Hồi sinh 'Trên những hố bom'

'Trên những hố bom' là một bài thơ hay và ấn tượng của nữ nhà thơ Phùng Thị Hương Ly (sinh năm 1991, người dân tộc Tày, quê ở huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn). Tác phẩm này từng nằm trong chùm thơ dự thi và đạt giải nhì trong cuộc thi thơ năm 2021 - 2022 do tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức (cuộc thi không có giải nhất), rồi được đưa vào in trong tập thơ 'Dưới vòm hoa đại khải' của tác giả, do Nhà xuất bản Hội Nhà Văn phát hành cuối năm 2023.

Tác giả Phùng Thị Hương Ly. Ảnh: ST

Tác giả Phùng Thị Hương Ly. Ảnh: ST

Đọc bài thơ ta thấy được một cái nhìn tươi mới của thế hệ nhà thơ 9X khi tiếp cận đề tài chiến tranh cách mạng và người lính. Ở đó, những thi ảnh của cuộc chiến không còn gợi lên bao đau khổ, tang thương mà thay vào đó là những hình ảnh tươi mới của cuộc sống đang được hồi sinh.

TRÊN NHỮNG HỐ BOM
(Phùng Thị Hương Ly)

Xanh lên những mùa cây
Dọc đồi biên ải
Mùi thuốc súng tan vào lòng đất
Mây đã mang đi bụi mù rát bỏng
Vết sẹo là khoảng trống khôn cùng

Tu hú vọng da diết bên thung
Từng chùm vải rừng au au chín
Nhìn bầy chim đến chở mùa đi
Tiếng hót chênh chao bên hố bom cả đời cha không sao lấp nổi

Những đêm côn trùng ri rỉ lòng núi
Cha kể chúng con nghe chuyện chiến hào
Chuyện người cựu binh mất ngủ
Hòa vào những đêm thanh lặng
Đinh ninh phía trước mình là đồng đội
Lẫn vào đoàn quân qua cánh rừng
Người đi giữa sương khuya mòn mỏi

Tiếng tu hú trở về mùa vải
Biêng biếc vùng trời
Cha bắc máng tre dẫn nước đổ đầy khoảng trống
Tay đắp đập be bờ những bờ cỏ xanh tơ
Mầm sống nảy nở trên kí ức
Bầy cá quẫy động trăng rằm
Người cựu binh không còn những đêm thức trắng
Lưng đồi âm âm gió
Búp sen ngập ngừng đáy nước
Mùa thơm ngan ngát bên đồi.

(Theo “Văn nghệ Quân đội”, ngày 21 tháng 9 năm 2021)

Bài thơ là tiếng lòng của lớp người trẻ, thế hệ con cái của những cựu binh vừa mới bước ra khỏi cuộc chiến. Đó là cái nhìn thấu hiểu, chia sẻ với những đau thương, mất mát của các thế hệ cha ông khi phải đi qua chiến tranh, đồng thời cũng thể hiện niềm vui mừng trước những hồi sinh của quê hương trên đống đổ nát mà đạn bom để lại.

Cái nhìn và nỗi niềm ấy trong bài thơ được nhà thơ thể hiện qua mạch cảm xúc ở hai khổ thơ đầu là hình ảnh cuộc chiến cùng những đổi thay của cảnh vật trên miền biên ải; khổ thơ thứ ba là ký ức của người cha truyền lại cho con trong những câu chuyện về một thời đã qua của chiến tranh trong đêm khuya mất ngủ; khổ cuối là hình ảnh cuộc sống tươi đẹp hồi sinh ở nơi biên viễn, trên những đống tro tàn của chiến tranh.

Phần đầu của bài thơ tác giả nói về những đổi thay của cảnh vật ở miền biên ải khi cuộc chiến đã đi qua. Ở đây người đọc vẫn nhận ra những thi ảnh của thời chiến nhưng đó chỉ là những tàn dư còn sót lại trong ký ức và dường như cũng đã biến mất khỏi mặt đất: “Mùi thuốc súng tan vào lòng đất/ Mây đã mang đi bụi mù rát bỏng”. Và thay vào đó là hình ảnh của sự sống đang hồi sinh: “Xanh lên những mùa cây/ Dọc đồi biên ải”; “Tu hú vọng da diết bên thung/ Từng chùm vải rừng au au chín”.

Có thể nói, hai thi ảnh của thời chiến “mùi thuốc súng”, “bụi mù rát bỏng” cùng với nghệ thuật đảo ngữ “Xanh lên những mùa cây”; nghệ thuật ẩn dụ “Mùi thuốc súng tan vào lòng đất”; nghệ thuật nhân hóa “Mây đã mang đi bụi mù rát bỏng”; “Tu hú vọng da diết bên thung”, “bầy chim đến chở mùa đi”, nữ thi sĩ thế hệ 9X này không chỉ gợi lên cho ta thấy sự khốc liệt của một thời đạn bom mà còn khắc họa một cách ấn thượng về những thay đổi, phát triển trên dọc vùng núi đồi biên viễn xa xôi. Ở đó không còn những hố bom với chết chóc rình rập nữa và thay vào đó là màu xanh của cây lá và thanh âm của những tiếng chim báo hiệu hè về. Nhưng đấy chỉ là thoảng nhìn sự vật trên mặt đất còn trong ký ức của những người lính thì một thời chiến tranh vẫn còn hằn sâu trong ký ức và trở thành nỗi ám ảnh khôn nguôi: “Vết sẹo là khoảng trống khôn cùng”; “Nhìn bầy chim đến chở mùa đi/ Tiếng hót chênh chao bên hố bom cả đời cha không sao lấp nổi”.

Quả thực với những ai đã từng đi qua chiến tranh thì mới thấu hiểu đạn bom mãi là một nỗi ám ảnh khôn cùng, nhất là với người lính. Thế đấy, bên dưới cái màu xanh của cây lá, hoa trái tươi đẹp kia; đằng sau những âm thanh gọi hè sang đang vang vọng da diết kia vẫn còn âm ỉ nỗi đau chưa thể nguôi ngoai trong lòng người lính về cuộc chiến mình vừa đi qua. Cái nỗi đau ấy được nhà thơ tái hiện một cách rất khéo, qua hình ảnh ẩn dụ đầy tinh tế. Những “hố bom” trên mặt đất có thể đã mọc da, được che đậy, đổi thay bằng những cây trái tốt tươi nhưng trong lòng người lính cái “vết sẹo” ấy mãi vẫn là “khoảng trống khôn cùng” mà cả đời vẫn “không sao lấp nổi”.

Thế đấy, chiến tranh quả là khủng khiếp. Di chứng của nó trên mặt đất có thể mất đi nhưng trong lòng người từng đi qua cuộc chiến thì khó có thể thay đổi. Thoạt đọc hai khổ thơ mở đầu này người ta cứ ngỡ là sắc màu tươi mới và âm thanh vang vọng khắp núi đồi, của sự sống hồi sinh sẽ làm người ta quên đi một thời đạn bom. Hóa ra không phải vậy.

Sang phần thứ hai, mạch cảm xúc của bài thơ chuyển sang kể về chuyện của “người cựu binh” trong “Những đêm côn trùng ri rỉ lòng núi”. Trong khổ thơ này Phùng Thị Hương Ly đã rất thành công trong việc tái hiện cơn dư chấn tâm hồn của người lính ở thời kỳ hậu chiến.

Nếu như ở hai khổ thơ đầu là khung cảnh miền biên viễn vào lúc ban ngày, ngập tràn sắc màu tươi mới của cây trái hồi sinh cùng những thanh âm vang vọng da diết của tiếng chim gọi hè thì ở khổ thơ thứ ba này cái không gian biên viễn rực rỡ sắc màu và rộn ràng âm thanh kia như bị chìm vào màn đêm thanh tĩnh đến vô cùng. Phải nói rằng, trong khổ thơ này, tác giả đã sử dụng nghệ thuật lấy cái động để tả cái tĩnh rất đặc sắc. Nghệ thuật đó làm hiện lên trước mắt người đọc những đêm sâu rất sinh động. Tiếng “côn trùng” càng “ri rỉ” bao nhiêu thì đêm khuya hiện lên càng tĩnh mịch bấy nhiêu. Và, trong “Những đêm côn trùng ri rỉ lòng núi” ấy ký ức về một thời chiến trường năm xưa lại hiện hình như những thước phim trong câu chuyện kể của người cha với người con. Cứ như thế mà người ta thấy, trong sâu thẳm trái tim của người lính năm nào, dường như một thời khói lửa vẫn còn vẹn nguyên.

Người lính vẫn mang nó bên mình. Tiếng súng tuy đã lặng im nhưng hình ảnh của đồng đội, của đoàn quân đi “qua cánh rừng” giữa “sương khuya mòn mỏi” vẫn hiện về trong ký ức, qua những câu chuyện kể. Để rồi người ta lại nhận ra, câu chuyện của người cựu binh trong những đêm mất ngủ ấy không chỉ là những ám ảnh, dư chấn của cuộc chiến vừa đi qua để lại mà còn là những kỷ niệm nghĩa tình bên đồng đội trong những năm tháng hào hùng cứu nước không thể nào quên.

Người cựu binh kể lại câu chuyện một thời đạn bom phải chăng như muốn ôn lại câu chuyện cuộc đời; đồng thời cũng là sự nhắc nhở người con không được quên quá khứ của ông cha. Và như vậy, những câu chuyện kể của người cựu binh, tuy không hữu ý, nhưng vô tình cũng đã tái hiện và khơi gợi lên trong lòng người đọc về một không gian, thời gian hào hùng đầy gian khổ của những năm tháng chiến tranh.

Hình ảnh “đồng đội” và những đêm trường hành quân “qua cánh rừng” giữa “sương khuya mòn mỏi” vẫn sống mãi trong ký ức của người cha - người lính, nay được truyền sang cả người con. Đó chính là lịch sử dân tộc được trao truyền qua các thế hệ.

Sang phần cuối, nếu như phần thứ hai của bài thơ là khoảng lặng trong ký ức thì đoạn cuối của bài thơ, mạch cảm xúc lại đưa ta trở về với không gian, thời gian của cuộc sống thực tại. Đó là hình ảnh của vùng biên ải trong sự hồi sinh. Ở đấy người ta thấy hiện lên một khung cảnh thanh bình, thơ mộng của cuộc sống sinh hoạt đời thường khi đất nước đã đi qua cuộc chiến.

Đọc khổ thơ cuối này người ta thấy nhà thơ đã liệt kê hàng loạt các hình ảnh, âm thanh sống động của cuộc sống để dựng lên một bức tranh hồi sinh của những “mầm sống” đã và đang “nảy nở trên kí ức”. Đó là tiếng tu hú gọi hè, mùa vải chín đang về, một vùng trời biêng biếc; hình ảnh người cha đang bắc máng tre dẫn nước, tay đắp đập be bờ; bờ cỏ xanh tơ; bầy cá quẫy động trăng rằm; lưng đồi âm âm gió; búp sen ngập ngừng đáy nước; mùa thơm ngan ngát bên đồi. Với những hình ảnh ấy, ta thấy không chỉ có thiên nhiên hồi sinh mà còn có cả con người: “Người cựu binh không còn những đêm thức trắng”. Đúng là một bức tranh tươi đẹp và sống động. Và, hiện lên trong bức tranh, chủ nhân làm nên bức tranh ấy, không ai khác vẫn là người lính bước ra từ những cánh rừng của chiến trường năm xưa: “Cha bắc máng tre dẫn nước đổ đầy khoảng trống/ Tay đắp đập be bờ những bờ cỏ xanh tơ”.

Phải nói rằng, Phùng Thị Hương Ly đã xây dựng được một hình ảnh tuyệt đẹp về người lính thời bình, khi đất nước bị xâm lăng họ sẵn sàng chịu đựng gian khổ để đánh đuổi kẻ thù và khi đất nước hòa bình họ lại gác súng để lao động sản xuất, tái thiết đất nước tươi đẹp.

Cùng với hình ảnh người lính, bức tranh đất nước hồi sinh hiện lên trong mắt của nữ thi sĩ người Tày cũng thật hữu tình: “Bầy cá quẫy động trăng rằm”, “Búp sen ngập ngừng đáy nước/ Mùa thơm ngan ngát bên đồi”. Có thể nói, ở đây, nhà thơ đã kết hợp thủ pháp nghệ thuật lấy động gợi tĩnh với nghệ thuật nhân hóa để tạo ra những hình ảnh thơ lung linh và chất chứa những mỹ cảm về một cuộc sống thanh bình nơi miền biên viễn.

Và, cái hình ảnh “Bầy cá quẫy động trăng rằm” của Phùng Thị Hương Ly ấy lại làm tôi nhớ đến bức tranh “Lý ngư vọng nguyệt” của người xưa cùng với các câu thơ miêu tả ánh trăng vỡ tan trên mặt nước tuyệt đẹp của các thi sĩ Bàng Bá Lân, Huy Cận: “Hỡi cô múc nước bên đàng/ Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi” (Tiếng hát trong trăng) hay “Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe” (Đoàn thuyền đánh cá). Hay vị hương thơm mát của loài sen trong thơ Nguyễn Trãi và Lê Thánh Tông: “Gió đưa hương, đêm nguyệt lạnh/ Riêng làm của, có ai tranh” (Hoa sen); “Nõn nà sắc nước nhờ duyên nước/ Ngào ngạt hương trời nức dặm trời” (Hoa sen).

Bài thơ của Phùng Thị Hương Ly có nhan đề “Trên những hố bom”. Thi ảnh thời chiến ở nhan đề này dễ làm ta nhớ đến bài thơ “Khoảng trời hố bom” của nữ thi sĩ quá cố Lâm Thị Mỹ Dạ với những câu thơ hào hùng, cao cả nhưng chất chứa đau thương: “Chuyện kể rằng em cô gái mở đường/ Để cứu con đường đêm ấy khỏi bị thương/ Cho đoàn xe kịp giờ ra trận/ Em đã lấy tình yêu Tổ quốc của mình thắp lên ngọn lửa/ Đánh lạc hướng thù hứng lấy luồng bom ..”. Thoáng nhìn dễ tưởng cảm xúc và chủ đề của bài thơ sẽ gần với nhau nhưng đọc xong bài thơ của Phùng Thị Hương Ly rồi sẽ thấy không phải như vậy. Bài thơ cũng đề cập tới chiến tranh, cũng có những thi ảnh của thờ đạn bom nhưng cách nhìn, cách nghĩ của tác giả thế hệ 9X này đã có sự thay đổi.

Thường khi viết về chiến tranh người ta hay nghĩ đến đau thương, chết chóc, hy sinh, gian khổ. Nhưng bài thơ “Trên những hố bom” đã thể hiện một cách nhìn mới mẻ. Đó là cái nhìn chiến tranh trong sự hồi sinh. Hồi sinh của đất đai, của cây cối và của con người. Đó là sự phát triển của quê hương, đất nước khi chiến tranh đã đi qua.

Có thể thấy, viết về đề tài chiến tranh cách mạng, về người lính nhưng Phùng Thị Hương Ly không theo lối mòn, tái hiện những chết chóc, hy sinh. Nhà thơ vẫn khai thác những tư liệu của thời chiến qua các thi ảnh về chiến tranh. Nhưng dưới ngòi bút của nữ thi sĩ ta thấy các thi ảnh ấy không còn rợn ngợp, tang thương. Trái lại, nó hiện ra một cách sinh động trong một cái nhìn tươi mới, tràn trề nhựa sống của sự hồi sinh. Cái nhìn mới mẻ này là một thành công của nhà thơ, của bài thơ. Bởi thế nó cũng giống như bông hoa đại khải lặng lẽ tỏa hương từ núi ngàn Đông Bắc.

Đào Hiền

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/hoi-sinh-tren-nhung-ho-bom-a28439.html