Chuyện đầu tư… chờ 'rủi ro' tại các công trình kiểm soát nước mặn
Việc đầu tư công trình kiểm soát mặn ngọt để ổn định cho hoạt động sản xuất lúa cũng như phát triển nuôi tôm được cho là cần thiết. Thế nhưng, với tình trạng hàng loạt cống sau nhiều năm đầu tư chỉ để 'phơi nắng' như trường hợp ở huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang liệu có gây lãng phí hay không?
Công trình đã xây, nhưng nhiều năm không vận hành
Trao đổi với KTSG Online, ông Võ Văn Nhờ, ngụ ấp Cạnh Đền 2, xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang – hộ dân sống ngay cống Ông Tám – cho biết, thu nhập chính của người dân nơi đây là sản xuất lúa và nuôi tôm quảng canh. Trong đó, vụ lúa được gieo sạ vào giữa tháng 8 và thu hoạch vào giữa tháng 11 (âm lịch) hàng năm; còn vụ tôm quảng canh được bắt đầu sau khi đã thu hoạch xong vụ lúa.
Theo ông Nhờ, thời điểm gieo sạ lúa đúng vào mùa mưa nên nguồn nước ở cả trong ruộng lẫn ngoài sông (sông Cạnh Đền) đều là nước ngọt, trong khi vụ tôm được thả nuôi khi có nước mặn, tức ngoài sông lẫn trong đồng đều là nước mặn. “Lúc nuôi tôm trong ngoài đều mặn, còn khi sản xuất lúa trong ngoài đều ngọt nên (cống) không ngăn chặn gì hết”, ông nói và cho biết, ngoại trừ được sơn để bảo vệ tấm chắn kiểm soát mặn ngọt bằng gỗ, thì cống Ông Tám chưa đóng ngày nào từ thời điểm được xây dựng đến nay.
Bà Nguyễn Thị Tí, một hộ dân sống cạnh cống Rạch Đình, xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Thuận, chia sẻ trong khoảng 10 năm kể từ khi cống này được đầu tư cho đến nay, bà chưa nhìn thấy công trình được vận hành để kiểm soát mặn ngọt trong nước sông Cạnh Đền và nước đồng ruộng nằm ở bên trong.
Một hộ dân khác sống cạnh cống Xẻo Lộp là ông Lê Tấn Sơn, ngụ ấp Cạnh Đền, xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Thuận, cho biết ngoài những thời điểm bảo trì, hệ thống cống này chưa được vận hành trong vòng 5-6 năm gần đây. “Tôi chưa thấy cống được đóng lại lần nào hết, chỉ có người đến thực hiện việc thay nhớt, thay dầu”, ông Sơn kể.
Ông Sơn bày tỏ nỗi lo ngại các tấm chắn kiểm soát mặn ngọt sau nhiều năm “phơi nắng” có thể bị hư hỏng, tiềm ẩn nguy cơ gây thương tích cho người dân tham gia giao thông thủy. “Xui rủi lúc người dân đi qua mà tấm gỗ rớt xuống trúng đầu là rất nguy hiểm”, ông nói.
Ông Lê Công Trình, Phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Thuận xác nhận, trên địa bàn xã có khoảng 20-30 cống kiểm soát mặn ngọt đã được đầu tư, nhưng đều trong trình trạng “phơi nắng”. “Hiện tại đang nước mặn nuôi tôm, trong khi tháng kia (khoảng giữa tháng 8 đến giữa tháng 11 âm lịch hàng năm- PV) đều là nước ngọt nên không cần phải đóng ngăn lại”, ông nói.
Trao đổi với KTSG Online, ông Võ Hoàng Nguyên, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang, cho biết trên địa bàn huyện có khoảng 54 cống, nhưng chỉ có 2 cống lớn được vận hành, trong khi những cống còn lại hầu như không hoạt động. “Tính từ năm 2015 tới nay, vào giai đoạn 2019-2020 có một đợt nước ngập, địa phương có sử dụng một số cống ở những tuyến kênh bị thấp trũng”, ông cho biết và thông tin, việc đầu tư hệ thống cống này là để dần khép kín cho 30.000 héc ta diện tích sản xuất lúa hai vụ và lúa – tôm của địa phương, trong đó, có khoảng 30.000 héc ta diện tích lúa – tôm.
Công trình “phơi nắng”, vốn đầu tư đối mặt rủi ro
Trao đổi với KTSG Online về tình trạng cống kiểm soát mặn ngọt “phơi nắng”, ông Nguyên của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Thuận, lý giải xuất phát từ đợt xâm nhập mặn lịch sử trong mùa khô 2015-2016, tức nắng kéo dài, nước mặn xâm nhập sớm, khiến khoảng 12.000 héc ta lúa trên nền đất nuôi tôm của huyện bị thiệt hại nên địa phương đã đầu tư các cống để ứng phó.
“Thời điểm đó, chỗ anh Bình (ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Kiên Giang, lúc bấy bây giờ là Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Thuận- PV) có tham mưu cho UBND huyện (Vĩnh Thuận) đầu tư hệ thống cống để từng bước khép kín một số tuyến kênh, không để cho nước mặn tràn vô”, ông Nguyên giải thích.
Theo ông, đến năm 2019-2020, ở địa phương tiếp tục có một đợt triều cường dâng cao gây ngập ruộng vườn, nhà cửa của người dân nên huyện tiếp tục đầu tư thêm nhiều cống khác. “Đến nay, tổng số cống đã được đầu tư trên địa bàn huyện là 54”, ông thôn tin và cho rằng, kinh phí để đầu tư mỗi cống khoảng 700-800 triệu đồng và cống lớn nhất là khoảng 1,3 tỉ đồng.
Việc đầu tư hệ thống cống nêu trên nhằm mục đích: thứ nhất, khi có mặn sớm hoặc triều cường dâng cao, thì đóng lại không cho nước qua (tránh gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp- PV); thứ hai, trường hợp khi có dịch bệnh trong nuôi thủy sản thì đóng lại không cho lây nhiễm mầm bệnh ra diện rộng.
“Thực tế, đã có trường hợp tôm nuôi bị dịch bệnh chết, nhưng người dân nghĩ do môi trường thông thường”, ông Nguyên dẫn chứng và cho rằng, đối với trường hợp này buộc phải đóng cống để xử lý trước khi xả ra môi trường.
Ngoài đáp ứng hai mục đích nêu trên, theo ông Nguyên, việc đầu tư hệ thống cống nêu trên cũng nhằm phục vụ phát triển hạ tầng đường bộ, tức có những chỗ không có cầu, trong khi vốn đầu tư cầu lại không đảm bảo nên đầu tư cống để thay thế cho cầu giúp người dân lưu thông.
Trả lời câu hỏi của KTSG Online về hiệu quả của các cống đã được đầu tư, ông Nguyên cho rằng, thời điểm địa phương đầu tư các cống, thì chưa có hệ thống cống Cái Lớn- Cái Bé. Tuy nhiên, hiện hệ thống này đã hoạt động (giai đoạn 1 – PV), nên mức độ rủi ro về xâm nhập mặn, nước dâng ít hơn, trong khi tuyến đê bao sông Cái Lớn với rạch Cái Chanh hiện được đầu tư để bảo vệ vuông tôm cho bà con nông dân nên cũng giúp giảm áp lực về độ rủi ro.
“Như vây, hệ thống cống ngoài kia được đầu tư (hệ thống Cái Lớn- Cái Bé) nó giúp hạn chế nước dâng ở trong này (Vĩnh Thuận) cộng với mấy năm nay thời tiết cũng không khắc nghiệt như năm 2015-2016, cho nên, sau nhiều năm không sử dụng khiến các cửa cống (làm bằng gỗ) bị cũ”, ông Nguyên giải thích.
Còn ông Trình, Phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Phong thì cho rằng, việc đầu tư các cống trên địa bàn là để phòng ngừa khi xâm nhập mặn tăng cao và nước dâng.
Theo tìm hiểu của KTSG Online, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có quyết định phê duyệt dự án cụm công trình Tắc Thủ và các công trình thủy lợi ven biển Tây (giai đoạn 2 của dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn- Cái Bé- PV). Trong đó, một trong những nhiệm vụ của cụm công trình này là cùng với hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé (giai đoạn 1) giữ ngọt từ cuối mùa mưa đến hết tháng 12 hàng năm để phục vụ sản xuất ổn định vụ lúa cho khoảng 75.745 héc ta của huyện U Minh, Thới Bình (tỉnh Cà Mau) và huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang.
Ngoài ra, dự án nêu trên còn có nhiệm vụ hỗ trợ cấp nước có độ mặn thấp phục vụ nuôi trồng thủy sản trong mùa khô với diện tích khoảng 120.000 héc ta ở huyện Thới Bình, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau; huyện Phước Long, Giá Rai của tỉnh Bạc Liêu và huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang.
Theo kế hoạch, với việc đưa vào vận hành giai đoạn 2 của dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé trong tương lai, mức độ rủi ro cho hoạt động sản xuất lúa và nuôi tôm của huyện Vĩnh Thuận sẽ càng giảm đi. Khi đó, liệu có còn cơ hội cho việc vận hành hệ thống cống đã đầu tư trên địa bàn huyện Vĩnh Thuận?
Đề cập đến biện pháp xử lý đối với các cống bị hư tấm chắn kiểm soát mặn ngọt do nhiều năm không sử dụng, ông Nguyên của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Thuận cho biết đơn vị đã tham mưu cho địa phương về việc bố trí kinh phí sửa chữa những cống cần phải gắn cửa. “Còn những cống chưa cần thiết sẽ không gắn nữa. Khi nào có nhu cầu mới bố trí, chứ để treo thì qua 4-5 năm sẽ mục”, ông nói.
Cũng theo ông Nguyên, năm 2023, các xã trên địa bàn huyện đề nghị sửa chữa khoảng 12 cống và đồng thời xây dựng mới khoảng 7-8 cống. Để khép kín, ngoài 54 cống đã đầu tư, vẫn cần khoảng 40-50 cống nữa để đáp ứng nhu cầu của địa phương, tuy nhiên có những tuyến kênh lớn thì không thể nào làm cống được như sông Chắc Băng (kênh Vĩnh Thuận).