Chuyện cụ Bùi Bằng Ðoàn: Mười hai năm ở Huế
Dưới đây là bài báo in trên tờ INDOCHINE (Ðông Dương) số 40 xuất bản năm 1933. Bài báo có in kèm ảnh Thượng thư bộ Hình Bùi Bằng Ðoàn.
Sau khi về nước ít ngày Hoàng đế Bảo Đại ra một đạo dụ. Đạo dụ của Triều đình ngày 10/9/1932 công bố ý chỉ của nhà vua Pháp điển xứ An Nam với những luật lệ và tòa án hiện đại. Bộ Tư pháp với quyền hạn nhiệm vụ được ghi rõ trong Đạo dụ ấy từ ngày 2/5/1933 được ủy thác cho ngài Bùi Bằng Đoàn nguyên Tuần phủ và Chánh án Tòa án tỉnh ở Bắc Kỳ nổi tiếng về kinh nghiệm và thanh liêm. Ông là người rất đúng tầm của nhiệm vụ.
Phải nói thêm để có thể hoàn chỉnh tiểu sử ngắn gọn về ngài Bùi Bằng Đoàn. Ngài được hưởng Hiệp sĩ Bắc đẩu Bội tinh. Long Bội tinh. Nông nghiệp công trạng Bội tinh. Huyền kim bội tinh xứ Bê nanh. Vạn tượng bội tinh. Đệ nhất đẳng kim khánh. Đệ nhất đẳng kim tiền.
Người mà Hoàng đế Bảo Đại cử làm Thượng thư Bộ Tư pháp là như vậy. Từ ngày 2/5/1933 Bộ này mang một khuôn mặt mới. Bắt tay vào sự nghiệp, ngài Bùi Bằng Đoàn nghiên cứu hồ sơ nắm bắt thông tin thanh tra các tỉnh và mau chóng đưa ra chương trình hành động của Bộ mình. Với sự thúc đẩy sáng suốt, tài năng và tinh thông của vị thượng quan này, việc cải cách hệ thống pháp luật được tiến hành vững chắc và có phương pháp đạt được hiệu quả thực tế được mọi người ca tụng.
…
Nếu được phép so sánh, chúng ta sẽ nói việc cải cách tư pháp ở Bắc Kỳ bắt đầu từ năm 1917 thì ngành Tòa án Nam triều trong tám năm sau này có những cải tiến rõ ràng và nhanh chóng…
…
Để tôn vinh đặc biệt vị Thượng thư này người đại khiêm tốn đại kiệm lời thì phải nói ông đúng là một con người và nhà lãnh đạo đúng trong tất cả ý nghĩa của từ đó. Con người có một lý tưởng cao cả thầm lặng…
(Hết trích)
Bảy tuổi mất mẹ. Tám tuổi mất cha. Lớn lên trong sự đùm bọc của anh em chú bác họ hàng. Mấy anh em chỉ có con đường học, thi để lập thân. Khóa thi Hương năm Bính Ngọ (1906) trường Nam thi lẫn với trường Hà, 17 tuổi chàng trai Bùi Bằng Đoàn cùng hai người anh ruột, Bùi Bằng Phấn (cả) Bùi Bằng Thuận (thứ hai) ứng thí tại trường thi Hà Nam. Bùi Bằng Đoàn đậu cử nhân cùng người anh hai. Còn người anh cả đậu tú tài. Chẳng hay cái tên lót Bằng ấy ai ban ai đặt cho ba anh em? Bằng là giống chim bằng. Giống linh điểu mắt dõi xa ngàn thước bay bổng cao hàng chục trượng. Sau khoa thi ấy cái tên tam bằng Hà Đông xuất hiện để trỏ, chỉ vào nhà họ Bùi. Tên ấy của giới khoa cử của dân chúng gọi một cách tự phát.
Bây giờ trong niên biểu trong lý lịch của vị Thượng thư bộ Hình của vị Chủ tịch Quốc hội khóa đầu tiên của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi năm sinh của cụ Bùi là 1889. Nhưng kỳ thực là năm 1886 vì chàng cử nhân Bùi Bằng Đoàn đã phải khai tăng lên 3 tuổi để kịp vào Trường Hậu bổ ngay năm sau theo quy định. Bốn năm miệt mài đèn sách, chàng giật ngôi thủ khoa Trường Hậu bổ. Năm 1911, ông quan trẻ Bùi Bằng Đoàn bắt đầu bước vào đường hoạn lộ được bổ nhiệm làm Tri huyện tập sự ở huyện Nghĩa Hưng Nam Định. Nghĩa Hưng là vùng đất thiêng đất lành. Người cha Bùi Tập năm xa đã từng làm tri huyện ở đây. Lần lượt Bùi Bằng Đoàn hanh thông các chức. Tri huyện Phú Thọ, Thái Nguyên, Hưng Yên, Bắc Ninh rồi tri phủ của hai huyện thuộc Nam Định. Việc khởi xướng và hoàn tất công trình đê ngặn mặn Bạch Long, dân chúng phủ Xuân Trường đã ghi ơn bằng cách cử hành lễ tế sống vị tri phủ khi đó mới chưa đến ba mươi tuổi!
Từ ngạch huyện phủ lên quan tỉnh. Sáu năm lần lượt các vị thế những Án sát, Chánh án, Bố chánh, Tuần phủqua 5 tỉnh những Cao Bằng, Lạng Sơn, Phúc Yên, Bắc Ninh, Ninh Bình. Một sự kiện khi đang trị nhậm ở xứ Lạng tháng Giêng năm 1928, Thống sứ Bắc Kỳ đã điều biệt phái vị Án sát 39 tuổi Bùi Bằng Đoàn vào Nam bộ thanh tra các đồn điền cao su. Gọi là sự kiện bởi lần đầu một vị quan An Nam được điều đi thanh tra những ông chủ đồn điền người Pháp!
Sau 22 năm trải các vai quan chức tại các địa phương, vào tuổi bốn mươi, Bùi Bằng Đoàn được điều vào Huế giao trọng trách đứng đầu bộ Hình Thượng thư rồi sung vào Cơ mật viện.
Ông Bùi Nghĩa kể rằng, Triều đình thời đó có 2 Bộ quan trọng nếu ham giàu thì xoay tiền rất dễ. Đó là bộ Lại, việc chạy quan. Ở Bộ Hình thì chạy tội. Ngay cả thời gian làm quan ở địa phương mỗi khi tới huyện, phủ hay tỉnh nào nhậm chức bao giờ chức dịch dưới quyền hay khách danh vọng sở tại cũng đến chào ra mắt thường lỉnh kỉnh những quà cáp. Ông cụ tôi đều ân cần tiếp đón nhưng tuyệt đối không nhận lễ vật và còn căn dặn chúng tôi lỡ có vắng cha ở nhà cũng không được nhận. Hầu như trong suốt thời gian làm quan ở các tỉnh cũng như vô Huế ông cụ không mang theo phu nhân không có cồng bà trông nom cổng hậu. Bà cụ tôi vẫn ở quê nhà trông nom vườn tược từ đường. Chỉ có chị em chúng tôi theo cha đi để ăn học.
Vẫn chuyện ông Bùi Nghĩa.
Có lần ở Huế một người được Tòa án xử thắng kiện đến thăm có ý tạ cụ Thượng đem quà biếu là một bộ đồ ăn đựng trong hộp. Hôm đó ông cụ tôi vắng nhà họ gửi lại cái hộp. Chị tôi nghe vậy để đấy nhưng không giở ra xem. Khi về mở ra thấy bộ đồ ăn Tây gồm dao thìa nĩa bằng bạc rất đắt tiền ông cụ tôi bắt chị tôi mang trả lại ngay. Cụ tôi nói các quan tòa của Cậu xử không thiên vị mà người ta thắng. Đó là kết quả công minh của pháp luật chứ không phải sự gia ân của Cậu hay của một ai.
Người kéo xe cho cụ tôi được phong Cửu phẩm mang quà đến cám ơn và nói để Cụ mừng cho con. Quà là một bịch chôm chôm tươi ngon. Cụ tôi rút ra một nhánh nói là phần tôi thế này là đủ còn thầy đem xuống đội chia cho anh em được dịp chung vui.
Có người bạn vong niên là cụ Phan Điện. Phan Điện vừa là thầy học vừa là chỗ giao du thân gần của cụ Bùi. Cụ Phan Điện thân sinh của những Phan Mỹ, Phan Anh sau này đều là những yếu nhân của cách mạng. Cụ Bùi rất quý tính tiết tháo cương trực lại pha chút hài hước của vị nhân sĩ quê ở làng Tùng Ảnh huyện Đức Thọ. Có hôm cụ Phan Điện tới chơi đi chân đất từ cổng. Còn dép thì cắp vào nách. Cụ tôi cười sao thầy lại làm vậy? Cụ cười, quan cứ tưởng nhà quan sạch đấy hẳn? Luôn răn trò đương ở chức Thượng thư từ những chuyện nhỏ như vậy!
(Còn nữa)
Mỗi khi có việc trọng như đi thăm thầy tôi chẳng hạn cụ thường mang áo the đen chứ không phải gấm. Thứ áo the đen có lót lần vải chúc bâu. Ðôi giày tây (soulier) gọn ghẽ hoạt bát chứ không phải giày Gia Ðịnh không có quai hậu (trích hồi ức của nhà nghiên cứu kiêm Huế học Thân Trọng Ninh).