Chuyện chưa kể về những người lính xe tăng 390 anh hùng
Những câu chuyện về kíp xe tăng 390 húc đổ cổng Dinh Độc Lập ngày 30-4-1975 đã trở thành huyền thoại. Với thế hệ trẻ chúng tôi, mỗi câu chuyện, hình ảnh, thước phim về những người lính tăng anh hùng đã trở thành bài học truyền thống sống động, lan tỏa tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc.
Trong những ngày cả nước đang hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 / 30-4-2025), chúng tôi vinh dự được gặp mặt, được nghe các bác trong kíp xe tăng 390 kể về quá trình tiến quân về Sài Gòn, đánh chiếm Dinh Độc Lập năm xưa trong lòng càng cảm thấy khâm phục ý chí, bản lĩnh của Bộ đội Cụ Hồ.
Hành trình tiến vào Sài Gòn
Kíp xe tăng 390 húc đổ cổng Dinh Độc Lập ngày 30-4-1975 do Chính trị viên Vũ Đăng Toàn chỉ huy; kíp xe gồm Ngô Sỹ Nguyên-pháo thủ số 1, Lê Văn Phượng-Đại đội phó kỹ thuật (thay thế pháo thủ số 2 Đỗ Cao Trường bị thương phải ở lại tuyến sau), Nguyễn Văn Tập-lái xe.
50 năm trôi qua, đất nước đã có nhiều đổi thay, nhưng ký ức về ngày toàn thắng vẫn luôn hiện hữu trong tâm trí của những người lính tăng anh hùng. Khi được hỏi về hành trình tiến vào Sài Gòn sáng 30-4-1975, giọng cựu chiến binh Vũ Đăng Toàn hào sảng, nói:
- Sáng 30-4-1975, nhận lệnh tiến vào Sài Gòn đánh chiếm Dinh Độc Lập, Lữ đoàn 203, Quân đoàn 2 (nay là Quân đoàn 12) chia thành nhiều mũi tiến công. Khi ấy, tốp xe tăng của Đại đội 4, Tiểu đoàn 1 đi đầu. Khi đến cầu Sài Gòn, chúng tôi gặp phải sức kháng cự quyết liệt của địch. Khi ấy, đồng hồ điểm 9 giờ 30 phút. Thông qua bộ đàm, tôi xin ý kiến Đại đội trưởng Bùi Quang Thận: “Bộ binh chưa tới giờ đánh sao anh”. Khi ấy, tôi cùng anh Bùi Quang Thận, Đại đội phó kỹ thuật Lê Văn Phượng đã có cuộc hội ý chớp nhoáng trước cầu Sài Gòn. Các đồng chí đều chung quan điểm: “Nếu còn chần chừ thì diễn biến thế trận sẽ khó đoán vì thế kíp xe tăng nhanh chóng chớp thời cơ vượt cầu Sài Gòn”.

Các thành viên kíp xe tăng 390 chia sẻ tại Gặp mặt, tri ân "50 năm-Toàn thắng về ta" do Báo Quân đội nhân dân tổ chức. Ảnh: XUÂN CƯỜNG
Với tinh thần “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, tốp xe tăng của Đại đội 4, Tiểu đoàn 1 đã tranh thủ thời cơ vượt cầu Sài Gòn. Pháo thủ số 1 của kíp xe tăng 390 Ngô Sỹ Nguyên nhớ lại: “Khi nhận được lệnh cấp trên tiến vào Sài Gòn, đánh chiếm Dinh Độc Lập, anh em đều rất phấn khởi. Nhiều kíp xe tăng đã lén giấu lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam để khi có cơ hội sẽ lập tức cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập. Tuy nhiên, trước khi tiến vào Sài Gòn, giữa ta và địch giao tranh ác liệt trên cầu Sài Gòn, một chiếc xe tăng M48 của địch bốc cháy trên cầu Sài Gòn. Lợi dụng xe khói bụi, tốp 8 xe tăng đầu tiên đã sang được bên kia sông. Đến ngã tư Hàng Xanh, khi thấy anh Tập hô to: “Có xe của địch”, tôi bình tĩnh tiêu diệt 2 xe M113. Hai phát bắn chỉ trong tích tắc, nếu lúc đó không nhanh thì có lẽ chúng tôi đã chung ngày giỗ rồi”.
Mặc dù đã được phổ biến rất kỹ về bản đồ Sài Gòn trước khi đánh chiếm Dinh Độc Lập, nhưng một số anh em lính tăng đã bị lạc đường. Lái xe Nguyễn Văn Tập cho biết: “Vào Sài Gòn khi ấy không lạc mới là chuyện lạ. Chúng tôi rừng xanh núi đỏ đánh về Sài Gòn, đóng quân toàn trên rừng, đến Sài Gòn bỡ ngỡ là chuyện thường. Qua cầu Thị Nghè, tôi báo cáo với Trưởng xe: “Chắc mình lạc rồi anh Toàn ạ”. Ngay lập tức, có một thanh niên chừng 18 tuổi mặc áo trắng, quần xám màu ghi đi qua, tôi mới dừng xe hỏi: “Đường về Dinh Độc Lập đâu?”. Thanh niên cho biết: “Các ông đi lạc đường rồi”. Rồi cậu ấy chỉ chúng tôi đường đến Dinh Độc Lập. Lúc đó tôi chưa biết Dinh Độc Lập ở hướng nào, hai bên đường các nhà đóng cửa”.
Nhờ có chỉ dẫn, xe tăng 390 cuối cùng cũng đến được Dinh Độc Lập. Khi ấy, thông qua kính tiềm vọng, lái xe Nguyễn Văn Tập phát hiện xe 843 do Đại đội trưởng Bùi Quang Thận cũng vừa có mặt ở bên cổng phụ. Quay sang nhìn Chính trị viên Vũ Đăng Toàn, lái xe Nguyễn Văn Tập hỏi: “Thế nào anh?”. Trưởng xe Vũ Đăng Toàn ra lệnh dứt khoát: “Chú tông thẳng vào”. Ngay sau đó, anh Toàn xuống xe dùng súng AK yểm trợ để anh Thận cắm cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam lên nóc Dinh Độc Lập.
Hành trình không dừng lại
Sau ngày nước nhà thống nhất, trong kíp xe tăng 390, ông Nguyễn Văn Tập là người phục viên sớm nhất, vào tháng 7-1976. Ông trở về quê hương Hải Dương, gắn bó với công việc đồng áng.
Ba người còn lại là các ông Vũ Đăng Toàn, Ngô Sỹ Nguyên và Lê Văn Phượng vẫn tiếp tục phục vụ trong lực lượng tăng thiết giáp. Bản thân ông Ngô Sỹ Nguyên tiếp tục gắn bó với xe tăng 390 một thời gian dài, tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc. “Xe tăng 390 như một người bạn thân, gắn bó như máu thịt với mình. Lớp vỏ thép dày của nó đã bảo vệ tôi và đồng đội qua bao trận chiến rất ác liệt”, ông Nguyên chia sẻ.
Tới năm 1982, ông Ngô Sỹ Nguyên mới ra quân, sau vài năm thì chuyển sang công tác tại Công ty Xe bus Hà Nội cho tới ngày nghỉ hưu.
Vốn có 4 anh em gắn bó như ruột thịt, nhưng kíp xe tăng ngày đó giờ chỉ còn 3 người: Chính trị viên Vũ Đăng Toàn, pháo thủ số 1 Ngô Sỹ Nguyên và lái xe Nguyễn Văn Tập. Pháo thủ số 2 Lê Văn Phượng đã qua đời năm 2016. Kể từ khi chồng qua đời, bà Nguyễn Thị Ngọc (vợ ông Lê Văn Phượng) đã thay chồng giữ gìn, bồi đắp tình đồng đội. Bởi vậy đồng đội thường gọi bà Nguyễn Thị Ngọc giờ giống như pháo thủ số 2 của kíp xe tăng 390.

Từ trái qua phải, các bác: Ngô Sỹ Nguyên, Vũ Đăng Toàn, Nguyễn Thị Ngọc và Nguyễn Văn Tập.
Nhà bác Toàn, bác Tập ở Hải Dương; bác Nguyên và bác Ngọc sống tại Hà Nội. Dù xa cách về địa lý nhưng mỗi lần có việc, các thành viên trong kíp xe tăng, rồi vợ con các bác cùng sum họp đông đủ, coi nhau như thành viên trong gia đình. Bà Nguyễn Thị Ngọc chia sẻ: “Sau khi xuất ngũ trở về địa phương, chồng tôi thường được hàng xóm, láng giềng, thế hệ trẻ thăm hỏi, quan tâm. Nhiều đứa trẻ trong xóm thường tìm đến nhà để được chồng tôi kể cho nghe chuyện chiến trường, tình đồng đội. Bởi vậy sau khi chồng mất, tôi muốn thay chồng giữ gìn, vun vé tình đồng đội với các thành viên kíp xe tăng 390-điều mà khi còn sống ông luôn trân quý nhất”.
Chia sẻ về tình đồng đội với các thành viên kíp xe tăng 390, pháo thủ số 1 Ngô Sỹ Nguyên xúc động: “Chúng tôi tuy không cùng mẹ sinh ra, không cùng quê, nhưng nguyện giỗ cùng một ngày. 50 năm qua, chúng tôi chứng kiến con cháu trưởng thành, chia sẻ với nhau nhiều vui, buồn trong cuộc sống. Tình đồng đội thiêng liêng ấy mãi mãi không bao giờ phai”.