Chuyến công du nhiều mục đích
Tổng thống Pháp đang trong chuyến thăm kéo dài 5 ngày (từ 24 - 28.7) tới các quần đảo nằm ở Nam Thái Bình Dương là Papua New Guinea, Vanuatu và New Caledonia với mục tiêu định hình tương lai tươi sáng hơn cho chính mình cùng các đối tác trong khu vực năng động và quan trọng này của thế giới.
Chuyến đi lịch sử
Vai trò của Pháp ở khu vực Thái Bình Dương ngày càng trở nên quan trọng và phức tạp. Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc, Pháp cần thể hiện cam kết đối với khu vực, cũng như tăng cường quan hệ đối tác. Chuyến thăm của Tổng thống Emmanuel Macron đến Papua New Guinea, Vanuatu và New Caledonia được đánh giá là dịp quan trọng để củng cố vị thế của Pháp tại đây.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có chặng dừng chân đầu tiên tại lãnh thổ hải ngoại của Pháp New Caledonia. Tại đây, ông ưu tiên giải quyết các khó khăn về kinh tế sau đại dịch Covid-19, thúc đẩy vấn đề sinh thái, môi trường và nhất là quy chế chính trị cho lãnh thổ hải ngoại này. Nhà lãnh đạo Pháp đang tìm cách xây dựng lại lòng tin của người Kanak bản địa đang thất vọng với hình ảnh của Pháp tại đây, đồng thời tìm ra giải pháp hóa giải sự chia rẽ trong việc quản lý nguồn dự trữ niken giàu có của khu vực.
Những năm gần đây, quan hệ giữa chính quyền trung ương Pháp với New Caledonia luôn ở trong tình trạng căng thẳng. Quần đảo này đã liên tiếp 3 lần tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập và nhiều khả năng một cuộc trưng cầu dân ý với mong muốn tách khỏi nước Pháp tiếp theo sẽ được tổ chức vào năm 2024. Theo các nhà phân tích, Tổng thống Macron cần phải có bước đi thận trọng, đạt được sự cân bằng tinh tế giữa việc tôn trọng nguyện vọng của phong trào độc lập lẫn tái khẳng định cam kết của Pháp đối với quá trình phi thực dân hóa, tìm ra con đường tương lai mà cả hai bên đều nhất trí cho vị thế tương lai của quần đảo.
Hai chặng dừng chân tiếp theo của người đứng đầu nước Pháp đều là những quốc đảo từng là thuộc địa cũ là Vanuatu và Papua New Guinea. Giới quan sát đánh giá, đây là chuyến đi lịch sử bởi ông Emmanuel Macron là Tổng thống Pháp đầu tiên đến thăm hai quốc gia này kể từ khi độc lập, tách khỏi Pháp. Giới quan sát thậm chí đánh giá, chặng dừng chân cuối cùng và quan trọng nhất về mặt chiến lược của ông Macron là vào 27.7 tại Papua New Guinea, nơi ngày càng tăng cường quan hệ với các nước lớn. Trong khi sự ảnh hưởng của Trung Quốc đang gia tăng rõ rệt tại đây thì nước này đã ký một hiệp ước hợp tác an ninh mới với Mỹ vào tháng Năm vừa qua. Chưa hết, quốc đảo đông dân nhất Thái Bình Dương này cũng đang đàm phán một hiệp ước an ninh với Australia. Theo dự kiến, Pháp sẽ ký một số thỏa thuận hợp tác và an ninh với Vanuatu cũng như hướng tới mối quan hệ đối tác về đầu tư và quốc phòng với Papua New Guinea bên cạnh ưu tiên trong vấn đề chống biến đổi khí hậu.
Bảo vệ lợi ích
Văn phòng của Tổng thống Macron khẳng định, chuyến thăm mới nhất của người đứng đầu nước Pháp nhằm khuyến khích các quốc gia lớn trong khu vực đa dạng hóa quan hệ đối tác của họ ngoài Bắc Kinh và Washington. Theo ông Macron, chuyến đi này là cần thiết trước “những mối đe dọa mới, dữ dội hơn” đối với an ninh, thể chế và môi trường trong khu vực.
Tổng thống Macron mong muốn Pháp trở thành lựa chọn thay thế trước sự cạnh tranh ảnh hưởng Mỹ - Trung ngày càng gay gắt tại khu vực. Pháp nắm giữ vùng đặc quyền kinh tế lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ, với hơn 11 triệu kilômét vuông. Thái Bình Dương, Pháp có chủ quyền đối với ba vùng lãnh thổ: New Caledonia, Polynesia thuộc Pháp và Wallis and Futuna; ở Ấn Độ Dương, Pháp có chủ quyền đối với đảo Réunion, chính vì vậy, theo AP, với chuyến thăm của ông chủ Điện Elyseé, Pháp muốn bảo vệ lợi ích của chính mình, thể hiện sức mạnh bên cạnh sự hiện diện của các cường quốc khác, đồng thời tập trung vào chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Thực tế, trong phiên bản cập nhật của Chiến lược Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương tháng 2.2022, Pháp cam kết tăng cường quan hệ với các đảo tại khu vực dựa trên các đòn bẩy kinh tế, văn hóa và môi trường để bảo đảm lợi ích do 60% vùng đặc quyền kinh tế của Pháp là ở Thái Bình Dương. Ông Macron năm ngoái đã khởi động lại cách tiếp cận Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sau khi nổ ra tranh cãi gay gắt với Australia về việc hủy bỏ một hợp đồng tàu ngầm lớn.
Chuyến thăm của Tổng thống Macron cũng tạo cơ hội thể hiện cam kết của Pháp đối với an ninh hàng hải. Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang chứng kiến sự gia tăng các thách thức hàng hải, chẳng hạn như đánh bắt cá trái phép, cướp biển và buôn lậu. Bằng cách tăng cường phối hợp với các đối tác tại đây, bao gồm Australia, New Zealand và các quốc đảo Thái Bình Dương, Pháp có thể đóng góp vào an toàn hàng hải và ổn định trong khu vực.
Nói chung, chuyến thăm các quần đảo Nam Thái Bình Dương lịch sử của Tổng thống Macron không chỉ là chuyến công du ngoại giao, nó còn đại diện cho thời điểm quan trọng đối với vai trò của Pháp ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Khu vực này ngày càng trở nên quan trọng trên trường quốc tế, do tiềm năng kinh tế, ý nghĩa chiến lược và sự phức tạp địa chính trị ngày càng tăng của nó. Khi các cường quốc lớn khác, chẳng hạn như Mỹ, Trung Quốc, Australia và Ấn Độ, tăng cường tập trung vào Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Pháp không thể để bị tụt lại phía sau. Do đó, chuyến thăm mới đây nhất của Tổng thống Macron tạo cơ hội để Pháp tái khẳng định sự hiện diện, củng cố quan hệ và thúc đẩy mối quan hệ mang tính xây dựng với các đối tác Thái Bình Dương.