Chuyển cơ quan điều tra 118 vụ việc vi phạm về hàng hóa có dấu hiệu hình sự

Tình hình buôn lậu, hàng giả vẫn diễn biến phức tạp trong 8 tháng đầu năm 2024. Lực lượng QLTT đã chuyển nhiều vụ việc có dấu hiệu hình sự sang cơ quan cảnh sát điều tra để tiếp tục xử lý.

Lực lượng chức năng kiểm tra một cơ sở kinh doanh hàng hóa qua mạng có dấu hiệu vi phạm

Lực lượng chức năng kiểm tra một cơ sở kinh doanh hàng hóa qua mạng có dấu hiệu vi phạm

Tổng cục QLTT cho biết, trong 8 tháng đầu năm nay, lực lượng QLTT đã chuyển Cơ quan cảnh sát điều tra 118 vụ có dấu hiệu hình sự, giảm 9% so với cùng kỳ năm 2023.

Một số đơn vị có số vụ chuyển cơ quan điều tra nhiều là: Hà Nội (39 vụ), TP. Hồ Chí Minh (8 vụ), An Giang (7 vụ), Bình Dương (6 vụ), Vĩnh Phúc (5 vụ), Quảng Ninh (5 vụ).

Đồng thời, đã khởi tố 8 vụ án: Hà Nam (1), Long An (2), Bắc Ninh (1), Vĩnh Long (1), Hà Nội (1), Vĩnh Phúc (1), Bến Tre (1).

Trong 8 tháng đầu năm 2024, lực lượng QLTT đã kiểm tra 50.445 vụ, phát hiện, xử lý 35.510 vụ vi phạm. Tổng số tiền xử lý là 674 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, xử phạt vi phạm hành chính 342 tỷ đồng (tăng 20%), trị giá hàng hóa tịch thu gần 148 tỷ đồng (tăng 6%), trị giá hàng hóa tiêu hủy và buộc tiêu hủy trên 184 tỷ đồng (tăng 86%); Đã thu nộp ngân sách nhà nước 395 tỷ đồng (tăng 11%).

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT, ông Trần Hữu Linh, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn diễn biến khá phức tạp. Hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ được đối tượng tập kết tại khu vực biên giới hoặc các kho hàng trung chuyển trên tuyến lưu thông để thẩm lậu vào tiêu thụ nội địa.

Vi phạm chủ yếu phát hiện đối với nhóm hàng có nhu cầu cao, như: thời trang, mỹ phẩm, thiết bị điện, thực phẩm.

Những tháng đầu năm nay, tỷ trọng các vụ việc vi phạm đối với thuốc lá điếu giảm so với vi phạm về thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng với các hành vi vi phạm chủ yếu như: nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không rõ chất lượng. Các tỉnh, thành phố đang là điểm nóng về vi phạm đối với mặt hàng này là: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, An Giang, Long An, Khánh Hòa, Lạng Sơn, Đà Nẵng, Lào Cai, Quảng Ninh.

Trước đây, các đối tượng thường tự vận chuyển, thuê người vận chuyển thì nay hàng hóa được trà trộn trong các kiện hàng và gửi qua các đơn vị dịch vụ giao nhận, chuyển phát, sử dụng số điện thoại không chính chủ để giao dịch, mua bán nên rất khó phát hiện.

Cũng theo Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không bày bán tràn lan như trước đây mà sau khi qua biên giới, được tập kết tại các kho hàng nơi hẻo lánh, ít người qua lại hoặc nhà riêng, rồi lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh; hàng hóa được chuyển đến người tiêu dùng thông qua dịch vụ chuyển phát nhanh.

Đáng chú ý, trong lĩnh vực thương mại điện tử, đa số các thương nhân xây dựng nhiều kho hàng gần cửa khẩu và thiết lập các điểm livestream chốt đơn ở các tỉnh, thành phố, giao hàng thông qua đơn vị chuyển phát. Các tài khoản chào hàng trung gian, địa điểm tiếp nhận đơn và chuyển hàng được bố trí ở nhiều địa điểm khác nhau.

Nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ký gửi hàng hóa và sử dụng những người nổi tiếng, nhiều lượt theo dõi trên trang cá nhân để livestream, chốt đơn hàng. Do tốc độ lưu chuyển hàng hóa nhanh nên số lượng, chủng loại hàng hóa tại các kho tương đối lớn và thường xuyên biến động.

V. Hằng

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/chuyen-co-quan-dieu-tra-118-vu-viec-vi-pham-ve-hang-hoa-co-dau-hieu-hinh-su-post587519.antd