Chuyên đề: Đồng Nai - nơi hội tụ giá trị thiên nhiên, văn hóa và du lịch: Du lịch đỏ, dấu ấn hào khí Đồng Nai
Ngoài lợi thế phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, Đồng Nai còn có những địa chỉ đỏ, nơi lưu giữ những câu chuyện, dấu ấn của vùng đất anh hùng. Những địa chỉ đỏ góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, đoàn kết của quân và dân Đồng Nai qua các cuộc kháng chiến.
Đồng Nai đang khai thác khá mạnh những sản phẩm du lịch đỏ với các địa danh như: Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, Thành cổ Biên Hòa, Chiến khu Đ, đài liệt sĩ Rừng Sác, Nhà lao Tân Hiệp, điểm vượt ngục Tà Lài năm xưa… Đây là những địa chỉ mà hầu hết các thế hệ học sinh của tỉnh đều đã ghé thăm, dâng hương và tưởng nhớ.
* Những địa chỉ đỏ trong lòng thành phố
TP.Biên Hòa, trái tim của Đồng Nai từ lâu là thành phố phát triển rất năng động. Biên Hòa còn là địa chỉ đỏ gắn liền với lịch sử truyền thống hào hùng của dân tộc, mỗi di tích đều mang giá trị văn hóa, lịch sử từ thời mở cõi đến quá trình đấu tranh bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.
Theo các doanh nghiệp du lịch lữ hành, những địa chỉ như: Văn miếu Trấn Biên, đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, Nhà lao Tân Hiệp… từ lâu đã trở thành địa chỉ đỏ để giáo dục các thế hệ học sinh trong và ngoài tỉnh mỗi lần dã ngoại, về nguồn.
Trong đó, Văn miếu Trấn Biên được xem là "Văn miếu Quốc Tử Giám" của miền Nam. Đây cũng là nơi thường xuyên diễn ra lễ viếng các bậc tiền nhân, lễ báo công, tuyên dương tài năng trên các lĩnh vực của nhân dân Đồng Nai. Hay như đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, điểm đến giáo dục cho các thế hệ trẻ Đồng Nai về lịch sử mở cõi phương Nam.
TP.Biên Hòa còn có những địa chỉ gắn liền với các sự kiện đấu tranh cách mạng của quân dân Biên Hòa trong những năm đầu kháng chiến như: Nhà lao Tân Hiệp, một trong 6 nhà lao lớn nhất miền Nam thời kháng chiến chống Mỹ với những câu chuyện về sự nổi dậy, quyết tâm thoát khỏi xiềng xích kẻ thù của quân và dân Biên Hòa; di tích Nhà Xanh và câu chuyện tập kích của lực lượng cách mạng ta đối với đoàn cố vấn Mỹ; hay như Thành cổ Biên Hòa - thành cổ nhất của Nam bộ, nơi ghi dấu lịch sử hào hùng của vùng đất Biên Hòa trong suốt chặng đường 325 năm hình thành và phát triển… Tất cả những địa chỉ đỏ trong lòng thành phố hiện nay đều được tôn tạo, giữ gìn cho thế hệ mai sau.
Theo Giám đốc Sở VH-TTDL LÊ THỊ NGỌC LOAN, du lịch Đồng Nai có sự đan xen những điểm du lịch sinh thái với du lịch di tích lịch sử cách mạng. Do đó, nếu những giá trị du lịch có sự kết hợp thì Đồng Nai tạo ra những quần thể du lịch độc đáo.
* Tiếp nối hào khí Đồng Nai
Với vai trò là cửa ngõ, trong kháng chiến, Đồng Nai luôn là vị trí chiến lược đối với cả quân ta và quân địch. Do đó, ngày nay Đồng Nai có các địa chỉ đỏ nổi tiếng như: Chiến khu Đ của H.Vĩnh Cửu, căn cứ rừng Lá tại H.Xuân Lộc, Đền thờ Liệt sĩ - đặc công Rừng Sác của H.Nhơn Trạch, điểm vượt ngục Tà Lài ở H.Tân Phú... Mỗi điểm đến, mỗi địa danh đều gắn liền với những câu chuyện về tinh thần yêu nước, đoàn kết của dân tộc ta.
Là doanh nghiệp chuyên khai thác các tuyến du lịch về nguồn cho học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh, hàng năm, Công ty TNHH Du lịch Thái Loan (TP.Biên Hòa) trở thành nhịp cầu đưa hàng chục ngàn học sinh tham quan các điểm đến trong hành trình về nguồn. Bà Nguyễn Thái Tường Vân, Giám đốc công ty cho biết, không chỉ phục vụ các đoàn khách học sinh trong tỉnh, Thái Loan còn đưa nhiều đoàn học sinh từ TP.HCM, Bình Dương đến Đồng Nai để khám phá vẻ đẹp cảnh quan thiên nhiên, thăm và dâng hương tại Văn miếu Trấn Biên và sau đó, tham quan các điểm đến khác như: đền thờ Trần Hưng Đạo, Nhà lao Tân Hiệp, Bảo tàng Đồng Nai… Đây cũng chính là những bài học ngoại khóa hữu ích mà các trường học đã tổ chức cho học sinh.
Bà Lê Thị Ngọc Loan, Giám đốc Sở VH-TTDL cho biết, thị trường du lịch của Đồng Nai vẫn còn nhiều tiềm năng để khai thác. Các doanh nghiệp du lịch có thể khai thác khách hàng từ các trường học, khu công nghiệp và các tỉnh, thành phố lớn giáp ranh nơi có đông dân cư như: TP.HCM, Bình Dương… Hạ tầng giao thông đang là lợi thế lớn với Đồng Nai với sự phát triển mạnh ở các loại hình phương tiện giao thông gồm đường sắt, đường thủy và đường hàng không, đường bộ với hệ thống các tuyến đường cao tốc, liên tỉnh có quy hoạch bài bản, tạo được sự kết nối thông thoáng đến các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các điểm du lịch về nguồn, di tích căn cứ cách mạng… sẽ được chú trọng phát triển, nâng tầm các giá trị di sản qua phát triển du lịch địa phương.