà báo Nguyễn Mai, Hội Nhà báo tỉnh Cà Mau phối hợp với Ðài VTV Cần Thơ làm phim tài liệu về Nhà báo Trần Ngọc Hy, do Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Trung Hiếu thực hiện kịch bản và đạo diễn. Họa sĩ Văn Bình được mời là nhân chứng đọc chuyện vui này. Do thời gian quá lâu - hơn nửa thế kỷ sau, cho dù có chuẩn bị, ghi ra tập giấy để nhìn đọc, nhưng thật tiếc, anh Hai Bình quên khá nhiều, chỉ còn nhớ chưa được phân nửa câu chuyện mà anh từng thuộc lòng và đọc làu làu trôi chảy ở thời gian 25 năm trước đó, tức vào năm 1973-1974.

Sau đây là chuyện vui toàn chữ “T” của Nhà báo Trần Ngọc Hy viết từ thời kháng chiến chống Pháp ở Cà Mau:

Thông tin tuyên truyền tụi tôi thành thật tôn trọng thánh thất... thích tin tức thiết thực, tiếp tục tẩy trừ tụi tham tàn.

Tuy trẻ tuổi, tánh tình tụi tôi thật thà, thẳng thắn. Tháng Tám, tụi tôi thấy tám thằng Tây trôi trên Trèm Trẹm thúi thấu trời. Thừa tình thế, tụi tôi tiến tới thâu thập tin tức. Thì tụi tôi thấy tám thằng Tây to tướng, tức tốc tụi tôi thảy “tùm lum”, tám tiếng... Tám thằng té tắt thở... tụi tôi thì trượt té trầy thịt, tệ thiệt!

Tức tốc, tin truyền tới tận thôn Tân Thành.

Thầy Tư tôn tụi tôi thần thánh, tóm tắt tặng tụi tôi thành tích... tụi tôi thoái thác.

Thím Tư thì thập thà thập thưỡi thương thích tụi tôi. Thím thết tiệc tụi tôi: Thịt trâu, thịt trăn, thịt trúc, thịt trích, thịt trau trảu... thêm tiêu tỏi thiệt thơm...

Trong trời tươi thăm thẳm, thấy tinh thần trẻ trung tình tứ tuyệt. Tụi tôi tóm tắt thuật tặng trên tờ tin tức tuần tới...

Cái Nước, tháng 6/2024

Nguyễn Minh

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/chuyen-chu-t-cua-nha-bao-tran-ngoc-hy-a33110.html