Chuyện 'cười ra nước mắt' của giáo viên vận động học sinh đi học sau Tết

Ghi nhận tại các huyện miền núi của Nghệ An, tình trạng học sinh bỏ học sau dịp nghỉ Tết đã được giảm thiểu đáng kể so với các năm trước đó.

Tuần học đầu tiên sau Tết nguyên đán Giáp Thìn đã trôi qua, theo ghi nhận của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tại một số huyện miền núi của tỉnh Nghệ An, một số địa phương vẫn đối mặt với việc học sinh bỏ học sau Tết. Tuy nhiên so với các năm trước, tình trạng này đã được giảm thiểu đáng kể.

Lãnh đạo ngành giáo dục của một số huyện đã chia sẻ những câu chuyện "cười ra nước mắt" khi thầy cô đi vận động học trò quay trở lại trường học sau dịp Tết.

Thầy Thái Lương Thiện - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tương Dương cho biết, tình trạng học sinh ở những xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn bỏ học sau dịp Tết trong năm nay chỉ còn chiếm tỷ lệ rất ít. Đáng mừng hơn, sau khi được vận động, sau tuần học đầu tiên, các em cũng đã quay trở lại trường học đầy đủ.

"Để giảm thiểu tình trạng này, trước Tết, Ủy ban nhân dân huyện cũng đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị trường học, nhất là chỉ đạo người đứng đầu nhà trường sâu sát trong việc nắm bắt tình hình học sinh.

Đặc biệt là với những học sinh có "nguy cơ" bỏ học sau Tết. Sau khi nhà trường đã nắm bắt được tình hình, chúng tôi cũng đã cùng bàn bạc để tìm kiếm phương án xử lý, nhất là đẩy mạnh việc tuyên truyền và vận động phụ huynh học sinh.

Ngoài ra, đối với những học sinh thuộc gia đình có điều kiện khó khăn, các nhà trường cũng đã có những phương án hỗ trợ tốt nhất để các em sẵn sàng tâm lý đến trường và không bị chi phối bởi những tác động bên ngoài để dẫn đến tình trạng bỏ học", thầy Thiện thông tin thêm.

Sau Tết Nguyên đán năm 2024 tại Nghệ An đã ghi nhận sự khởi sắc trong việc giảm thiểu tình trạng học sinh miền núi bỏ học sau dịp Tết. Ảnh minh họa: Trung Dũng

Tại huyện Quỳ Châu, lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cũng chia sẻ những tín hiệu tích cực trong việc cải thiện tình trạng học sinh bỏ học sau Tết.

Cô Nguyễn Thị Châu - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quỳ Châu cho hay: "Qua nắm bắt tình hình đầu năm, tình trạng này trên địa bàn huyện vẫn còn xảy ra, tuy nhiên so với các năm trước thì số lượng này đã được giảm thiểu rất nhiều".

Chia sẻ thêm về phương án để địa phương có được kết quả đáng mừng như vậy, cô Châu cho biết: "Trước dịp học sinh nghỉ Tết nguyên đán mỗi năm chúng tôi cũng đã ra những văn bản hướng dẫn để gửi xuống các trường.

Đồng thời, Phòng cũng tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo các xã, thị trấn trên địa bàn trong việc quan tâm đến các hoàn cảnh của học sinh nhằm hạn chế tình trạng học sinh không đến trường sau Tết. Trong việc này chúng tôi đã có sự chỉ đạo sát sao, quán triệt tinh thần rõ ràng".

Qua đó, vị Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quỳ Châu nhấn mạnh, có những trường hợp bất khả kháng thì ngành giáo dục huyện mới đành "chấp nhận". Còn với những trường hợp đủ điều kiện để học sinh quay lại trường thì các thầy cô cũng đã làm hết sức mình để học sinh được đi học.

Theo cô Châu, sau tuần học đầu tiên cơ bản các học sinh của các trường học trên địa bàn đã quay trở lại trường học bình thường.

"Nhìn lại các công việc mà lãnh đạo ngành giáo dục huyện Quỳ Châu cùng các thầy cô đã thực hiện, có những lúc chúng tôi thấy mình giống như đang "hóa vai" thành các đồng chí công an để tìm "bắt" học sinh quay trở lại trường.

Trong đó có trường hợp, khi giáo viên nghe thông tin rằng có học sinh nghe bạn xấu lôi kéo, muốn bỏ học và trốn gia đình, bắt xe khách với ý định đi làm ăn xa. Lúc đó một số thầy cô đã phải che khẩu trang kín mặt và âm thầm lên xe khách để các em không phát hiện ra và trốn mất.

Khi lên được xe khách, nếu nhận ra đúng học sinh của mình, trước tiên thầy cô sẽ động viên để các em ấy trở về nhà và tiếp tục đi học.

Còn đối với học sinh nào mà thầy cô thuyết phục mãi không được thì buộc chúng tôi phải nhờ đến sự giúp đỡ của lực lượng chức năng để chặn xe khách đó lại. Sau đó phối hợp với gia đình để đưa các em ấy về. Các gia đình sau đó lại tiếp tục động viên để các em có thể đến trường vào ngày hôm sau.

Nói về những khó khăn trong việc vận động học sinh quay trở lại trường học sau dịp Tết đối với những người làm giáo dục trên địa bàn huyện miền núi như chúng tôi thì không thể nào kể hết.

Còn với những tình huống tương tự như vậy chúng tôi cũng đã phải xử lý khá nhiều trong một vài mùa Tết gần đây", Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quỳ Châu chia sẻ.

Cũng theo vị này, cũng có trường hợp dù nhà trường và chính quyền địa phương đã phối hợp rất tốt, làm việc chu đáo, tận tình nhưng lại nhận thiếu sự hợp tác từ phía gia đình học sinh.

"Chúng tôi cũng rất buồn khi có một số gia đình khi đến vận động thì họ thờ ơ, thiếu sự uốn nắn với con cái. Nhiều gia đình còn cho rằng, việc thuyết phục con cái của họ đi học trở lại được hay không là trách nhiệm của nhà trường nên cứ thế họ bỏ mặc", lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo Quỳ Châu nói thêm.

Tại huyện Quế Phong, lãnh đạo ngành giáo dục địa phương này bày tỏ phấn khởi khi việc xử lý tình trạng học sinh bỏ học sau Tết cũng đã đạt được những tín hiệu đáng mừng trong các năm gần đây.

Thầy Lữ Thanh Hà - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quế Phong nhấn mạnh: "Qua ghi nhận từ tuần học đầu tiên sau dịp Tết có thể thấy, so với mọi năm, năm nay chúng tôi đã thấy tình trạng này giảm thiểu rất nhiều.

Để có được kết quả này là sự vào cuộc và chung tay rất lớn của cả hệ thống chính quyền địa phương. Cụ thể, trước Tết nguyên đán, Ủy ban nhân dân huyện cũng như Phòng Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản để chỉ đạo các nhà trường nhắc nhở và quán triệt học sinh.

Từ những chỉ đạo đó, các trường và học sinh cũng được lên tinh thần. Qua Tết hầu hết các học sinh đã đến trường đi học bình thường".

Nêu lý do khiến tình trạng học sinh bỏ học sau Tết trên địa bàn có thể được giảm thiểu như vậy, lãnh đạo ngành giáo dục huyện Quế Phong cho rằng: "Trước đây phần đông các học sinh nằm trong nhóm thường bỏ học sau Tết chủ yếu là các em có hoàn cảnh gia đình khó khăn.

Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây tình hình kinh tế chung của địa phương cũng đã ổn định hơn, cuộc sống người dân cũng đã cải thiện hơn. Khi ấy, họ nhận thức được việc học hành của con cái họ là rất quan trọng.

Khi thay đổi được nhận thức, cách làm và cách quản lý con cái họ cũng sẽ đúng đắn hơn. Nói chung để thay đổi và để cải thiện tình trạng này, tiến tới chấm dứt trên địa bàn thì công việc quan trọng nhất vẫn là phải làm sao để nâng cao ý thức trong mỗi hộ gia đình.

Ngoài ra, hiện nay trên địa bàn huyện Quế Phong, số lượng các trường bán trú để học sinh có thể đi học và ở lại cũng được bổ sung thêm. Điều này tạo điều kiện cho việc học tập của học sinh trên địa bàn dễ dàng hơn. So với năm học trước thì số lượng trường bán trú đã tăng lên thêm 4 trường nên việc học tập của học sinh cũng tốt hơn, phụ huynh cũng yên tâm để cho con đến trường.

Vì đi học, học sinh được hưởng chế độ nhà nước, có thầy cô chăm lo đến việc học hành nên kết quả học tập qua từng năm của học sinh cũng tốt hơn".

Theo chia sẻ của lãnh đạo ngành giáo dục các huyện miền núi tại Nghệ An, điều kiện cơ sở vật chất, đặc biệt là có thêm các trường bán trú đã tạo được lòng tin với phụ huynh trong việc động viên con em tới trường. Ảnh minh họa: Trung Dũng

Còn tại huyện Quỳ Hợp, thầy Hồ Bình Minh - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện này cũng đã bày tỏ niềm vui vì sau Tết nguyên đán năm 2024, các học sinh trên địa bàn đều quay trở lại trường học đầy đủ.

"Qua ghi nhận từ báo cáo của các nhà trường gửi về Phòng Giáo dục và Đào tạo cho thấy, năm nay mọi việc vẫn diễn ra bình thường và không có biến động.

Trước, trong và sau Tết chúng tôi cũng chỉ đạo lãnh đạo các trường bám sát các học sinh có nguy cơ để kịp thời xử lý. Đến thời điểm hiện tại, sau một tuần học trôi qua sĩ số lớp ở các trường vẫn được giữ ổn định so với dịp trước Tết nguyên đán", thầy Minh cho hay.

Trung Dũng

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/chuyen-cuoi-ra-nuoc-mat-cua-giao-vien-van-dong-hoc-sinh-di-hoc-sau-tet-post241037.gd