Chuyện chữa bệnh cứu người ở vùng biên giới Tây Giang
PTĐT - Đã bước sang năm thứ 11 kể từ ngày Trạm quân dân y kết hợp Axan (nay là Phòng khám đa khoa quân dân y kết hợp Axan) được khánh thành và đi vào hoạt động.
Nhờ sự tận tâm, tận lực của y, bác sĩ mà hàng nghìn lượt bệnh nhân ở các xã vùng cao biên giới huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam cũng như các bản giáp biên của huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông, Lào đã được khám, chữa bệnh miễn phí, được tiếp cận với các loại hình dịch vụ y tế hiện đại, được chăm sóc sức khỏe ngày một tốt hơn, dần xóa bỏ những hủ tục lạc hậu.Rất dễ để nhận ra Phòng khám đa khoa quân dân y kết hợp Axan bởi đó là dãy nhà khang trang trong khuôn viên hơn 400m2 nằm sát quốc lộ đi qua trung tâm xã Axan, huyện Tây Giang. Phòng khám được biên chế 10 y, bác sĩ, 8 giường bệnh và nhiều thiết bị y tế hiện đại nên không khác gì một “bệnh viện thu nhỏ”. Tiếp chúng tôi là Trung tá Lê Đức Mạnh, bác sĩ chuyên khoa 1, Trưởng phòng khám đa khoa quân dân y kết hợp Axan. Mới nhận Trưởng phòng khám được 3 năm, nhưng trước đó, Trung tá Lê Đức Mạnh đã có nhiều năm gắn bó với mảnh đất này khi làm cán bộ quân y của Đồn Biên phòng Axan, vậy nên, mọi thứ cũng không khó để vào guồng.Anh bảo, trước nay vẫn thế, đường lên biên giới không chỉ xa xôi, mà còn gần như tê liệt vào mùa mưa, vậy mà tất cả việc chăm sóc sức khỏe của bộ đội, bà con nhân dân ở 4 xã Axan, Gary, Ch’ơm, Tr’hy gần như phụ thuộc hoàn toàn vào phòng khám quân dân y kết hợp này. Ý thức được điều đó nên anh vẫn động viên mọi người vừa làm, vừa đúc kết kinh nghiệm, vừa tự học hỏi để nâng cao trình độ (bản thân bác sĩ Mạnh cũng từ y sĩ học lên bác sĩ chuyên khoa cấp 1). Trong quá trình công tác, anh mày mò tự học tiếng Cơ Tu, tìm hiểu phong tục tập quán của đồng bào để có thể biết thêm nguyên nhân gây bệnh, từ đó, có phương pháp điều trị phù hợp. Chứng kiến bác sĩ Mạnh vừa khám, vừa trò chuyện với bệnh nhân bằng cả tiếng phổ thông lẫn tiếng Cơ Tu, chúng tôi ai nấy đều nể phục. Và nể phục hơn nữa là những câu chuyện cứu người thoát khỏi “lưỡi hái tử thần” trong gang tấc của các thầy thuốc mang quân hàm xanh nơi đây.
Khó có thể kể hết chuyện các anh chị đã tài tình thế nào, chỉ biết rằng, đi đến các bản làng đều được nghe người dân kể với lòng biết ơn sâu sắc, xem như ân nhân và người thân trong gia đình. Như chuyện của chị Pơ Loong Thị Nưới, ở thôn A Rầng 1, xã Axan, là một ví dụ. Cách đây 2 năm, chị Nưới được đưa tới phòng khám trong tình trạng sinh khó, ra máu nhiều, nguy kịch đến tính mạng, nhưng không thể chuyển lên tuyến trên do đường xa, sức khỏe yếu. Bác sĩ Lê Đức Mạnh và y sĩ Zơ Râm Thị Hằng cùng các đồng nghiệp đã vừa động viên tinh thần, vừa trợ sức cho sản phụ. Và rồi cậu bé 3,5kg đã cất tiếng khóc chào đời trong niềm vui khôn tả của mọi người xung quanh.
Chị Nưới bảo: “Lúc sinh con, em không có tiền, lại một thân một mình nên khi nghe nói phải xuống bệnh viện huyện, em đã nghĩ, thế là hết rồi. Vậy mà các bác sĩ đã cứu được cả em và con, giờ mẹ con em không biết lấy gì để trả ơn mọi người”. Cũng ở thôn A Rầng 1, ông A Lăng Tơơnh (80 tuổi) bị trâu húc, gãy 3 xương sườn và thủng bụng. Người nhà đưa tới phòng khám, nhưng cũng không hy vọng nhiều vì ông tuổi đã cao mà vết thương quá nặng. Vậy nhưng, sau 1 tuần được bác sĩ Mạnh chăm sóc, ông Tơơnh đã được về nhà và giờ vẫn sống khỏe mạnh. Nhắc lại chuyện cũ, ông Tơơnh cảm phục: “Trước đây, mọi người ốm đau đều nhờ thầy cúng, vừa tốn kém mà lâu khỏi. Sau lần bác sĩ Mạnh cứu khỏi, tôi hoàn toàn tin tưởng vào việc điều trị bằng thuốc. Giờ thì mọi người trong bản mỗi khi ốm đau đều đến phòng khám để các y, bác sĩ khám và chữa bệnh cho, không còn mời thầy mo về cúng nữa”. Nhưng có lẽ chuyện bác sĩ Mạnh nhiều lần cứu được người ăn lá ngón khiến ai cũng phải nể phục. Chị A Rất Thị Nhuận, ở thôn A Rầng 2, xã Axan không thể nào quên được cái đêm ác mộng, chỉ vì mâu thuẫn với chồng, chị quyết định ăn lá ngón quyên sinh dù lúc ấy mới sinh con được 2 tháng... Bác sĩ Mạnh cùng mọi người đã trắng đêm túc trực, rửa ruột, truyền nước để cứu bà mẹ trẻ. Cảm động hơn là những ngày sau đó, bác sĩ Lê Đức Mạnh và nữ hộ sinh Bríu Thị Nhứ thường đến thăm hỏi tình hình sức khỏe mẹ con chị A Rất Thị Nhuận và hướng dẫn chị cách chăm sóc con một cách khoa học để bé khỏe mạnh. Chị A Rất Thị Nhuận không phải là trường hợp duy nhất được các y, bác sĩ ở phòng khám cứu thành công khi tự tử bằng lá ngón, thậm chí có trường hợp tự tử bằng thuốc trừ sâu cũng đã được cứu sống kịp thời. Phòng khám đa khoa quân dân y kết hợp Axan không chỉ có nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ở các xã vùng cao biên giới của huyện Tây Giang, mà còn tiếp nhận hàng nghìn lượt khám, chữa bệnh và cấp thuốc cho bà con các bản giáp biên của cụm Tà Vàng, huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông, Lào. Do đường về trung tâm huyện Kà Lừm mất mấy ngày đường, vậy nên, mỗi khi ốm đau, người dân ở các bản của cụm Tà Vàng lại sang phòng khám để chữa bệnh. Nhiều trường hợp người bị bệnh đến khám, phải ở lại điều trị, nhưng lại không có anh em họ hàng ở Việt Nam để giúp đỡ. Những ngày ấy, các y, bác sĩ lại bớt khẩu phần ăn của mình để chia sẻ cho bệnh nhân. Ông Bun Thoong chia sẻ câu chuyện của mình: “Tháng trước tôi bị đau bụng, không ăn, không ngủ được. Nay sang đây, bác sĩ Mạnh khám bảo bị đau dạ dày. Bác sĩ cấp thuốc cho, rồi dặn dò ăn uống cẩn thận để phòng tránh bệnh tật. Tôi tin lắm vì trong bản có nhiều người uống thuốc của bác sĩ Mạnh đều khỏi bệnh”. Ai cũng hiểu rằng, nhân dân hai bên biên giới nơi đây bao đời nay có mối quan hệ thân tộc, đều cùng là người Cơ Tu cả. Người dân Axan, Gary, Ch’ơm, Tr’hy vẫn hỗ trợ người dân Lào khi khó khăn, hoạn nạn. Cứ thế, các y, bác sĩ ở Phòng khám đa khoa quân dân y kết hợp Axan thầm lặng, tận tụy, hết lòng vì nhân dân và viết nên những câu chuyện đầy nghĩa tình ở nơi vùng cao biên giới này.