Chuyện chưa kể của nhóm mai táng miễn phí cho người chết trong dịch COVID-19
Dù chỉ là tay ngang, các thành viên đến từ nhiều ngành nghề khác nhau sẵn sàng lên đường mỗi khi có yêu cầu hỗ trợ việc mai táng.
Video: Theo chân đội 'mai táng 0 đồng' cho người chết trong dịch COVID-19
Tiếng chuông điện thoại vang lên, đầu dây bên kia là giọng một người phụ nữ run run nhờ hỗ trợ mai táng cho anh trai mới qua đời. Sau khi hỏi kỹ địa chỉ, Nguyễn Thị Thái Hà (32 tuổi) vội vã tập hợp các thành viên trong đội mai táng chuẩn bị các tư trang, dụng cụ cần thiết sẵn sàng lên đường.
Tâm nguyện an ủi vong linh người qua đời
Chiếc xe 16 chỗ chở theo áo quan và 7 thành viên đội mai táng được tài xế Dũng (32 tuổi) điều khiển lướt đi. Trước khi làm công việc này, Dũng làm nghề rửa xe, biết lái xe lại thông thạo đường, anh được giao nhiệm vụ chở đội đi mai táng.
Dũng lái xe qua nhiều ngõ ngách trong hẻm 231 Bình Tiên, phường 8, quận 6, TP.HCM rồi dừng trước một căn nhà nhỏ đã cũ. Thấy xe của đoàn đến, các hộ xung quanh bỗng dưng kéo sập cửa lại. “Tụi em quen rồi, đến đâu cũng vậy. Họ sợ xe mình chở theo người chết, rồi sợ dịch bệnh nên mới thế”, Hà giải thích.
Sau khi xác định được địa chỉ cần tìm, các thành viên cùng nhau chuyển áo quan, mở nắp, rải chè xuống dưới rồi cùng nhau mặc đồ bảo hộ. Một người cầm bình xịt khử khuẩn xịt xung quanh. Mọi động tác đều rất nhanh nhẹn và thuần thục.
Tới căn phòng trong hẻm nhỏ nơi người chết đang nằm, Trương Văn Thịnh (30 tuổi) - chàng trai to cao nhất đội bắt đầu xịt rượu khắp nơi, không gian nhỏ hẹp bốc mùi nồng nặc. “Làm như thế vừa để khử mùi vừa để khử khuẩn", Thịnh vừa làm vừa nói.
Sau khi khấn vái, các thành viên mỗi người một việc, người cột dây, người nâng thi thể rồi nhanh chóng đưa người chết vào túi đựng, chuyển vào áo quan đang đặt phía trước.
Lúc này, Thịnh bắt nhịp hướng dẫn các thành viên thực hiện các thủ tục để đưa thi thể đi mai táng. Phía trước, họ hàng thắp vội vài nén nhang, khấn vái trước khi người thân được đưa lên xe chở đến nơi hỏa thiêu.
“Tụi con chia buồn cùng gia đình. Bây giờ đã xong các thủ tục, tụi con sẽ đưa chú đi hỏa táng, khi xong sẽ giao lại tro cốt cho gia đình trong nay mai”, Hà nói trước khi lên xe rời đi.
Người đàn ông xấu số trên chết do bị tai biến, ông sống một mình, không vợ con, hoàn cảnh nghèo khó. Đây là 1 trong hơn 400 trường hợp đã được đội mai táng miễn phí của nhóm thiện nguyện Nhất Tâm hỗ trợ từ khi dịch COVID-19 bùng phát trên địa bàn TP.HCM đến nay.
"Như trường hợp chú này tụi em còn đỡ vất vả chứ có những gia đình nhà nằm sâu hun hút trong các hẻm nhỏ xe không thể vào được. Lúc đó tụi em không còn cách nào khác là phải đi bộ rất xa để khênh áo quan ra xe. Như anh thấy đấy, mặc đồ bảo hộ kín mít, nóng nực, khó thở... Lúc xong việc anh em ai cũng mệt nhoài ngồi thở, người thì ướt đẫm mồ hôi nhưng đội vẫn cố gắng với tâm nguyện an ủi vong linh người qua đời", Hà nói tiếp với chúng tôi.
Hà kể, giai đoạn cao điểm, mỗi ngày 20 thành viên của đội được chia thành 3 tổ phải hoạt động hết công suất, có ngày đội mai táng cho 26 trường hợp mất do COVID-19.
Ngoài việc mai táng, đội của Hà còn phải đăng ký lịch ở lò thiêu, giao tro cốt đến tận nhà cho người thân. Tất cả đều hoàn toàn miễn phí.
"Tụi em phải chạy khắp các quận, huyện để hỗ trợ người dân. Thường thường 2-3h sáng tụi em mới trở về. Sau khi vệ sinh cá nhân rồi rửa xe, xịt khuẩn, 4h sáng mọi người mới được nghỉ ngơi và sáng hôm sau lại tiếp tục công việc", Hà nói và cho biết, đội mai táng của cô gồm các thành viên đến từ nhiều quận, huyện khác nhau, mỗi người mỗi ngành nghề, có người làm công nhân, người chạy Grap, người bán quán cà phê, có người làm nhân viên văn phòng... Tất cả đều ăn uống, sinh hoạt tại trụ sở nhóm, mấy tháng nay không ai về nhà do lo sợ lây nhiễm cho những người thân.
Ám ảnh những lần chuyển thi thể
Hà chia sẻ, hiện cô đang là giảng viên của Trường Đại học Công nghệ TP.HCM, cô tham gia nhóm thiện nguyện Nhất Tâm được hơn 1 năm nay. Ban đầu, Hà chỉ làm các công việc như trực nghe điện thoại, nấu ăn... rồi khi tình hình dịch bệnh xấu đi, số người chết vì COVID-19 ngày càng tăng. Nhân lực của đội mai táng thiếu, Hà quyết định xung phong tham gia và cô trở thành đội trưởng của đội này.
Từ ngày tham gia đội mai táng, Hà chưa về nhà, con trai 8 tuổi của cô rất nhớ mẹ và Hà cũng thế. Hàng ngày cô vẫn gọi qua Zalo, Facebook nói chuyện với con để vơi đi nỗi nhớ.
"Mình chưa bao giờ nghĩ một ngày mình sẽ đi làm công việc mai táng. Thường thì khi đi thiện nguyện mọi người nghĩ là sẽ đi nấu cơm, đi phát quà cho bà con. Mai táng là điều không ai nghĩ tới cả. Thực ra lúc đầu sợ lắm, đi vào chỗ người mất và mình chưa bao giờ thấy người chết nhiều như vậy. Rồi mình nhìn thấy người nhà khóc, hay như cha mẹ tiễn con hay con tiễn cha mẹ thì rất thương tâm.
Lúc đầu mọi người đi ca nào về cũng khóc nhưng anh em trong nhóm luôn nói với nhau là cố gắng, cố gắng, mình phải mạnh mẽ lên chứ mình đi hỗ trợ người ta mà mình yếu đuối, mình khóc như vậy nữa thì bà con họ sẽ càng đau buồn hơn. Tại vì mất trong đợt COVID-19 này rất đau thương", Hà chia sẻ.
Hà cho biết, hầu hết người chết vì COVID-19 là người lớn tuổi, neo đơn, khi mất không có người thân bên cạnh. Điều khiến cô trăn trở, đến giờ cứ luôn ám ảnh trong tâm trí là trường hợp của một người đàn ông lớn tuổi vô gia cư bị chết do COVID-19, đôi chân bị tật nên ông phải ngồi xe lăn đi bán vé số dạo.
"Khi mất thì chú cũng mất trên xe luôn. Người dân thấy vậy cũng không ai dám tới gần. Khi nhóm xuống tới nơi thì người chú cũng đã cứng lại, các thành viên phải rất vất vả mới nắn cơ thể chú cho thẳng để đưa vào áo quan đưa đi mai táng. Khi nhìn những hoàn cảnh như thế mình rất đau xót. Khi sống thì đã không có nơi để về và khi chết thì phải chết ở giữa đường như vậy", Hà nghẹn ngào.
Còn với Trương Văn Thịnh, anh nhớ nhất một trường hợp chết do COVID-19 trong căn hộ chung cư cũ. Anh kể, do chung cư không có thang máy, cầu thang bộ rất hẹp, không thể 4 người cùng khiêng một lúc, thi thể thì rất to và nặng. Khi đó, Thịnh một mình cõng thi thể người xấu số trên lưng rồi lần theo từng bậc cầu thang mới đưa được xuống dưới. Khi xuống tới nơi cũng là lúc anh mệt nhoài, thở không ra hơi.
Chàng trai có nhiều hình xăm với tấm lòng nhiệt huyết này cho biết, khi đi làm công việc mai táng mới thấy có nhiều hoàn cảnh rất đau lòng.
"Mới đây, có 2 chị em lớn tuổi ở cùng nhau tại một hẻm nhỏ trên địa bàn quận 11. Khi người chị đã chết được nhiều ngày nhưng người em do đầu óc không minh mẫn vẫn không biết gì và cứ tiếp tục ăn ngủ bên cạnh chị gái.
Đến khi người dân xung quanh nghe mùi hôi mới báo địa phương xuống kiểm tra thì lúc đó xác của người chị đã bắt đầu phân hủy. Khi nhóm tới, cô em gái không biết chị mình đã mất nên rất khó năn nỉ cô ra ngoài để nhóm có thể làm các thủ tục mai táng. Mặc dù cô không biết gì hết nhưng cô không muốn rời xa chị gái mình", Thịnh kể.
Thịnh là người có kinh nghiệm nhất trong đội mai táng. Trước dịch, anh kinh doanh quán cà phê còn cha mẹ anh làm dịch vụ nhà đòn nên ít nhiều anh cũng biết thủ tục về mai táng, dù anh chưa bao giờ thực hiện việc đó.
Khi dịch bùng phát, TP.HCM giãn cách xã hội, quán cà phê của Thịnh phải đóng cửa. Thịnh xin tham gia nhóm thiện nguyện Nhất Tâm và được giao nhiệm vụ hỗ trợ mai táng giúp người dân. Đến nay, đã hơn 3 tháng Thịnh chưa về nhà thăm cha mẹ, vợ con, do anh sợ tiếp xúc với nhiều người, nhiều thi thể chết vì COVID-19.
Thịnh kể, ban đầu khi đi mai táng, điều khiến mọi người lo sợ nhất là bị nhiễm COVID-19 vì khi đó chưa có vaccine để tiêm. Khi đi anh em phải bảo hộ thật kỹ và giữ khoảng cách với người nhà. Nhiều trường hợp do chết lâu ngày nên xác bắt đầu phân hủy, mùi tử thi bốc lên gây ám ảnh nhưng với tâm niệm giúp người chết được an nghỉ nên Thịnh và mọi người cũng cố gắng vượt qua.
"Em còn nhớ hoàn cảnh của 2 vợ chồng ở quận 7. Khi nhóm đến nơi, chị vợ ngồi thẫn thờ một góc tường trong nhà trọ, chị lại đang mang thai em bé và sắp sinh, còn anh chồng thì đã nằm chết trên võng. Cả nhóm nhìn hình ảnh đó rất xót xa. Một, hai tháng nữa đứa bé sinh ra sẽ không được gặp cha, rồi 2 mẹ con không biết sẽ sống thế nào khi anh chồng là trụ cột trong gia đình", Thịnh nói.
Còn với Nguyễn Thị Thái Hà, trong quá trình tham gia đội mai táng chị nhớ nhất đó là trường hợp của một người phụ nữ lớn tuổi chết do COVID-19. Sau khi mai táng và hỏa thiêu, do không có thân nhân nên nhóm đã gửi tro cốt của người này lên chùa và đăng thông tin lên trang Facebook của nhóm.
Sau đó có một người gọi điện đến nhận là con gái ruột của cô đã bị thất lạc nhiều năm. Nhóm đã kết nối để chị lên chùa An Lạc nhận lại tro cốt mẹ đưa về nhà thờ phụng.
"Đó là kỉ niệm rất đáng nhớ khi mà mình đưa thông tin như vậy thì lại có thể giúp cho mẹ con tìm lại được nhau. Nhưng mà cũng buồn vì hai mẹ con lại tìm được nhau trong hoàn cảnh không ai mong muốn như vậy", Hà tâm sự rồi tự nhủ sẽ tiếp tục cùng đồng đội của mình thực hiện công việc này cho đến khi dịch COVID-19 không còn nữa.