Chuyến đi của ông Lula da Silva đến Trung Quốc
Tổng Thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva đã có chuyến công du cấp nhà nước tới Trung Quốc nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế song phương. Trong 4 năm qua, những tuyên bố chống Trung Quốc của người tiền nhiệm được cho là đã làm xấu đi quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Tới Bắc Kinh lần này, đương kim Tổng thống Lula nỗ lực 'hâm nóng' mối quan hệ, qua đó đưa Brazil thoát khỏi tình trạng bị cô lập ngoại giao.
Nỗ lực “soán ngôi” đồng USD
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Brazil, do đó kinh tế là một chủ đề quan trọng trong chuyến thăm Trung Quốc của ông Lula. Các quan chức Bắc Kinh cũng coi Brazil - quốc gia đi đầu ở Nam bán cầu (chỉ các quốc gia đang phát triển) như một điểm mấu chốt trong các kế hoạch chiến lược và kinh tế của họ. Trọng tâm ban đầu của chuyến thăm là về thương mại. Trước khi nhà lãnh đạo Brazil đến Bắc Kinh, Trung Quốc đã tổ chức một diễn đàn với sự tham gia của 500 doanh nhân hai nước và đạt được hơn 20 thỏa thuận hợp tác. Một trong những kết quả đáng chú ý là việc cho phép các giao dịch giữa hai nước được thực hiện bằng đồng real và nhân dân tệ thay vì USD. Kim ngạch thương mại song phương đạt kỷ lục hơn 150 tỷ USD vào năm 2022.
Theo Hội đồng Kinh doanh Brazil-Trung Quốc, Brazil cũng là điểm đến đầu tư chính của Trung Quốc vào Mỹ Latin từ năm 2007-2020 với trị giá 70 tỷ USD. Thị trường Trung Quốc tiêu thụ hơn 1/3 lượng hàng hóa xuất khẩu của Brazil (chủ yếu là tài nguyên thiên nhiên và nông sản), gấp 3 lần so với Mỹ. Brazil là một trong số ít quốc gia xuất siêu với Trung Quốc.
Chuyên gia kinh tế Gaulard cho rằng Brazil có thể tham gia “Con đường tơ lụa mới”, dự án khổng lồ của Trung Quốc đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông. Hai nước cũng có thể hợp tác trong lĩnh vực chất bán dẫn, thành phần thiết yếu để sản xuất chip điện tử mà Trung Quốc hiện rất cần do Mỹ áp đặt lệnh hạn chế xuất khẩu mặt hàng này sang Trung Quốc. Bà Gaulard nêu rõ: “Mục tiêu của Trung Quốc là giảm phụ thuộc vào chất bán dẫn của Mỹ và phát triển sản xuất chất bán dẫn ở cả trong và ngoài nước. Trung Quốc đang đàm phán để có thể xây dựng các nhà máy bán dẫn tại Brazil”.
Mong đợi gì từ chuyến thăm?
Trở lại nắm quyền vào đầu năm nay sau 2 nhiệm kỳ tổng thống từ 2003 đến 2011, ông Lula đã nhiều lần tuyên bố muốn đưa Brazil một lần nữa trở thành cường quốc có tiếng nói trên trường quốc tế, đưa Brazil trở lại vị trí dẫn đầu trong BRICS - khối các nền kinh tế lớn mới nổi bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Tờ Thời báo Hoàn cầu từng đăng bài xã luận với tựa đề “Lula thăm Trung Quốc, quan hệ Trung Quốc-Brazil sẽ trở nên “nồng ấm về chính trị và kinh tế’”, trong đó giáo sư Wang Youming thuộc Viện Nghiên cứu quốc tế Trung Quốc mô tả ông Lula là người rất ngưỡng mộ mô hình phát triển kinh tế của Trung Quốc, đặc biệt là Bắc Kinh cũng ủng hộ mạnh mẽ việc củng cố cơ chế BRICS và là đối trọng với quyền bá chủ toàn cầu của Mỹ. Bài xã luận nhấn mạnh việc Trung Quốc coi Brazil là một đối tác không thể thiếu của Mỹ Latin và mong muốn thúc đẩy quan hệ với Brazil. Pedro Brites, chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Getulio Vargas Foundation ở Sao Paulo, nhận xét Brazil không thể quay lưng với những lợi ích mà Trung Quốc mang lại.
Về phần mình, Trung Quốc cũng đang khuyến khích các công ty của họ tìm kiếm thị trường mới và đối tác nước ngoài để giảm sự phụ thuộc vào Mỹ. Tóm lại, trong chương trình nghị sự của chuyến công du lần này, ông Lula ưu tiên tìm cách tối đa hóa thương mại và đầu tư với Trung Quốc, tiếp tục thể hiện vai trò của Brazil như quốc gia tiên phong ở Nam bán cầu và sử dụng các diễn đàn đa phương như BRICS để duy trì tính trung lập trong kỷ nguyên cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung.
Những rào cản
Nhưng, đánh giá lạc quan của giáo sư Wang về quan hệ Brazil-Trung Quốc đã bỏ qua những căng thẳng có thể cản trở hợp tác giữa hai nước. Trước hết, ông Wang chỉ ra rằng đây là chuyến thăm Trung Quốc lần thứ năm của Tổng thống Lula, người mà ông gọi là “người bạn cũ của nhân dân Trung Quốc”, đồng thời lưu ý trong những chuyến thăm trước, ông Lula đã chứng kiến “những thành tựu phát triển to lớn” của Trung Quốc, đặc biệt là chính sách hỗ trợ người nghèo, xây dựng cơ sở hạ tầng, giáo dục công và công nghệ cao.
Tuy nhiên, mặc dù tìm cách “sao chép” mô hình phát triển kinh tế thành công của Trung Quốc, Tổng thống Lula không muốn chỉ đóng vai trò thứ yếu trước Trung Quốc. Ông muốn đưa Brazil trở lại vị thế quốc gia tích cực ủng hộ bảo vệ môi trường sau nhiều năm tình trạng phá rừng tăng mạnh dưới thời người tiền nhiệm. Vì lý do này, ông có động lực phải cứng rắn với Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc làm nhiều hơn nữa để giảm phát thải khí nhà kính và buộc các doanh nghiệp của Trung Quốc đang hoạt động ở Brazil và các nơi khác phải chịu trách nhiệm về việc tàn phá, gây ô nhiễm môi trường.
Thứ hai, giáo sư Wang nhấn mạnh ông Lula mong muốn hợp tác với Trung Quốc để củng cố cơ chế BRICS, qua đó “khôi phục hình ảnh quốc tế của Brazil” bằng cách đóng một vai trò sâu sắc hơn trong khối. Ông Lula tin rằng BRICS đã mang đến cho các nước đang phát triển “những cơ hội chưa từng có trong 500 năm qua” và BRICS đại diện cho “sự tái cân bằng” của hệ thống quốc tế. “Đối với ông Lula, tăng cường hợp tác với Trung Quốc sẽ giúp Brazil hiện thực hóa giấc mơ trở thành cường quốc toàn cầu”. Tuy nhiên, BRICS cũng có thể là đấu trường cạnh tranh giữa Brazil và Trung Quốc. Nếu như ông Tập Cận Bình được cho là sẽ tìm cách khẳng định vai trò lãnh đạo kinh tế của BRICS thì ông Lula nhiều khả năng sẽ khẳng định vai trò đầu tàu gương mẫu về bảo vệ khí hậu, như ông đã thể hiện tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc 2022 (COP27).
Nhà lãnh đạo Brazil cũng chỉ ra rằng các diễn đàn đa phương thực chất là cách tốt nhất để Trung Quốc tối đa hóa lợi ích của họ. Đầu năm nay, ông kêu gọi Uruguay không đàm phán Hiệp định thương mại tự do song phương với Trung Quốc. Thay vào đó, khối thương mại khu vực Mercosur sẽ có khả năng tốt hơn để đàm phán các điều khoản có lợi hơn với Bắc Kinh, đặc biệt là sau khi Mercosur hoàn tất FTA với Liên minh châu Âu (EU) để tăng đòn bẩy. Ông Lula có thể sử dụng cách tiếp cận tương tự thông qua BRICS, đối trọng với các nhu cầu hoặc đề xuất của Trung Quốc bằng cách thiết lập quan hệ đối tác với Ấn Độ, Nga và Nam Phi.