Chuyện của một 'Vệ út'

Tôi gặp Trung tá, NSƯT Phùng Đệ vào một ngày thu. Trong căn nhà nhỏ nằm sâu ở ngõ 45 Phan Đình Phùng, người cựu chiến binh đã ngoài 90 tuổi đang bận rộn với xấp giấy tờ. Tôi sau khi chào ông thì hỏi luôn: 'Chắc những ngày này chú bận lắm?' (tôi gọi ông là chú và xưng cháu). NSƯT Phùng Đệ đặt xấp giấy xuống: 'Từ khi anh Hàm mất (Đại tá Nguyễn Trọng Hàm) tớ đảm nhiệm vai trò là Trưởng ban liên lạc Chiến sĩ quyết tử Hà Nội thay anh ấy'.

Đứa bé mồ côi

Sinh năm 1933. Lên 2 tuổi thì bố mất và khi 12 tuổi người mẹ tần tảo cũng qua đời. Thế là ngôi nhà tranh ở làng Trích Sài ven Hồ Tây chỉ còn 3 đứa con trai sống với nhau. Vì là con út nên chú bé Đệ được người cô ruột đón về nhà mình ở bãi Phúc Tân. Cậu bé Đệ được người cô cho theo học nghề đóng giày với hy vọng đứa cháu sau này có được một nghề mà sống.

NSƯT Phùng Đệ cho biết: “Tớ học đóng giày được chừng hơn năm, mới chỉ biết đến việc cop, tức là khâu đế giày thì phải dừng học”. Tôi vội hỏi: “Hồi đó chú không theo học được à?”. NSƯT Phùng Đệ cười: “Mới học đến vậy thì Toàn quốc kháng chiến xảy ra”.

Tôi hỏi xen ngang: “Thế chú thành Vệ quốc đoàn như thế nào?”. NSƯT Phùng Đệ chậm rãi kể. Tầm 8 giờ tối ngày 19/12/1946, cả Hà Nội ầm vang tiếng súng Toàn quốc kháng chiến. Thú thực tối hôm đó bản thân tớ và mọi người có ai được nghe “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” của Hồ Chủ tịch đâu vì làm gì có đài mà nghe. Thấy phố phường ầm vang tiếng súng, tớ chợt nhớ ra đã có lần anh thợ cả bảo: Sắp đánh nhau với Pháp rồi em ạ”. Tớ hiểu ngay là đánh nhau với quân Pháp thật rồi”.

Nghệ sĩ ưu tú Phùng Đệ nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2023.

Nghệ sĩ ưu tú Phùng Đệ nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2023.

Thay vì theo mọi người chạy tản cư tránh giặc thì cậu bé Đệ trốn người cô ruột chạy vào phố. Cậu chạy đến những chỗ nào có nhiều tiếng súng thì tới. Cậu bé Đệ chạy tới tới ngõ Gia Ngư thì cũng là lúc trời sáng. Đó là buổi sáng ngày 20/12/1946, cậu bé Đệ thấy các chiến sĩ Vệ quốc đoàn đang hối hả đào đường, hối hả khuân giường tủ dựng chướng ngại vật trên đường phố. Cậu bé Đệ chẳng nói chẳng rằng và cũng chẳng hỏi ai, cứ thế cùng tham gia mọi người. Được một lúc thì có một anh vệ quốc đến bên và hỏi: “Em ở đâu?”. Cậu bé Đệ hồn nhiên trả lời là: “Mọi người ngoài bãi chạy loạn hết cả nên em bị lạc gia đình. Giờ chẳng biết đi đâu, xin các anh cho em được ở đây cùng các anh đánh bọn Pháp”. Tôi đùa: “Lá đơn xin nhập ngũ của chú hồi ấy ngắn gọn và quyết tâm nhất nước đấy”. NSƯT Phùng Đệ cười vui vẻ.

Cậu bé Đệ thành chiến sĩ Vệ quốc đoàn đơn giản từ sáng hôm đó. Các anh chỉ huy đã phân công cậu bé Đệ về Đại đội 15, Tiểu đoàn 103 khu Đông kinh nghĩa thục (Hồi đó Liên khu 1 Hà Nội có Tiểu đoàn 101 Đồng Xuân, Tiểu đoàn 102 Đông Thành). Cậu bé Đệ được giao làm liên lạc kiêm trinh sát cho đại đội.

Tôi hỏi thêm: “Chú kể lần đi trinh sát đầu tiên của mình đi”. NSƯT Phùng Đệ bảo: “Tớ kể nhưng cậu đừng cười đấy”. Một hôm Tiểu đoàn phó Đỗ Đức Liêm (Thượng tướng Vũ Lăng sau này) gặp cậu Đệ và bảo: “Em có biết Sở Thủy Lâm không?”. Chiến sĩ liên lạc tên Đệ vội trả lời: “Em biết chứ”. Tiểu đoàn phó Đỗ Đức Liêm bảo: “Tối nay em đến đó xem bọn Pháp ở đó thế nào? Chúng có đông không nhé”.

Chờ tối hẳn, Hà Nội tối om, cậu bé Đệ cẩn thận bò dọc phố Lò Sũ rồi tới phố Hàng Dầu. Cậu bò tới Sở Thủy Lâm ở số nhà 47 Hàng Dầu (nay là trụ sở Sở VHTT Hà Nội). Cậu bò tới sát tường nhà Thủy Lâm thì nghe thấy bên trong có tiếng bọn Pháp nói xì xồ rất to vọng ra, chứng tỏ quân Pháp ở trong đó rất đông, nên cậu thấy sợ mà vội bò lui ra để quay về. Đi được một đoạn thì gặp anh Lanh, anh Lanh hỏi nhỏ: “Em thấy thế nào?”. Cậu bé Đệ đành thú thật là nghe tiếng xì xồ to quá nên sợ.

Tôi hỏi vui: “Thế chú có được các anh cho bắn súng không?”. NSƯT Phùng Đệ cũng vui mà nói: “Bắn súng thì tớ chưa nhưng ném lựu đạn thì tớ cũng có một lần”. Lần ấy cậu bé Đệ đang ở chốt Trung đội 3 thì thấy quân Pháp hô “A la xô” rất to. Cậu không sợ mà sẵn trong tay có quả lựu đạn cán gỗ, liền làm theo các anh Vệ quốc. Cậu cũng rút chốt lựu đạn rồi ném mạnh về phía địch. NSƯT Phùng Đệ thật thà nói: “Tớ ném vung về phía địch nhưng cũng chẳng biết có bao nhiêu thằng chết nữa”.

Ngày về của Vệ út

Tối ngày 17/2/1947, toàn Trung đoàn Liên khu 1 tức Trung đoàn Thủ đô (sau này là Trung đoàn 102 thuộc Đại đoàn Quân tiên phong - Sư đoàn 308) được lệnh bí mật rút khỏi Hà Nội. Cậu bé Đệ cùng đơn vị bí mật rút qua gầm cầu Long Biên rồi ngược bãi sông Hồng lên bến đò Tứ Tổng sang Tàm Xá.

Tôi lại hỏi thêm: “Danh từ Vệ út chắc là có từ những ngày đánh địch trong nội thành Hà Nội?”. NSƯT Phùng Đệ cho hay: “Cái tên gọi Vệ út không phải có ngay đâu, mà mãi sau này mới có”. Nghe vậy tôi hơi ngỡ ngàng vì trước nay vẫn gọi “Vệ út” là những thiếu nhi ở lại nội thành Hà Nội và tham gia cũng các chiến sĩ Vệ quốc đoàn đánh địch.

Chưa vội giải thích cho tôi rõ mà NSƯT Phùng Đệ chậm rãi mở từng trang giấy cũ, vừa giới thiệu cho tôi xem vừa thong thả kể tiếp: “Khi lên tới chiến khu an toàn rồi thì các chỉ huy nhận thấy cần phải sắp xếp lại tổ chức, nhất là đối với các chiến sĩ là thiếu nhi và phụ nữ sao cho hợp lý và vẫn được ở lại trong đơn vị”.

Theo đó thì cấp trên đã phân loại như sau: Đối với chiến sĩ nữ thì phiên chế vào bộ phận y tế hay hậu cần hoặc vào bộ phận văn nghệ. Đối với thiếu nhi thì những ai trên 15 tuổi bổ sung xuống đơn vị chiến đấu, chính thức là chiến sĩ. Còn những ai dưới 15 tuổi thì vào đội Tuyên văn trung đoàn. Đội này có 30 thiếu nhi do nhạc sĩ Phạm Ngọc Chương và ca sĩ Trần Chất phụ trách. Cậu bé Phùng Văn Đệ thành đội viên đội Tuyên văn Trung đoàn 102 từ đó.

NSƯT Phùng Đệ bấy giờ mới cho biết: “Dịp kỷ niệm ngày 22/12/1948, Trung đoàn có cuộc thi báo tường giữa các đơn vị. Trong khi các đơn vị chiến đấu lấy những cái tên như: Chiến thắng; Xung phong hay Ngọn lửa... để đặt tên cho báo tường của đơn vị mình thì đội Tuyên văn nghĩ mãi chưa ra tên gì. Chợt có ai đó đề xuất: “Lấy tên là “Vệ út”, bởi đội ta gồm toàn đội viên là những thiếu nhi tham gia Vệ quốc đoàn tháng 12/1946”. Thế là cái tên “Vệ út” ra đời và từ đó trở thành danh từ riêng để chỉ các đội viên thiếu nhi chiến đấu trong thành Hà Nội hồi đầu Toàn quốc kháng chiến.

Được biết, dạo Trung đoàn Thủ đô đóng quân ở Phú Thọ, cậu bé Đệ có tình cờ gặp được người cô ruột. Thì ra người cô cũng theo đoàn tản cư lên Phú Thọ. Hai cô cháu gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Người cô ruột cứ nắm tay đứa cháu mà đòi bắt cậu về nhà với cô, không cho đi theo bộ đội nữa. Dĩ nhiên là cậu bé Đệ không chịu. Hai cô cháu lại xa nhau sau lần gặp đó. Người cô đã hồi cư về lại Hà Nội buôn bán lặt vặt kiếm sống.

Các chiến sĩ quyết tử Hà Nội (liên khu 1) chụp ảnh với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, năm 2006.

Các chiến sĩ quyết tử Hà Nội (liên khu 1) chụp ảnh với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, năm 2006.

Đến năm 1951, đội Tuyên văn Trung đoàn được đôn lên Đại đoàn 308 khi đại đoàn thành lập đơn vị văn công. NSƯT Phùng Đệ cho hay: “Văn công đại đoàn do nhạc sĩ Lương Ngọc Trác phụ trách, đi phục vụ bộ đội và nhân dân tất cả các chiến dịch. Từ Chiến dịch Biên giới năm 1951 cho tới Chiến dịch Tây Bắc năm 1952. Từ chiến dịch đồng bằng Bắc bộ cho tới chiến dịch Điện Biên Phủ. Tớ nhớ là sau chiến dịch Điện Biên Phủ thì Đại tướng Tổng tư lệnh có tới thăm hôm Đại hội Văn công toàn quân, ông bảo: “Các đồng chí chuẩn bị thành lập đoàn văn công lớn để chuẩn bị về tiếp quản Hà Nội”.

Theo tinh thần chỉ đạo đó, các đoàn văn công đại đoàn được tổ chức lại thành Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị thứ 2. NSƯT Phùng Đệ cho biết: “Sau khi tổ chức lại, đoàn 2 chúng tớ được tham gia tiếp quản các tỉnh đồng bằng trước bằng các đêm biểu diễn. Bà con ta xem có cảm tình lắm”.

Cho đến ngày mùng 9/10/1954 thì đoàn văn công 2 hành quân về thị xã Hà Đông. NSƯT Phùng Đệ bảo: “Đêm ngủ lại ở Hà Đông ai cũng ngong ngóng trời mau sáng cậu ạ”. Ngong ngóng là phải rồi, sẽ về tiếp quản Hà Nội để giữ trọn lời hẹn thề đêm 17/2/1947. Trời vừa sáng, mọi người đều đã dậy và ăn mặc chỉnh tề. Đoàn văn công 2 theo chân các chiến sĩ, tiến về Hà Nội từ Hà Đông qua Ô Chợ Dừa tới Cửa Nam rồi hội quân ở Cột cờ Hà Nội.

Chân dung nghệ sĩ ưu tú Phùng Đệ.

Chân dung nghệ sĩ ưu tú Phùng Đệ.

Tôi nói vui: “Chắc là hôm đó có nhiều tiểu thư Hà thành nhìn theo anh chiến sĩ hát hay, múa dẻo và diễn kịch tài vừa mới 21 tuổi lắm. Các cô ấy chắc chỉ muốn có được tấm lĩnh Trích Sài để may quần áo”. NSƯT Phùng Đệ cười vui tránh câu trả lời, ông bảo: “Sau lễ chào cờ thì chúng tớ về đóng quân ở sân bat Bạch Mai. Rồi về ở số nhà 17 Lý Nam Đế”.

Tôi sốt ruột hỏi: “Thế khi nào thì chú về làng Trích Sài thăm nhà?”. NSƯT Phùng Đệ im lặng vài giây: “Sau 10 ngày thì cấp trên cho tớ về thăm nhà. Nói thực cũng háo hức lắm nhưng cũng phân vân lắm”. Nói xong người lính già lại im lặng, tôi hiểu điều ông đang phân vân. Cha mẹ mất đã lâu, hai người anh trai cũng bặt tin (sau này được biết người anh cả đã mất, người anh kế phiêu bạt nơi xa). Về lại làng thấy ngôi nhà cũ bị địch đốt cháy giữa mảnh vườn hoang vu. Anh văn công Phùng Đệ đứng lặng hồi lâu nhìn ngôi nhà cháy rồi kéo tay hai người bạn đi cùng quay trở lại đơn vị.

Năm 1958, anh lính văn công Phùng Đệ chuyển sang ngành điện ảnh. Làm phóng viên quay phim chiến trường của Xưởng phim Quân đội. Phóng viên Phùng Đệ đã đi khắp chiến trường B, C và K trong suốt những năm đánh Mỹ.

NSƯT Phùng Đệ đã nhận được các giải thưởng điện ảnh như:

Giải Bông sen Vàng phim: “Ngọn lửa Nghệ Tĩnh”, Liên hoan phim 1964, quay phim; Phim “Võ tay không” - Liên hoan phim 1970, đạo diễn kiêm quay phim; Phim “Những cô gái C3 quân giải phóng” - Liên hoan phim 1973, đạo diễn; Phim “Chiến thắng lịch sử xuân 75 - Liên hoan phim 1977, đồng đạo diễn.

Giải Bồ câu vàng phim “Chiến thắng Đường 9 Nam Lào” - Liên hoan phim Lepzich 1972, quay phim.

Ngoài ra ông còn nhận được Giải Bông sen Bạc cho hai phim tài liệu.

Ông được phong Danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 1994.

Năm 2023, NSƯT Phùng Đệ được nhận “Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật”, cho phim “Những cô gái C3 quân giải phóng”.

Nguyễn Trọng Văn

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/chuyen-cua-mot-ve-ut-i746591/