Chuyện chưa từng có: Nga cam chịu cho Thổ Nhĩ Kỳ 'điều khiển' trên 'bàn cờ' Syria?
Ảnh hưởng ngày càng tăng của Thổ Nhĩ Kỳ tại Ukraine và Azerbaijan đã khiến Nga phải điều chỉnh lại các nước đi ở Syria theo hướng có lợi hơn cho Ankara.
Động thái rút quân
Trong lúc chính quyền Joe Biden vẫn đang xem xét lại chính sách đối ngoại Trung Đông, Nga đã tăng cường triển khai quân sự ở Syria, đặc biệt là khu vực đông bắc, nhằm làm suy yếu ảnh hưởng và lợi ích của Mỹ.
Quân đội Nga gần đây đã chặn một đoàn xe của Mỹ ở đông bắc Syria, cáo buộc lực lượng này vi phạm các thỏa thuận quân sự.
Trong các tính toán của mình, Moscow cũng đang có các động thái phó mặc số phận của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) với nòng cốt là người Kurd – vốn là đồng minh quan trọng của Mỹ nhưng là cái gai trong mắt Thổ Nhĩ Kỳ.
Quyết định rút lực lượng và thiết bị quân sự khỏi hai căn cứ ở Tal Rifaat của Nga đã khiến người Kurd lo ngại hơn nguy cơ tấn công từ lực lượng do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn trong khu vực. Đây là lực lượng sẽ lấp đầy bất kỳ khoảng trống nào tạo ra bởi sự rời đi của quân Nga.
Sau khi Nga rút quân, SDF đã nhanh chóng cho phép các lực lượng ủy nhiệm của Iran tiến vào khu vực này. Nhưng đây sẽ là điều mà cả Ankara lẫn Moscow đều không muốn, vì có thể đe dọa sự cân bằng mong manh mà Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Iran đạt được thông qua tiến trình hòa bình Astana/Sochi.
SDF cũng tìm đến sự giúp đỡ của Washington khi tổ chức cuộc gặp giữa đại diện hai bên. Trong một thông báo tuần trước, tổng chỉ huy SDF cho biết liên quân Mỹ sẽ ở lại đông bắc Syria cho đến khi giành được chiến thắng hoàn toàn trước khủng bố.
Cuộc họp này không chỉ làm phật lòng Moscow mà còn cả Ankara, vốn mâu thuẫn với Washington về sự hỗ trợ của Mỹ đối với người Kurd.
Theo một số nhà phân tích, các vấn đề gây trở ngại cho mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Mỹ mang tính cấu trúc và sẽ vẫn tồn tại bất kể ai là người ngồi ghế Nhà Trắng.
Vấn đề người Kurd đã làm rạn nứt quan hệ giữa hai nước; cuộc bầu cử giành chiến thắng của chính quyền Biden đã không và sẽ không thay đổi điều đó. Quan điểm của Ankara là các chính quyền liên tiếp ở Mỹ đã phớt lờ những lo ngại an ninh của mình.
Những lời kêu gọi rơi vào thinh không của Thổ Nhĩ Kỳ buộc nước này khởi động ba chiến dịch quân sự ở miền bắc Syria nhằm loại bỏ các yếu tố (người Kurd) mà nước này coi là mối đe dọa đối với an ninh và ổn định của đất nước.
Hơn nữa, chính sách ủng hộ người Kurd của Washington đã khiến Ankara tăng cường hợp tác với Nga. Mặc dù ủng hộ các bên đối lập trong cuộc chiến ở Syria, nhưng Moscow và Ankara đã có động lực làm việc cùng nhau nhằm chống lại ảnh hưởng của Mỹ ở đông bắc Syria và mối quan hệ với người Kurd.
Tất cả trong tính toán Nga-Thổ
Sự hợp tác giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ khiến SDF báo động. Mặc dù trong nhiều năm, Moscow tận dụng người Kurd để theo đuổi các lợi ích địa chính trị, nhưng Điện Kremlin được cho là không muốn thấy việc thành lập một khu vực người Kurd tự trị ở đông bắc Syria được củng cố bởi Mỹ và phương Tây. Viễn cảnh này có thể mở đường cho sự hiện diện ngoại giao và quân sự thường trực của Mỹ tại đó.
Nga cũng từ chối hỗ trợ một nhà nước độc lập của người Kurd ở Syria, do mối quan hệ phức tạp với Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, những quốc gia phản đối mạnh mẽ kế hoạch này.
Mặc dù người Kurd đã nhận được lượng lớn hỗ trợ quân sự từ Nga để giúp chống lại IS, họ không tự tin về lập trường tổng thể của Moscow và hoài nghi sự hỗ trợ này chỉ là tạm thời.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ và Nga tăng cường hợp tác ở khu vực đông bắc dường như chứng minh rằng những lo ngại của SDF về lập trường lâu dài của Nga là có cơ sở.
Việc lực lượng Nga rút khỏi căn cứ khu vực trong thời gian ngắn gần đây đã gióng lên hồi chuông cảnh báo. Nơi này có ý nghĩa đối với người Nga và SDF vì nó tiếp giáp với chiến tuyến của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và các lực lượng đối lập do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn.
Theo một báo cáo gần đây, những người dân trong khu vực lo ngại về khả năng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiến công trong trường hợp không có bất kỳ lực lượng nào của Nga hiện hữu.
Trong lúc Moscow đang gia tăng các căn cứ ở Syria, việc nước này rút quân khỏi một số khu vực có lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn chiếm đóng sẽ là một chiến lược phù hợp với mối quan hệ hiện tại với Ankara.
Sự nổi lên của các quốc gia mà Nga coi là vùng ảnh hưởng của mình như Ukraine và Azerbaijan, cộng thêm ảnh hưởng ngày càng tăng của Thổ Nhĩ Kỳ tại hai quốc gia này đã ảnh hưởng đến hoạt động của Moscow ở Syria.
Trước những diễn biến mới, không chỉ đồng minh của Mỹ là SDF chịu bất lợi trước thỏa thuận ngầm giữa Thổ Nhĩ Kỳ-Nga ở đông bắc Syria, mà cả Mỹ cũng chịu chung số phận.