Chuyến công du khẳng định vị thế

Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva đã có chuyến công du quan trọng tới châu Âu từ ngày 21 - 24/6, trong đó nhà lãnh đạo quốc gia lớn nhất Mỹ Latinh này đã hội đàm với Giáo hoàng Francis, người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron và các nhà lãnh đạo của Italy.

Tổng thống Brazil Lula da Silva (trái) và Thủ tướng Italy Giorgia Meloni tại cuộc gặp ở Rome ngày 21/6/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổng thống Brazil Lula da Silva (trái) và Thủ tướng Italy Giorgia Meloni tại cuộc gặp ở Rome ngày 21/6/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Chuyến thăm châu Âu vừa qua nằm trong nỗ lực của ông Lula da Silva nhằm tái định vị Brazil trên trường quốc tế sau 4 năm quốc gia này rơi vào tình trạng bị cô lập về ngoại giao dưới thời người tiền nhiệm Jair Bolsonaro, đồng thời cũng giúp củng cố hơn nữa vai trò lãnh đạo khu vực của Brazil, trong đó vấn đề ưu tiên là tháo gỡ các nút thắt trong thỏa thuận thương mại tự do (FTA) giữa Khối thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) và Liên minh châu Âu (EU).

Ngoài ra, thông qua việc tham dự Hội nghị thượng đỉnh về Hiệp ước tài chính toàn cầu mới do Pháp chủ trì, Tổng thống Brazil cũng mong muốn đẩy mạnh hơn nữa hợp tác quốc tế và khẳng định vai trò trong việc giải quyết các vấn đề có tầm quan trọng toàn cầu, bao gồm bảo vệ môi trường và tăng cường cuộc chiến chống bất bình đẳng.

Tại Vatican, ông Lula da Silva ngày 21/6 đã được Giáo hoàng Francis đón tiếp trong không khí thân mật và hữu nghị. Trong cuộc gặp kéo dài 45 phút, hai bên đã trao đổi quan điểm về tình hình chính trị xã hội của khu vực, đồng thời thảo luận về các biện pháp thúc đẩy hòa bình và giảm thiểu tình trạng bất bình đẳng, cũng như đẩy mạnh các chương trình bảo vệ môi trường tại khu vực rừng rậm Amazon.

Theo ông Luis Badilla, giám đốc của trang điện tử Seismograph chuyên theo dõi tin tức liên quan đến Tòa thánh Vatican, cuộc gặp thể hiện mối quan hệ cá nhân tốt đẹp giữa Giáo hoàng Francis và Tổng thống Brazil, do người đứng đầu Giáo hội Công giáo vẫn quyết định hội kiến với ông Lula da Silva dù chỉ mới xuất viện sau khi điều trị chứng thoát vị thành bụng được vài ngày. Ông Baddilla khẳng định Tổng thống Lula da Silva là một trong những nhà lãnh đạo được Giáo hoàng Francis tin tưởng trong việc thảo luận về các vấn đề địa chính trị quan trọng trên thế giới.

Trong khuôn khổ chuyến công du châu Âu, Tổng thống Brazil cũng đã có chuyến thăm ngắn tới Italy, trong đó nhà lãnh đạo này đã có cuộc gặp với người đồng cấp Sergio Mattarella và Thủ tướng nước chủ nhà Giorgia Meloni.

Đây là lần đầu tiên một nguyên thủ quốc gia của Brazil thăm chính thức Italy kể từ năm 2015. Chuyến thăm thể hiện quan hệ hợp tác quan trọng giữa Brazil và Italy - đối tác chiến lược của nước này kể từ năm 2007 và là một trong những quốc gia ủng hộ mạnh mẽ thỏa thuận thương mại tự do Mercosur-EU, đồng thời cũng nhằm đánh dấu quá trình Brazil hội nhập sâu rộng hơn vào các chương trình nghị sự quốc tế.

Cựu Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Brazil Roberto Amaral cho rằng cuộc gặp giữa Tổng thống cánh tả của Brazil và nữ Thủ tướng cánh hữu của Italy không chỉ củng cố mối quan hệ song phương, mà còn giúp ông Lula da Silva “xua tan” những nghi ngờ cả ở trong nước và quốc tế về việc nhà lãnh đạo này xây dựng đường lối đối ngoại dựa trên ý thức hệ. Ông Amaral dẫn lại lời của Tổng thống Lula da Silva sau cuộc gặp với bà Meloni để chứng minh cho nhận định của mình: “Khi một nguyên thủ quốc gia gặp một lãnh đạo quốc gia khác, vấn đề ý thức hệ cần phải được gạt qua một bên. Tôi đến đây với mục đích thảo luận về những đề quan trọng nhằm giúp hai nước cùng đạt được lợi ích chung”.

Ngoài việc củng cố mối quan hệ giữa Brazil với Vatican và Italy, chuyến công du châu Âu của Tổng thống Brazil còn đặt trọng tâm vào việc tháo gỡ các nút thắt trong thỏa thuận thương mại tự do Mercosur-EU thông qua cuộc gặp giữa ông Lula da Silva và người đồng cấp Pháp Emanuel Macron vào ngày 23/6. Cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo này thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận không chỉ tại Brazil mà còn tại các quốc gia thành viên khác của Mercosur như Argentina, Uruguay và Paraguay.

EU và Mercosur đã đạt được một thỏa thuận khung về FTA hồi năm 2019 sau hai thập niên đàm phán khó khăn. Tuy nhiên, văn kiện này đến nay vẫn chưa được phê chuẩn do châu Âu lo ngại về tình trạng tàn phá rừng tại khu vực Amazon. Ngoài ra, một số quốc gia châu Âu có ngành nông nghiệp mạnh, đặc biệt là Pháp, không muốn mở cửa thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp cạnh tranh từ khối thị trường chung Nam Mỹ.

Theo chuyên gia nghiên cứu về Mỹ Latinh Peter Birle, mối quan hệ tốt đẹp kéo dài hàng thập niên giữa Pháp và Brazil đã “chạm đáy” trong giai đoạn 2019-2022 dưới thời Tổng thống Bolsonaro. Vào tháng 8/2019, trong một cuộc họp bên lề Hội nghị thượng đỉnh của khối G7, Tổng thống Macron lên tiếng cho rằng Chính phủ Brazil đã không có những biện pháp kịp thời nhằm ngăn chặn tình trạng tàn phá rừng nghiêm trọng ở Amazon, đồng thời cáo buộc ông Bolsonaro “nói dối” về những cam kết vì môi trường. Ông Bolsonaro sau đó đáp trả bằng những bình luận thiếu tôn trọng Tổng thống Pháp.

Khi ông Lula da Silva bắt đầu chuyến thăm tới Pháp, nhiều chuyên gia cho rằng đây là bước khởi đầu mới cho quan hệ song phương, cũng như là cơ hội để hai bên tháo gỡ các nút thắt liên quan đến FTA giữa Mercosur-EU. Giữa hai nhà lãnh đạo không tồn tại bất kỳ bất đồng cá nhân nào. Ông Lula da Silva thậm chí còn công khai vận động các đảng phái cánh tả của Pháp ủng hộ ông Macron tái đắc cử vào năm 2022.

Tuy nhiên, không vì vậy mà hai bên có thể đi đến đồng thuận trong vấn đề thương mại tự do. Ngay trước chuyến thăm của ông Lula da Silva, các liên đoàn và hiệp hội nông nghiệp của Pháp đã gây áp lực với quốc hội yêu cầu Tổng thống Macron “từ chối dứt khoát” hiệp định thương mại với khối Mercosur. Vấn đề không chỉ đến từ phía Pháp, ngay cả Brazil cũng muốn xem xét lại một số điều kiện về mở cửa thị trường. Theo quan điểm của các hiệp hội công nghiệp Brazil, việc các sản phẩm của châu Âu tràn vào nước này sẽ là mối đe dọa đối với nền kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực việc làm.

Chính vì vậy, mặc dù ông Lula da Silva tuyên bố cuộc gặp với Tổng thống Macron “rất tuyệt vời”, chuyên gia Peter Birle nhận định để khởi động lại quan hệ nồng ấm giữa Brazil và Pháp, đặc biệt là trong vấn đề liên quan đến FTA giữa Mercosur-EU, hai bên vẫn còn một số rào cản cần phải vượt qua.

Trong buổi họp báo cuối cùng trước khi kết thúc chuyến thăm châu Âu ngày 24/6, Tổng thống Lula da Silva thừa nhận ông Macron đang “gặp phải một số khó khăn” từ phía Quốc hội Pháp trong vấn đề ký kết thỏa thuận thương mại Mercosur-EU. Tuy vậy, Tổng thống Brazil đã “ấn định” thời hạn EU và Mercosur phải đưa ra "quyết định cuối cùng" về thỏa thuận thỏa thuận thương mại tự do giữa hai khối là vào cuối năm nay. Ông Lula da Silva khẳng định đây sẽ là một trong những vấn đề trọng tâm tại Hội nghị thượng đỉnh giữa Tổ chức các quốc gia Mỹ Latinh và Caribe (CELAC) và EU diễn ra vào tháng 7 tới tại thủ đô Brussels của Bỉ. Ngoài ra, nhà lãnh đạo Brazil không quên nhắc lại rằng EU và Mercosur cần phải “gác lại sự kiêu ngạo sang một bên”, đồng thời nhấn mạnh “công bằng và lẽ phải” sẽ chiến thắng.

Mặc dù có một số kết quả chưa được như ý muốn, nhưng chuyến công du của Tổng thống Lula da Silva cho thấy Brazil đã khẳng định được tiếng nói và chính kiến riêng, những điều kiện cần thiết để nước này có thể trở thành một trong những “đối tác chính” trên sân khấu chính trị toàn cầu.

Ngọc Tùng (phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/chuyen-cong-du-khang-dinh-vi-the-20230624220154984.htm