Chuyện của đoàn lô tô bị mắc kẹt trong mùa dịch: 'Trời mưa chỉ biết vừa chạy vừa khóc'

Hơn 2 tháng qua, đoàn lô tô mà chị Mỹ Hạnh (48 tuổi, quê Bến Tre) đang theo đã bị mắc kẹt tại Bình Định. Không có nơi để đi tiếp, chẳng có chỗ để trở về, các thành viên trong đoàn đành cắm bến, dựng lều ở tạm.

Gánh lô tô không sáng đèn

Bốn chiếc ghế con, một tấm ván được đặt lên trên, đó là chiếc giường “dã chiến” của chị Mỹ Hạnh tại đoàn lô tô Mai Tuyết Ly. Có lẽ, đây là chỗ tươm tất trong đoàn, nơi chị ngả lưng vào buổi tối.

Chị bị tai biến vào năm ngoái, nó khiến chị đi không vững, cầm nắm đồ vật cũng khó khăn. Hằng ngày, Mía Lau, em ruột chị Mỹ Hạnh và cũng là người chuyển giới, sẽ chăm sóc, lo ăn uống cho chị. Đoàn gần 20 người, nương nhờ dưới một túp lều dựng tạm. “Màn” là tấm bạt nilon, phong phanh trước gió, “giường” là những tấm ván gỗ được ghép lại với nhau.

Chị Mỹ Hạnh (ngoài cùng, bên trái)

Chị Mỹ Hạnh (ngoài cùng, bên trái)

Dịch bệnh, giãn cách xã hội khiến gánh lô tô không còn sáng đèn mỗi đêm. Suốt 2 tháng qua, chị Mai Tuyết Ly (chủ đoàn) phải bán xe máy, tài sản dành dụm của bản thân để có thể nuôi “lính”. Chị xin chính quyền được cắm bến trên một mảnh đất ruộng còn trống. Đa phần, các chị em trong đoàn đều là người chuyển giới không thể quay về với gia đình, đặc biệt là trong lúc dịch bệnh. Phấn son, váy hoa, áo dài… đều được cất gọn vào góc tủ, đoàn lô tô buồn hiu hắt. Cũng vì dịch bệnh, mọi người cũng chẳng thể xin được việc làm khác. Lâu lâu, các chị em được mạnh thường quân cho gạo, mắm muối, mì gói, khi thì vài trăm nghìn đồng để tiếp tục sinh sống.

Đoàn tự trồng thêm rau để cải thiện bữa ăn

Đoàn tự trồng thêm rau để cải thiện bữa ăn

Chị Hạnh chia sẻ: “Chị sợ nhất trời mưa. Chị quê ở miền Tây, đây là lần đầu tiên chị biết cảnh mưa gió của miền Trung. Gió thốc, gió lùa, hất tung mọi thứ, mưa đổ xuống tầm tã. Nước dâng lên ướt hết đồ đạc, chị em cùng dìu nhau chạy mưa. Chị khập khễnh từng bước khó nhọc, vừa chạy, vừa khóc, vừa van vái đất trời và nghĩ rằng cuộc đời mình sao mà khổ quá. May mắn thì tụi chị sẽ xin trú được trong nhà dân, không thì phải nép bên hiên chờ trời tạnh mưa”.

Có mấy hôm, đoàn lại bị người lạ mặt “thăm hỏi”. Khi thì họ xin gấu bông, lúc thì họ xin tiền. Nếu không cho, họ sẽ kiếm chuyện chửi mắng, phá đồ đạc.

Giọt nước mắt giữa đại dịch

“Đêm nào chị cũng khóc, chị nhớ gia đình nhưng chẳng thể về”, chị Hạnh nói. Má chị ăn chay, niệm Phật, để cầu bình an cho “hai đứa con gái”. Chị chưa bao giờ dám kể với má về cuộc sống của mình ở Bình Định, cũng giấu luôn chuyện bị tai biến. Chỉ cần bà an lòng, chị sẽ có lí do để bình tâm mà sống tiếp.

Chị Hạnh gặp khó khăn trong việc đi lại

Chị Hạnh gặp khó khăn trong việc đi lại

Chị Hạnh sinh ra trong vùng quê nghèo tại tỉnh Bến Tre. Hồi nhỏ, khi đoàn lô tô về xóm, chị đi theo, ngân nga từng câu hát rồi mê lúc nào không hay. Mỗi lần tức giận vì cậu con trai mặc váy, để tóc dài, trang điểm, ba lại trút những trận đòn roi lên chị. Một ngày, chị quyết định bỏ nhà theo đoàn.

Chị giặt đồ, rửa chén… cho đoàn. Dần dần, chị Mỹ Phụng (chủ đoàn) ngày ấy đã đặt cho chị cái tên Mỹ Hạnh rồi cho chị đứng hát. Hơn 20 năm phiêu bạt từ Bến Tre, Cần Thơ, Sóc Trăng, Hậu Giang rồi lên đến Gia Lai… chị quyết định mở đoàn cho riêng mình. Nhưng rồi dịch bệnh, chị tạm đóng cửa mọi thứ.

Biến cố đau đớn nhất mà chị phải trải qua là khi người chồng 19 năm đầu ấp, tay gối bỏ chị đi lấy vợ. Chị bị tai biến ngay sau đó. Chị không nhớ hết mình đi bao nhiêu bệnh viện, từ Chợ Rẫy, 115 cho đến các phòng khám châm cứu, bệnh tình vẫn không thuyên giảm. Tiền bạc từ đó mà vơi dần. Một ngày, chị Mai Tuyết Ly, người chị em quen biết với chị Mỹ Hạnh nhắn nhủ: “Chị qua Bình Định ở với đoàn em đi, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo”. Từ đó, chị Hạnh có một nơi để về.

“Chị nhớ sân khấu lắm, nhớ da diết”, chị nói.

Có mấy đêm, trong giấc ngủ tròng trành, chị nhớ về chị của ngày xưa. Khi đó, chị được tô phấn, điểm son, được khoác lên mình bộ váy lụa là, rực rỡ sắc màu, được mang guốc cao, được cất tiếng hát.

Chị kể: “Đại dịch này thật khủng khiếp, chị gần như mất tất cả. Nhiều lúc chị bị co giật, ai cũng hoảng sợ. Chị thì không sợ chết đâu, chị chỉ sợ nỗi đau dành cho người ở lại thôi. Lúc buồn quá, nghĩ quẩn, chị toan tự tử nhưng hình ảnh của đoàn lô tô, má, Mía Lau, các chị em khác đã ké chị lại. Chị sẽ sống tiếp cuộc đời của mình, dẫu nó đang có muôn vàn bất hạnh”.

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/xa-hoi/chuyen-cua-doan-lo-to-bi-mac-ket-trong-mua-dich-202109110732272986.html