Chuyến công du châu Phi đầy thách thức của Tổng thống Pháp Macron
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bắt đầu chuyến công du tới 4 nước châu Phi, trong nỗ lực nhằm củng cố tầm ảnh hưởng của Pháp tại khu vực này.
Trong chuyến thăm lần này, Tổng thống Pháp Macron sẽ tập trung vào vấn đề môi trường, dự một hội nghị thượng đỉnh về rừng tại Gabon, ngoài ra sẽ gặp gỡ các nghệ sĩ châu Phi.
Chuyến thăm các nước châu Phi diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Pháp Macron luôn khẳng định châu Phi là ưu tiên trong nhiệm kỳ thứ 2. Chuyến thăm diễn ra vào thời điểm Pháp đang chứng kiến sự suy giảm tầm ảnh hưởng của mình đối với các nước thuộc địa cũ tại châu Phi, sau khi Pháp rút quân khỏi một số nước trong khu vực.
Trọng trách trong chuyến công du châu Phi của ông Macron
Châu Phi vốn luôn là một trong những khu vực ảnh hưởng truyền thống của Pháp trong nhiều thập kỷ qua, đặc biệt tại khu vực Tây Phi và vùng Sahel, bởi đây là nơi tập trung hầu hết các quốc gia từng là thuộc địa cũ của Pháp và hiện vẫn duy trì mối liên hệ chặt chẽ với nước Pháp về ngôn ngữ, kinh tế, văn hóa cũng như con người.
Sách Trắng về quốc phòng của Pháp vài năm qua luôn coi châu Phi là khu vực có tầm quan trọng chiến lược lớn thứ hai với nước Pháp, chỉ sau châu Âu. Nếu phải đánh giá một cách khách quan thì châu Phi là khu vực gần như cuối cùng còn lại trên thế giới mà nước Pháp vẫn còn duy trì được ảnh hưởng và ít nhiều thể hiện được vị thế của một cường quốc.
Vì thế, việc duy trì quan hệ tốt, bảo vệ được vai trò của Pháp trong quan hệ với các quốc gia châu Phi luôn là một trong những ưu tiên đối ngoại hàng đầu của mọi chính quyền Pháp, với ông Emmanuel Macron cũng không phải ngoại lệ. Tháng 11/2017, chỉ nửa năm sau khi lên làm Tổng thống Pháp, ông Emmanuel Macron cũng đã có chuyến thăm châu Phi và có bài diễn văn quan trọng trước hàng ngàn sinh viên tại Ougadougou, thủ đô Burkina-Faso, trong đó ông Macron tuyên bố đoạn tuyệt với chính sách “Francafrique”, tức cách tiếp cận mang tính bề trên của nước Pháp với châu Phi.
Diễn văn Ougadougou được ông Macron gọi là cuộc đối thoại không có bất cứ vùng cấm nào với thanh niên châu Phi, mở ra con đường hợp tác mới bình đẳng giữa Pháp và các quốc gia châu Phi, song hành với việc nhìn thẳng vào quá khứ thực dân của nước Pháp, dám chịu trách nhiệm và khắc phục những tội ác mà nước Pháp thực dân gây ra với các dân tộc châu Phi.
Tuy nhiên, gần 6 năm đã trôi qua và các động lực từ bài diễn văn tại Ougadougou dường như đã phai nhạt. Trong những năm qua, quan hệ giữa Pháp với rất nhiều quốc gia châu Phi vốn là thuộc địa cũ không những không được cải thiện mà còn xấu đi. Burkina-Faso, nơi ông Emmanuel Macron đã có cuộc đối thoại với thanh niên châu Phi và hứa hẹn một tương lai hợp tác rực rỡ hơn giữa Pháp và châu Phi, chính là nơi ghi nhận thất bại mới nhất về đối ngoại-an ninh của Pháp tại khu vực này, khi chính quyền quân sự mới tại Burkina-Faso tuyên bố chấm dứt thảo thuận hợp tác quân sự với Pháp hồi đầu tháng 02/2023, buộc Pháp phải rút 400 lính đặc nhiệm đang triển khai tại đây. Trước Burkina Faso, Pháp cũng đã phải hứng chịu các bước lùi tương tự tại CH Trung Phi và nhất là tại Mali, nơi Pháp triển khai hàng ngàn quân chống khủng bố trong gần 1 thập kỷ.
Do đó, trong chuyến công du đến 4 nước châu Phi lần này, ông Emmanuel Macron phải gánh vác các trọng trách và thách thức rất lớn. Đầu tiên, đó là phải chặn đứng được làn sóng chống Pháp đang có xu hướng gia tăng rất mạnh tại châu Phi trong vài năm qua.
Tiếp đến, là phải thuyết phục được các nước châu Phi tin tưởng vào một tương lai hợp tác thực sự bình đẳng và có lợi với nước Pháp, không chỉ về kinh tế mà còn về an ninh-quốc phòng, trong bối cảnh các cường quốc khác đang thâm nhập rất mạnh vào châu Phi và ngày càng tạo dựng ảnh hưởng lớn, làm suy giảm vai trò của Pháp.
Trọng trách thứ ba, đó là ông Emmanuel Macron cũng sẽ phải thuyết phục các nước châu Phi ủng hộ chính sách của phương Tây trong cuộc xung đột Nga-Ukraine, vì đại đa số các nước châu Phi giữ lập trường trung lập và có xu hướng ủng hộ Nga. Tuy nhiên, đây là có thể là việc bất khả thi của ông Macron vào thời điểm này và trong bối cảnh uy tín, ảnh hưởng và lợi ích của Pháp tại châu Phi đang bị tác động trực tiếp, ông Macron có lẽ cũng sẽ không dành quá nhiều tâm sức cho việc lôi kéo các nước này vào vấn đề Ukraine.
Chính sách mới với châu Phi của Pháp
Ngay trước khi lên đường công du châu Phi, Tổng thống Emmanuel Macron đã công bố chính sách mới của Pháp về khu vực này, trong đó khía cạnh được đề cập đến đầu tiên là an ninh. Việc các chính quyền mới tại Mali, Burkina-Faso chấm dứt các thỏa thuận hợp tác quốc phòng với Pháp, yêu cầu Pháp rút quân buộc chính quyền Pháp phải xây dựng một học thuyết mới về an ninh tại châu Phi.
Như tuyên bố của ông Macron, động thái đầu tiên của Pháp sẽ là giảm đáng kể quân số đang được triển khai tại châu Phi. Con số 1.700 binh sĩ Pháp đang đóng tại 3 căn cứ quân sự ở Bờ Biển Ngà, Senegal và Gabon sẽ bị cắt giảm, dù Pháp chưa công bố con số cụ thể. Riêng số 1.500 binh sĩ tại căn cứ quân sự tại Djibouti ở Đông Phi sẽ được giữ nguyên do đây là bàn đạp để Pháp phóng chiếu sức mạnh tại Ấn Độ-Thái Bình Dương, khu vực có tầm quan trọng chiến lược mới với Pháp.
Việc tiếp theo, đó là tìm cách thay đổi căn bản nhận thức của các chính phủ và người dân tại châu Phi về sự hiện diện quân sự của Pháp. Một số quan chức và nhà phân tích chính sách tại Pháp gần đây cho rằng, việc Pháp có các căn cứ quân sự tại nhiều nước thuộc địa cũ ở châu Phi, dù với quân số không lớn, tạo ra một thông điệp sai lầm, phản cảm và dễ bị các đối thủ tấn công, rằng Pháp vẫn đang duy trì chủ nghĩa thực dân tại châu Phi.
Vì thế, theo Tổng thống Pháp, sau khi rút bớt đáng kể binh lính, Pháp cũng sẽ thay đổi cơ cấu tổ chức, tên gọi của các căn cứ quân sự Pháp tại châu Phi. Sẽ không còn các “căn cứ quân sự”, mà thay vào đó có thể là các “Học viện” hay các “căn cứ đối tác”, trong đó Pháp trao quyền điều hành ngày càng lớn hơn cho các chính quyền châu Phi, chỉ đứng sau hỗ trợ nhiều về đào tạo, tình báo.
Nói cách khác, Pháp sẽ xây dựng một quan hệ đối tác quân sự mới với châu Phi theo cách kín đáo, thầm lặng hơn, dựa nhiều hơn vào các đối tác khu vực và việc âm thầm dùng các lực lượng đặc nhiệm tiến hành các chiến dịch.
Bên cạnh vấn đề an ninh, ông Emmanuel Macron sẽ tập trung vào một số lĩnh vực khác để làm mới hình ảnh nước Pháp, xoa dịu làn sóng chống Pháp, như thiết lập cơ chế trao trả lại cổ vật cho các quốc gia châu Phi; hỗ trợ các doanh nghiệp trẻ châu Phi gặp khó khăn về tài chính hay hỗ trợ các cải cách đối với đồng tiền franc châu Phi (CFA).
Về tổng thể, ông Macron sẽ phải làm sống lại tinh thần của bài Diễn văn Ougadougou năm 2017 rằng châu Phi có tương lai đầy hứa hẹn với một thế hệ trẻ đông đảo, năng động và nước Pháp là một đối tác bình đẳng, đáng tin cậy để song hành cùng thế hệ trẻ đó của châu Phi.
Pháp có thể khôi phục vị thế và lòng tin
Làn sóng chống Pháp tại châu Phi hiện đang ở mức cao chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ qua. Các cuộc biểu tình, các khẩu hiệu chống Pháp xuất hiện ở hầu hết các quốc gia châu Phi có quan hệ lịch sử với Pháp và trên thực tế, làn sóng này đã thể hiện bằng thực tế thông qua việc Pháp bị tước bỏ vai trò và ảnh hưởng tại Mali hay tại Burkina Faso gần đây.
Đã có rất nhiều tranh luận, phân tích trong giới quan chức, học giả Pháp thời gian qua về việc tại sao ảnh hưởng của Pháp tại châu Phi ngày càng suy giảm, kể cả tại các quốc gia vốn có truyền thống là nằm trong phạm vi ảnh hưởng của Pháp. Giới chức lãnh đạo Pháp nhắc khá nhiều đến sự cạnh tranh của các cường quốc khác như Trung Quốc, Nga và kể cả Mỹ, Đức để giải thích cho việc các nước châu Phi bị kéo khỏi tầm ảnh hưởng của Pháp.
Pháp cũng chỉ trích các chiến dịch thông tin sai lệch của nhiều nước, chỉ trích các chính sách đầu tư của Trung Quốc vào châu Phi, công kích kịch liệt công ty an ninh Wagner của Nga, cho rằng đây là tổ chức tội phạm bảo vệ lợi ích của các chính quyền quân sự châu Phi. Tất cả những giải thích hay biện hộ này từ phía Pháp đều có một phần sự thực nhưng đó không hẳn là nguyên nhân chính.
Trong rất nhiều cuộc khảo sát được thực hiện tại châu Phi, tâm lý chống Pháp xuất hiện nhiều nhất trong lớp trẻ của châu lục này. Thế hệ trẻ tại châu Phi không tin rằng nước Pháp đã đoạn tuyệt với các chính sách hay cách hành xử trong quá khứ thực dân, thậm chí ở một số quốc gia Pháp còn bị xem như là một nhân tố cản trở tiến trình dân chủ ở quốc gia đó, khi luôn duy trì liên hệ mật thiết với các chính quyền nắm giữ quyền lực lâu năm hay các lực lượng quân sự. Đây chính là cốt lõi vấn đề mà Tổng thống Emmanuel Macron đã nhận thức được, và là lí do ông coi giới trẻ châu Phi là đối tượng ưu tiên nhất trong chính sách mới của nước Pháp với châu Phi.
Bản thân ông Macron cũng muốn tận dụng lợi thế cá nhân rằng ông cũng là một người của thế hệ trẻ, không liên quan đến quá khứ thực dân và mong muốn xây dựng một quan hệ tương lai mới hoàn toàn bình đẳng và cùng có lợi với châu Phi. Dĩ nhiên đây sẽ là một thách thức rất lớn bởi ngoài các vướng mắc của lịch sử, Pháp cũng phải chịu sự cạnh tranh ngày càng lớn từ các cường quốc khác đang xem châu Phi là khu vực chiến lược quan trọng của thế kỷ 21, từ Trung Quốc, Nga cho đến Mỹ, Đức và Anh.
Tất nhiên, nước Pháp vẫn có những lợi thế không nhỏ để phục hồi ảnh hưởng của mình. Ngôn ngữ là một vũ khí quan trọng. Rất nhiều quốc gia châu Phi nằm trong khối Pháp ngữ và vẫn chịu ảnh hưởng cực kỳ lớn của Pháp về ngôn ngữ, văn hóa, vẫn liên kết chặt chẽ với nước Pháp nhờ những cộng đồng kiều dân châu Phi đông đảo sinh sống tại Pháp.
Đây là mối liên hệ lịch sử phức tạp, nhiều đau thương nhưng cũng rất bền chặt. Tiếp theo, dù sức mạnh kinh tế của Pháp không còn quá lớn và ngày càng chịu áp lực lớn từ các dự án đầu tư của Trung Quốc vào châu Phi nhưng Pháp hiện vẫn là đối tác kinh tế hàng đầu của nhiều nước như Bờ Biển Ngà, Senegal… Đó là những cơ sở để Pháp có thể từng bước khôi phục vị thế của mình tại châu Phi. Nhưng yếu tố quan trọng nhất với nước Pháp, đó vẫn phải là sự thành thật thay đổi toàn bộ cách hành xử với các nước châu Phi, đoạn tuyệt với bất cứ tư duy hay nhận thức “bề trên” nào với châu lục này. Đây không chỉ là thách thức với tư duy đối ngoại của nước Pháp mà còn với chính cá nhân Tổng thống Emmanuel Macron./.